UNFPA tự hào vì đã luôn đồng hành cùng Thống kê Việt Nam trong các kỳ Tổng điều tra dân số

13/06/2019 - 10:26 AM
Phóng viên: Thưa Ông, được biết UNFPA luôn đồng hành với ngành Thống kê trong các kỳ Tổng điều tra Dân số và nhà ở (TĐTDS). Cuộc TĐT lần này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của UNFPA?
 
Ông Lê Bạch Dương: Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) là cơ quan đứng đầu hỗ trợ kỹ thuật cho các cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở (TĐTDS) của nhiều nước trên thế giới. Có thể khẳng định, cuộc TĐTDS của mỗi quốc gia không chỉ có ý nghĩa với quốc gia đó mà còn với các hoạt động của Quỹ dân số Liên hợp quốc. Hiện nay, UNFPA đang hỗ trợ các nước tiến hành TĐTDS vòng 2020 (tiến hành trong những năm 2020). Những ưu tiên này được đặt trong chiến lược toàn cầu của UNFPA giai đoạn 2018-2021. Ở Việt Nam, hỗ trợ cho Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 (TĐT 2019) đã được đưa vào văn kiện chương trình quốc gia của UNFPA giai đoạn 2017-2021. Cụ thể, hỗ trợ của UNFPA tập trung vào nâng cao chất lượng của thông tin thu thập được nhằm cung cấp những bằng chứng cho vận động và xây dựng chính sách, nâng cao năng lực trong việc cung cấp, phổ biến và sử dụng nguồn số liệu tin cậy và chính xác về dân số, phục vụ tư vấn xây dựng chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là ưu tiên hàng đầu của UNFPA và các đối tác phát triển khác.

 
UNFPA tự hào vì đã luôn đồng hành cùng Thống kê Việt Nam trong các kỳ Tổng điều tra dân số
Ông Lê Bạch Dương
Trợ lý trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam
 
Phóng viên: Ông có thể cho biết những nhận định, đánh giá của UNFPA về cách thức tổ chức, kết quả TĐTDS trong các kỳ TĐT trước đây?
 
Ông Lê Bạch Dương: UNFPA đã đồng hành với Việt Nam trong cả 4 cuộc TĐTDS trước đây, bắt đầu từ năm 1979 và đã chứng kiến sự trưởng thành nhanh chóng của Tổng cục Thống kê (TCTK) trong tiến hành TĐTDS. Các cuộc TĐTDS trước đây đã tuân thủ những nguyên tắc cơ bản và khuyến nghị của Liên hợp quốc về TĐTDS, theo kịp sự phát triển của quốc tế, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý số liệu. Các cuộc TĐTDS trước đây của Việt Nam tiến hành thu thập và ghi thông tin trên phiếu giấy, vì thế thời gian để công bố kết quả thường chậm do phải kiểm tra, nhập và xử lý một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Đến TĐTDS 2009, Việt Nam đã ứng dụng công nghệ nhận dạng tự thông minh (Intelligence Character Recognition (ICR) technology) để nhận dữ liệu của các phiếu hỏi, do đó đã rút ngắn được thời gian công bố kết quả. UNFPA rất tự hào vì đã có nhng đóng góp to ln cv tài chính và kthut cho TĐTDS của Việt Nam trong sut 4 thập kqua, góp phần nâng cao năng lực cán bộ TCTK trong thiết kế, tổ chức, quản lý điều hành, phân tích và công bố số liệu, mang lại thành công của các cuộc TĐTDS. Các chuyên gia quốc tế cũng đã đánh giá cao chất lượng số liệu TĐTDS của Việt Nam trong những năm gần đây. Có thể nói, Thống kê Việt Nam đã trưởng thành và có rất nhiều kinh nghiệm sau khi tiến hành các cuộc TĐTDS và kinh nghiệm đó đã được chia sẻ với nhiều nước trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
 
Phóng viên: Thưa Ông, sự hợp tác của UNFPA với TCTK từng được thực hiện như thế nào?
 
