Với hơn 50 năm quan hệ ngoại giao và 14 năm quan hệ Đối tác chiến lược, các lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và Anh đã xây dựng được nền móng vững chắc và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, trong suốt gần 4 năm kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) có hiệu lực vào ngày 31/12/2020 giờ GMT (6h sáng ngày 01/01/2021 theo giờ Việt Nam), quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, chứng minh sức bật to lớn của một Hiệp định thương mại trong thời kỳ hội nhập quốc tế với xu hướng hợp tác cùng phát triển.
Từ khóa: UKVFTA, kinh tế, thương mại, xuất khẩu, nhập khẩu, cơ hội…
With over 50 years of diplomatic relations and 14 years of strategic partnership, the fields of economic, trade, and investment cooperation between Vietnam and the UK have built a solid foundation and developed rapidly. Notably, in nearly four years since the Vietnam-United Kingdom and Northern Ireland Free Trade Agreement (UKVFTA) came into effect on December 31, 2020, GMT (6 AM on January 1, 2021, Vietnam time), the economic relationship between Vietnam and the UK has achieved significant milestones, demonstrating the tremendous potential of a trade agreement in the era of international integration with a trend of cooperative development.
Keywords: UKVFTA, economy, trade, export, import, opportunities…
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Vương Quốc Anh đạt nhiều thành tựu đáng kể
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) được kỳ vọng là chiếc cầu nối vững chắc, giúp duy trì và phát triển quan hệ thương mại hai nước kể từ sau khi Anh rời Liên minh châu Âu. Hiệp định UKVFTA được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong EVFTA, với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh, đồng thời đảm bảo cân bằng lợi ích của cả đôi bên.
Sau gần 4 năm có hiệu lực, UKVFTA đã chứng minh hiệu quả, đặc biệt là sức hút trong quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, thúc đẩy kim ngạch thương mại hai nước lên tầm cao mới, đồng thời đem lại kỳ vọng hợp tác kinh tế, nhất là tăng trưởng thương mại mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Hiệp định UKVFTA được đàm phán, ký kết, có hiệu lực và thực thi trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới có nhiều khó khăn với những diễn biến khó lường do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột chính trị, xu hướng bảo hộ gia tăng… Tuy nhiên, kể từ sau khi có hiệu lực và được thực thi, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Anh không ngừng gia tăng. Theo đó, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng 26,4%; từ 5,64 tỷ USD năm 2020 lên 7,14 tỷ USD năm 2023.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đã tăng lên đáng kể, từ 4,94 tỷ USD năm 2020 lên 5,76 tỷ USD năm 2021 và đạt trên 6,34 tỷ USD năm 2023, bất chấp những khó khăn do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Theo Hiệp định UKVFTA, 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho nhiều nông sản, hàng hóa của Việt Nam so với sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ những nước chưa có Hiệp định thương mại tự do với Anh. Chính vì vậy, năm 2023 cũng được coi là năm thành công của hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Anh khi nhiều trái cây đặc sản trong nước đã được xuất khẩu sang Anh theo con đường chính ngạch, như: Cam, bưởi, quýt, sầu riêng, vải… và nhận được phản hồi tích cực từ thị trường Anh. Một số nông sản thực phẩm và trái cây tươi đã có mặt tại các chuỗi siêu thị cao cấp và trung lưu của Anh như Whole Food, Marks & Spencer (M&S), Waitrose…
Nửa đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 21,7% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang Anh với thặng dư thương mại hơn 3,2 tỷ USD, tăng 28,5% so cùng kỳ 2023... Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường đều tăng khá, dẫn đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 142,7%); cao su (tăng 110%); điện dây cáp điện (tăng 68%); máy móc thiết bị dụng cụ (tăng 44,8%), rau quả (tăng 55,5%); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (tăng 30,7%); giày dép các loại (tăng 27,8%)… Những mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng kim ngạch lớn nhất lần lượt là: Điện thoại các loại và linh kiện 17,9%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 17%; Giày dép các loại 13,4%; Hàng dệt, may 9,8%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 9,6%; Hàng thủy sản 4%; Gỗ và sản phẩm gỗ 3%, sắt thép các loại 3,5%, cà phê 1,8%.
Ở chiều ngược lại, nhờ nguồn cung lớn của nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi của Hiệp định UKVFTA để gia tăng nhập khẩu nguồn nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng phục vụ sản xuất.
