Ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Trung Quốc

20/07/2020 - 11:01 AM
Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhờ tận dụng tối đa việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu, Trung Quốc đã từng bước khống chế được dịch bệnh và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
 
Từ lâu, chính phủ Trung Quốc luôn nhấn mạnh tiến bộ công nghệ là một trụ cột tăng trưởng quan trọng và đã chi hàng tỷ USD nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghệ khoa học với hàng loạt các sáng kiến trong trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, robot và nhiều lĩnh vực khác. Chính vì vậy, kể từ khi những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được thông báo tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã sớm triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phục vụ cho cuộc chiến chống dịch bệnh. Những “gã khổng lồ” về công nghệ tại Trung Quốc như: Alibaba, Baidu, Huawei, Tencent… đã tham gia hợp tác với các bác sĩ lâm sàng, các học giả và nhiều tổ chức chính phủ để ứng dụng các công nghệ tiên tiến khi dịch COVID-19 tiếp tục lan sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhờ đó, Trung Quốc đã thành công khi sử dụng công nghệ để theo dõi, điều trị và khống chế dịch bệnh.


 
Ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Trung Quốc

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Công nghệ giám sát, theo dõi và nhận diện khuôn mặt

Ngay khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng hệ thống giám sát tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt và phần mềm đo nhiệt độ của SenseTime để xác định những người có thể bị sốt và có nhiều khả năng bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng đã phát triển một hệ thống giám sát có tên Health Code, sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để xác định và đánh giá rủi ro của từng người dân thông qua phân tích dữ liệu lịch sử đi lại. Mỗi người dân sẽ được cài một phần mềm có tên Ant – Alipay vào điện thoại và được cung cấp một mã vạch theo 3 màu: Xanh, vàng, đỏ tùy theo tình trạng sức khỏe. Mã xanh cho phép người dân có thể tự do di chuyển, mã vàng buộc phải cách ly 7 ngày và mã đỏ phải cách ly 2 tuần. Người dân có thể tìm thấy thông tin này bằng cách truy cập các ứng dụng phổ biến như WeChat hoặc Alipay để xem họ có nên cách ly hoặc được phép đến nơi công cộng. Ngoài ra, một đội kiểm soát tại những nơi công cộng sẽ có trách nhiệm quét mã QR trên điện thoại từng người để phát hiện những người có nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh đó, dựa trên việc sử dụng big data, nhiều bảng dữ liệu (data dashboard) được tạo ra để theo dõi virus liên tục nhờ được phép tiếp cận thông tin công khai. Các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) lớn tại Trung Quốc như SenseTime, Hanwang Technology đã sáng tạo được công nghệ nhận diện gương mặt đặc biệt, có thể nhận diện chính xác ngay cả khi họ đeo khẩu trang.

Hiện các hệ thống nhận diện gương mặt và đo nhiệt độ hồng ngoại đã được lắp đặt tại nhiều thành phố lớn. Các camera an ninh CCTV cũng được lắp tại hầu hết mọi nơi để bảo đảm người cách ly không ra khỏi nhà.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc còn dùng big data để quản lý dòng người hồi hương ồ ạt thời gian gần đây. Hơn 1 triệu dữ liệu di chuyển của người Trung Quốc đã được Cục Xuất nhập cảnh chia sẻ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền trên khắp cả nước. Trung Quốc cũng giới thiệu nền tảng có tên “phát hiện tiếp xúc gần”, sử dụng big data dựa trên hành trình của mọi người và hồ sơ từ nhà chức trách để xem trong vòng 2 tuần, người dân có làm việc, sống hay di chuyển cùng một người nhiễm/nghi nghiễm virus Covid-19 không. Người dân có thể truy cập nền tảng qua các ứng dụng di động phổ biến như Alipay, WeChat, QQ.

Tăng tốc độ chẩn đoán bệnh

Cùng với mạng lưới giám sát tinh vi và rộng khắp, chính phủ Trung Quốc đã bắt tay với “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba để xây dựng một hệ thống chẩn đoán dựa trên AI nhằm giúp các nhân viên y tế tuyến đầu phát hiện và theo dõi bệnh hiệu quả hơn. Hệ thống của Alibaba sẽ giúp cải thiện tốc độ chẩn đoán các hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) cho các y, bác sĩ, qua đó, giúp đẩy nhanh thời gian chữa trị.

Theo các báo cáo, hệ thống này chỉ mất 20 giây để xác định bệnh nhân có mắc COVID-19 hay không, trong khi trung bình một bác sĩ mất tới 15 phút để đánh giá và đưa ra kết luận, vì có thể cần tới 300 hình chụp cần phải xem xét. Alibaba tuyên bố mức độ chính xác của hệ thống này lên tới 96% trong việc chẩn đoán. Hiện, đã có khoảng 100 trung tâm y tế trên toàn Trung Quốc sử dụng hệ thống AI của Alibaba.