Ông Lê Bạch Dương: UNFPA có sự phối hợp rất chặt chẽ với TCTK để đảm bảo rằng hỗ trợ của UNFPA đáp ứng đúng nhu cầu và ưu tiên của Chính phủ. Ở các cuộc TĐTDS trước đây, những hỗ trợ kỹ thuật và tài chính ở hầu hết các khâu, bao gồm các chuyến đi học tập kinh nghiệm quốc tế ở các nước tiên tiến đã có nhiều kinh nghiệm trong tiến hành TĐTDS, các khóa tập huấn trong và ngoài nước do chuyên gia quốc tế cung cấp về xây dựng kế hoạch, tổ chức, quản lý TĐTDS để đảm bảo TĐT thực hiện theo các khuyến nghị của Liên hợp quốc, cung cấp phương tiện, trang thiết bị cho đào tạo, hỗ trợ đánh giá số liệu, phân tích, công bố kết quả và sử dụng kết quả TĐTDS cho dự báo, xây dựng chính sách. Tại TĐTDS năm 2009, UNFPA đã mời các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm để cùng hỗ trợ TCTK thử nghiệm công nghệ nhận dạng tự thông minh để nhập số liệu. UNFPA cũng đã vận động các tổ chức Liên hợp quốc cùng tham gia các chuyến giám sát điều tra tại thực địa. Qua các chuyến giám sát này, các tổ chức Liên hợp quốc đánh giá cao công tác tổ chức tiến hành TĐTDS của Việt Nam và tin tưởng vào chất lượng của số liệu điều tra. Có thể nói lịch sử của quan hệ đối tác giữa UNFPA và TCTK gắn liền với hợp tác trong tiến hành các cuộc TĐTDS của Việt Nam.
 
TĐTDS 2019 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn tài trợ ODA giảm nhiều, nhưng UNFPA vẫn ưu tiên dành nguồn ngân sách hỗ trợ TĐTDS, tập trung vào giai đoạn chuẩn bị, nhằm nâng cao chất lượng số liệu thu thập cũng như sẽ tập trung vào phân tích và công bố kết quả để đảm bảo số liệu của TĐTDS được sử dụng rộng rãi cho tư vấn và xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như chính sách trong các lĩnh vực dân số, an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo, việc làm, nhà ở, v.v.
 
Phóng viên: Xin Ông cho biết quan điểm của UNFPA trước điểm mới là đưa CAPI và Webform vào TĐTDS?
 
Ông Lê  Bạch  Dương: Ứng dụng công nghệ thông tin trong các công đoạn của  TĐTDS là một xu thế toàn cầu và hiện nay nhiều nước đang áp dụng nhằm nâng cao chất lượng số liệu thu thập, rút ngắn thời gian xử lý số liệu và sớm công bố kết quả. Đặc biệt, việc sử dụng công cụ điện tử cầm tay (Máy tính bảng, điện thoại thông minh - gọi tắt là CAPI) để ghi thông tin hay các hộ tự cung cấp thông tin trực tuyến (Webform) đã được áp dụng trong Tổng điều tra dân số ở một số nước từ những năm 2010. Ở hầu hết các nước phát triển như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc,... tiến hành TĐTDS không áp dụng CAPI mà áp dụng phương pháp thu thập số liệu qua Webform. Phiếu giấy chỉ  áp dụng ở những hộ không trả lời qua hình thức này. Một số nước đã từng áp dụng CAPI trong TĐTDS là Ai-cập năm 2017,  Estonia năm 2011, Brazil năm 2010... Trong chu kỳ 2020 cũng có một số nước đang lên kế hoạch kết hợp nhiều hình thức thu thập số liệu khác nhau bao gồm cả áp dụng CAPI như Hồng Kông, Hàn Quốc, Bănglađet, Srilanka, Anbani, Nam Phi, Mexico, Tongga, Timorleste, v.v.
 
Kinh nghiệm của các nước đã áp dụng CAPI để ghi thông tin cho thấy họ đều có nguồn lực dồi dào và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở vật chất cho ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như tập trung nhiều nguồn lực cho việc thiết kế, đào tạo và vận hành, giám sát trong quá trình thu thập số liệu.
 
Trước những thay đổi to lớn chuyển từ phương pháp thu thập thông tin truyền thống (dùng phiếu giấy) sang sử dụng công cụ điện tử trong TĐTDS ở nhiều nước, Liên hợp quốc đã giới thiệu tài liệu “Hướng dẫn sử dụng công nghệ thông tin trong thu thập số liệu TĐTDS”, cùng với sổ tay: “Những Nguyên tắc và Khuyến nghị cho TĐTDS vòng 2020”. Đây là hai tài liệu quan trọng để các nước có thể tham khảo trong chuẩn bị, thiết kế và tiến hành TĐT vòng 2020, cũng như ứng dụng có hiệu quả và khai thác tối đa những giá trị của đầu tư công nghệ thông tin và giảm những rủi ro có thể có trong quá trình tiếp nhận và phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ TĐT.
 