Bên cạnh tăng trưởng thương mại, Việt Nam cũng nhận được đầu tư mạnh mẽ từ Anh trong những năm gần đây. Anh hiện đứng trong danh sách 20 quốc gia hàng đầu có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Anh vào Việt Nam đã tăng từ 3,84 tỷ USD năm 2020 lên 4,25 tỷ USD năm 2023; số dự án tăng từ 411 dự án lên 554 dự án. Tính đến 31/12/2023, Việt Nam cũng triển khai 14 dự án đầu tư tại Anh với tổng số vốn đăng ký đạt 17,29 triệu USD.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp của Anh đã đầu tư 569 dự án với tổng số vốn 4,37 tỷ USD, đứng thứ 15/140 trong số các nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2024, các doanh nghiệp đầu tư của Anh rót vốn mạnh vào các dự án tại Việt Nam, nhờ đó, riêng 2 quý đầu năm 2024 đã có 48 dự án được cấp mới, điều chỉnh, mua cổ phần với tổng mức đầu tư đạt 137,18 triệu USD, tăng đến 401,8% so với cùng kỳ năm 2023. Các nhà đầu tư Anh tham gia nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, khai khoáng. Các dự án còn lại thuộc các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống; cấp nước và xử lý chất thải; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; giáo dục đào tạo.
Đẩy mạnh giải pháp tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, gia tăng thị phần và kim ngạch thương mại
Năm 2023 được nhận định là một năm tương đối khó khăn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và thương mại Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, thương mại vẫn nổi lên như điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó có đóng góp từ sự tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. UKVFTA vẫn còn nhiều lợi thế mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa tận dụng hết và doanh nghiệp nhập khẩu cũng đang tìm cách khai thác những ưu đãi này.
Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng từ Việt Nam sang Anh phải đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh xung đột gây ách tắc cảng biển quốc tế, cước vận tải tăng, thiếu container rỗng... Thêm vào đó, nhu cầu thị trường Anh suy giảm do kinh tế suy thoái, lạm phát cao và người dân thắt chặt chi tiêu khiến Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) tại nước này liên tục ở mức âm trong những tháng gần đây. Thị trường Anh cũng là một trong những thị trường khó tính, với những tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe; yêu cầu về chứng chỉ xanh, thương mại công bằng ngày càng được ưa chuộng khiến các doanh nghiệp phải đầu tư nhiều chi phí hơn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng và xuất xứ. Chính vì vậy, việc tăng cường tìm hiểu, khai thác và tận dụng những ưu đãi từ UKVFTA chính là cơ hội để Việt Nam ổn định và gia tăng thị phần cũng như kim ngạch thương mại với quốc gia có nhu cầu đa dạng từ gần 70 triệu người tiêu dùng này.
Để có thể tận dụng hiệu quả hơn nữa những cơ hội do UKVFTA mang lại, một số giải pháp cần được đẩy mạnh triển khai như: Doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sản phẩm và quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn Anh; kịp thời nắm bắt các điều kiện tiêu chuẩn, quy định mới của thị trường xuất khẩu và xu thế tiêu dùng để cải tiến công nghệ, chất lượng mẫu mã sản phẩm phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh tận dụng các công nghệ kỹ thuật số và các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng phạm vi tìm kiếm, tiếp cận thị trường, kết nối với người tiêu dùng một cách hiệu quả. Chủ động tham gia vào các hội chợ thương mại, sự kiện ngành để tìm kiếm và kết nối với các doanh nghiệp Anh mong muốn có hoạt động đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Anh luôn quan tâm xây dựng, thiết lập tổ chức lại mối quan hệ mới tốt đẹp với các cơ quan Chính phủ Anh nhằm tiếp cận và cập nhật các chính sách kinh tế thương mại của địa bàn. Qua đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh kết nối thông tin với các cơ quan, Thương vụ Việt Nam tại Anh nhằm tăng cường liên kết mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Liên quan đến việc thực thi Chương trình Thương mại và Phát triển bền vững trong UKVFTA, Vương quốc Anh dự kiến sẽ áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) kể từ ngày 01/01/2027 đối với việc nhập khẩu một số mặt hàng nhất định có hàm lượng phát thải các-bon lớn trong các lĩnh vực: Nhôm, xi măng, gốm sứ, phân bón, thủy tinh, hydrogen, sắt và thép. Cơ chế này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm này sang Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi và lợi ích của mình, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt cần quan tâm, đề xuất trong quá trình Anh tham vấn doanh nghiệp để lấy ý kiến về tài liệu này./.
Hiệp định UKVFTA gồm 9 điều khoản; 01 Phụ lục sửa đổi một số điều về lời văn EVFTA; 01 Nghị định thư và 01 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và Anh. Về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định UKVFTA cũng tương tự như Hiệp định EVFTA, gồm: Thương mại hàng hóa (các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực và pháp lý - thể chế. |
Tài liệu tham khảo:
1. Số liệu xuất, nhập khẩu các năm 2020, 2021, 2022, 2023, Tổng cục Thống kê;
2. Số liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài năm 2020, 2023, 6 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê;
3. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương
Minh Hà