Xử lý yêu cầu y tế, chia sẻ thông tin về dịch bệnh

Dịch COVID-19 không chỉ khiến hoạt động chẩn đoán lâm sàng của các hệ thống y tế bị quá tải, mà còn đẩy cả những bộ phận kinh doanh và hành chính vào thế khó khi họ phải xử lý lượng bệnh nhân quá lớn. Để giải quyết vấn đề này, công ty công nghệ Ant Financial của Trung Quốc đã phát triển một nền tảng sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối). Nền tảng này giúp tăng tốc xử lý những khiếu nại và giảm lượng tương tác trực diện giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, phần mềm WeChat của “đại gia” Tencent có thể giúp người dân truy cập các dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến miễn phí. Ngoài ra, các Chatbot (phần mềm giúp tương tác với từng khách hàng tự động) trên những phần mềm nhắn tin như WeChat cũng là công cụ truyền thông thiết yếu để giúp người dân cập nhật tình hình dịch bệnh cùng những khuyến cáo mới nhất từ chính quyền.

Thiết bị không người lái và robot tham gia hỗ trợ

Vào thời điểm nhân viên y tế thiếu hụt và nguy cơ lây nhiễm từ người sang người lớn, các phương tiện không người lái trở nên vô cùng hữu ích khi vận chuyển các hàng hóa thiết yếu như đồ ăn, thuốc. Tại một số khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, drone (máy bay không người lái) được triển khai để vận chuyển vật tư y tế và mẫu bệnh phẩm một cách an toàn và nhanh nhất. Bằng việc sử dụng drone, các bệnh viện sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, tăng tốc độ chuyển phát, đặc biệt là ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm cho các mẫu bệnh phẩm. Công ty Terra Drone đã sử dụng các drone của mình để vận chuyển các mẫu bệnh phẩm và thiết bị kiểm dịch giữa Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của huyện Tân Xương (tỉnh Chiết Giang) đến bệnh viện Nhân dân với rủi ro lây nhiễm tối thiểu. Ngoài ra, drone còn được dùng để phun thuốc khử trùng ở khu vực nông thôn.

Drone cùng với công nghệ nhận diện gương mặt còn được sử dụng để tuần tra các không gian công cộng, theo dõi việc những ai không tuân thủ yêu cầu cách ly và kiểm tra hình ảnh thân nhiệt của người đi đường.
Ngoài drone, các phương tiện xe tự lái cũng được sử dụng triệt để. Apollo, nền tảng xe tự lái của Baidu, đã chung tay với Startup Neolix để chuyên chở vật tư, thực phẩm cho bệnh viện lớn ở Bắc Kinh. Apollo còn chế tạo các bộ kit micro-car và dịch vụ đám mây xe tự lái để các công ty sử dụng miễn phí trong cuộc chiến chống Covid-19. Idriverplus, công ty chuyên về xe vệ sinh đường phố, cũng góp một phần sức lực với những chiếc xe hàng đầu của Idriverplus được dùng để khử trùng bệnh viện.

Các robot cũng được trưng dụng khá nhiều trong hoạt động kiểm soát dịch bệnh. Nhiều robot đã được triển khai để hoàn thành các công việc như làm sạch, khử trùng, cung cấp thực phẩm và thuốc men nhằm giảm sự tiếp xúc giữa người với người xuống mức thấp nhất. Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, robot đang cùng với con người ở tuyến đầu chống dịch COVID-19. Tại một số bệnh viện, robot còn thực hiện việc chuẩn đoán, đo ảnh nhiệt. Bên cạnh đó, một số bệnh viện tại thành phố Vũ Hán đã đưa vào sử dụng loại robot có khả năng diệt vi khuẩn bằng đèn tia cực tím (UV). Robot này là sản phẩm của một trường đại học tại thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang). Ngoài ra, công ty chuyên về robot giao đồ cho ngành dịch vụ Pudu Technology đã triển khai robot của họ tới hơn 40 bệnh viện trên cả nước.

Phát triển vắc-xin, tìm kiếm thuốc điều trị

Tài nguyên về điện toán đám mây và siêu máy tính của một số công ty công nghệ lớn như Tencent, DiDi và Huawei đang được các nhà nghiên cứu sử dụng để đẩy nhanh tiến độ phát triển các phương pháp chữa bệnh hoặc vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2. Tốc độ xử lý các tính toán và giải pháp mô hình của những siêu máy tính này cao gấp nhiều lần so với các máy tính tiêu chuẩn. Đáng chú ý trong số những cái tên này là Huawei, một tập đoàn thiết bị mạng viễn thông và điện thoại thông minh lớn của Trung Quốc. Bộ phận chuyên về điện toán đám mây của Huawei đã hợp tác cùng với công ty có tên GrandOmics Bioscatics để phát triển một công cụ nghiên cứu, phân tích cấu trúc di truyền của virus SARS-CoV-2, qua đó giúp công cuộc phát triển vắc-xin ngừa virus SARS-COV-2 được đẩy nhanh hơn.

Ngoài ra, hệ thống công nghệ của Huawei cũng đang được các nhà nghiên cứu tận dụng để sàng lọc các loại thuốc nhằm tìm ra loại có thể phù hợp để điều trị COVID-19./.

 
Thu Hường

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top