Phóng viên: Thưa Ông, kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có ý nghĩa như thế nào đối với công tác dân tộc?
Ông Lê Sơn Hải: Đối với công tác dân tộc, kết quả cuộc Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019 (TĐT 2019), cụ thể là kết quả tổng hợp từ phiếu điều tra toàn bộ gồm các Thông tin về dân số (13 câu hỏi về các đặc điểm cá nhân và giáo dục, đào tạo, tình trạng hôn nhân) và thông tin về nhà ở (9 câu hỏi) sẽ cung cấp số liệu về quy mô dân số và tình trạng nhà ở của hộ gia đình chi tiết theo từng dân tộc của toàn quốc trong 10 năm, sau Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và kết quả điều tra, thu thập thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác dân tộc nói riêng cũng như đối với việc xây dựng, triển khai thực hiện, đánh giá tổng kết các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước nói chung. Cụ thể:
1. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở, Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019 là căn cứ để Ủy ban Dân tộc và các cơ quan quản lý xây dựng chính sách kịp thời có sự điều chỉnh chính sách dân tộc;
2. Các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao kết quả của hai cuộc điều tra. Kết quả điều tra giúp các cơ quan này định hướng chính sách hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo đối với nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số;
3. Đáp ứng nhu cầu thông tin về dân số, tiếp cận giáo dục, đào tạo và tình trạng nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của cả nước cũng như các địa phương nói chung; đánh giá thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 cũng như đánh giá kết quả triển khai các chính sách dân tộc giai đoạn 2015-2020, xây dựng Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030 và xây dựng các chính sách, dự án, đề án phát triển đồng bào dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025; phục vụ công tác xây dựng, triển khai, đánh giá, giám sát thực hiện các chính sách dân tộc;
4. Bổ sung thêm thông tin, giảm tải cho cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được tổ chức vào ngày 01 tháng 10 năm 2019, giúp tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu dân số, nhân khẩu học, giáo dục, đào tạo và nhà ở phục vụ tổng hợp Hệ thống chỉ tiêu thống kê công tác dân tộc; phân tích và dự báo tình hình phát triển dân số dân tộc thiểu số, tiếp cận với giáo dục, đào tạo và nhà ở của người dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước và từng địa phương; cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân Tộc Lê Sơn Hải
Ủy viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương
Phóng viên: Thưa Ông, khi tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở thì cần lưu ý những điểm gì để thu thập được thông tin chính xác nhất về dân số, nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số khi mà điều kiện địa lý không thuận lợi, ngôn ngữ bất đồng và văn hóa khác biệt?
Ông Lê Sơn Hải: Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với dân số 13,39 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số Việt Nam có quy mô dân số không đều nhau; cư trú chủ yếu ở địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nơi có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái. Trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, phân bố dân cư, đến nay các dân tộc thiểu số nước ta sống đan xen lẫn nhau; Trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số không đều nhau…
Do điều kiện cư trú ở vùng sâu, vùng xa, cách biệt và với các đặc điểm phức tạp như trên nên đến nay, việc thu thập thông tin, số liệu thống kê của các dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, việc điều tra bằng phiếu điều tra điện tử (gọi tắt là CAPI) và Webform (mẫu trên trang điện tử trực tuyến của Tổng điều tra) sẽ gặp khó khăn nhất định cần lưu ý:
- Do địa bàn rộng, nhiều dân tộc thiểu số sống xen kẽ, tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, phần lớn đồng bào không biết tiếng phổ thông nên cần phải thuê cả phiên dịch kiêm dẫn đường. Việc huy động cùng lúc số lượng lớn điều tra viên, người phiên dịch, dẫn đường tại các xã miền núi, vùng dân tộc gặp khá nhiều khó khăn, do điều tra viên và người phiên dịch phải đáp ứng những yêu cầu về trình độ, kỹ năng phỏng vấn và mức độ đáp ứng của thiết bị điện tử như điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Do đó cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, tuyển chọn điều tra viên…
- Đối với hình thức tự kê khai thông tin trên trang điện tử trực tuyến của Tổng điều tra (Webform): Phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, sẽ phát sinh nhiều trường hợp hộ dân ít hoặc không sử dụng máy tính và điện thoại thông minh, có đến 21% đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông sẽ không trả lời được các câu hỏi trực tuyến trên Webform (đặc biệt là các hộ gia đình có người lớn tuổi, không có người trợ giúp về sử dụng thiết bị điện tử). Do vậy, ban chỉ đạo điều tra tại các địa phương cần có phương án hỗ trợ trả lời Webform cho các hộ dân tộc thiểu số tại địa phương.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông đã tham gia phỏng vấn!