Tại Việt Nam, TĐT 2019 diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ trên cả nước. vậy, việc áp dụng công nghệ thông tin trong TĐTDS lần này là hoàn toàn đúng đắn và chúng tôi ủng hộ cách làm này của TCTK. Hơn nữa TCTK đã có thử nghiệm CAPI trong một số cuộc điều tra khác và cũng đã tiến hành điều tra thử nghiệm TĐTDS, nên cũng là một thuận lợi cho TCTK khi áp dụng vào TĐTDS. Tuy nhiên, lần đầu tiên ứng dụng CAPI dựa vào máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh của điều tra viên và Webform trong thu thập số liệu ở mô qui rất lớn như TĐTDS cũng là một thách thức không nhỏ cho TCTK.
 
UNFPA đã hỗ trợ TCTK tham quan học hỏi kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong Tổng điều tra dân số cũng như chia sẻ với TCTK kinh nghiệm của một số nước ứng dụng CAPI trong TĐTDS. Chúng tôi tin rằng qua tham khảo kinh nghiệm của các nước cũng như các tài liệu của Liên hợp quốc, TCTK đã có những quyết định phù hợp trong thiết kế và ứng dụng CAPI trong TĐTDS ở Việt Nam. Chúng tôi cũng tin tưởng rằng với sự chuẩn bị chu đáo và đầu tư của chính phủ Việt Nam, những đột phá trong ứng dụng công nghệ, TĐT 2019 sẽ thu được kết quả tốt.
 
Phóng viên: Thưa Ông, trong TĐT 2019 UNFPA đã phối hợp như thế nào và kỳ vọng gì vào cuộc điều tra?
 
Ông Lê Bạch Dương: UNFPA là tổ chức có uy tín, kinh nghiệm, đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho TĐTDS ti nhiều nước trên thế gii trong nhiều thập kqua. Tương tnhư các TĐTDS trước đây, UNFPA tại Việt Nam cũng đã sớm có những trao đổi, tư vấn với TCTK trước khi xây dựng kế hoạch cũng như trong tất cả các giai đoạn của TĐTDS 2019 để đảm bảo hỗ trợ của UNFPA đáp ứng được mong đợi của Chính phủ Việt Nam về TĐTDS, cũng như TĐTDS được tiến hành theo chuẩn quốc tế. Những hỗ trợ của UNFPA cho TĐTDS lần này được thực hiện thông qua dự án hỗ trợ của UNFPA cho TCTK giai đoạn 2017-2021.
 
Trong giai đoạn chuẩn bị từ năm 2017, UNFPA đã hỗ trợ TCTK tham quan học tập kinh nghiệm của Nhật Bản trong tiến hành TĐTDS có áp dụng công nghệ thông tin, tham dự các hội thảo quốc tế về xây dựng kế hoạch, thực hiện và quản lý TĐTDS, về các phần mềm ứng dụng trong xử lý, phân tích và công bố số liệu. UNFPA cũng đã hỗ trợ xây dựng kế hoạch TĐTDS, thử nghiệm ban đầu CAPI tại một số tỉnh, thiết kế mẫu cho phiếu dài, xây dựng một số tài liệu quan trọng, hỗ trợ các lớp tập huấn của Ban Chỉ đạo TĐTDS Trung ương. Hỗ trợ của UNFPA còn bao gồm các hoạt động truyền thông, giám sát trong thu thập số liệu, phân tích và phổ biến các kết quả của TĐTDS, v.v.
 
Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chúng tôi hy vọng kết quả của TĐTDS 2019 sẽ sớm được công bố, sẽ đưa ra được bức tranh dân số và nhà ở và những biến đổi nhân khẩu học quan trọng của Việt Nam trong thời gian qua. Quan trọng hơn là kết quả của TĐTDS sẽ được sử dụng rộng rãi, có hiệu quả trong việc đánh giá, xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các địa phương, các chính sách liên quan đến các vấn đề dân số nổi bật của Việt Nam, cũng như các chính sách, kế hoạch phát triển ngành nhằm đáp ứng với những biến đổi dân số và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
 
Không chỉ đưa ra các kết quả mà các dữ liệu của TĐTDS 2019 cần được sử dụng và kết nối với dữ liệu của các cuộc điều tra quốc gia khác, các số liệu hành chính để tính toán các chỉ số quan trọng của Việt Nam, như nghèo đói, giáo dục, sức khỏe sinh sản, v.v. ở các cấp cũng như của các nhóm dân số khác nhau, đặc biệt các nhóm bị thiệt thòi.
 
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông!
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top