Vài nét đo lường khu vực phi chính thức ở Việt Nam, giai đoạn 2020-2022

25/11/2024 - 09:04 AM
Thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (Đề án NOE) theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) đã thực hiện đo lường, tính toán khu vực phi chính thức giai đoạn 2020-2022.

Tốc độ tăng số lượng cơ sở phi chính thức năm 2022 khá tốt, ngược với xu hướng giảm của năm 2020 và 2021

Theo kết quả đo lường, tính toán khu vực phi chính thức năm 2020-2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam có số lượng cơ sở phi chính thức (bao gồm cơ sở sản xuất kinh doanh không có đăng ký kinh doanh; không bao gồm cơ sở sản xuất kinh doanh đã đăng ký nhưng chưa nhận giấy chứng nhận đăng ký) năm 2022 chiếm 77,47% tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể cả nước, gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm 2021. Số lượng cơ sở phi chính thức tăng 2,21% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương tăng khoảng 86,7 nghìn cơ sở.

Tính chung cả giai đoạn 2011-2022, tỷ trọng cơ sở phi chính thức so với tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể có xu hướng ngày càng tăng cao.  Những năm 2011-2012, tỷ trọng cơ sở phi chính thức so với tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể nước ta chỉ xoay quanh khoảng 72%; bắt đầu gia tăng và duy trì trong khoảng từ 73%-74% trong giai đoạn 2013-2020; giai đoạn 2021-2022 tăng mạnh lên khoảng 77,5%.

Tốc độ tăng số lượng cơ sở phi chính thức năm 2022 khá tốt, ngược với xu hướng giảm của năm 2020 và 2021 là thời kỳ dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát mạnh mẽ tại hầu hết các địa phương trên cả nước.

Số lượng cơ sở phi chính thức năm 2022 là 4,1 triệu cơ sở, tăng 86,7 nghìn cơ sở, tương ứng tăng 2,21% so với cùng kỳ năm trước, ngược với sự sụt giảm của năm 2020 và năm 2021 với tốc độ giảm lần lượt là: 3,3% và 2,6%.

Số lượng cơ sở chính thức năm 2022 là 1,17 triệu cơ sở, tăng 23,2 nghìn cơ sở, tương đương tăng 2,03% so với năm 2021 (số lượng cơ sở chính thức năm 2020 giảm 3,7%; năm 2021 giảm 16,3%).

Năm 2022, tốc độ tăng số lượng cơ sở phi chính thức cao hơn tốc độ tăng số lượng cơ sở chính thức khoảng 0,18 điểm phần trăm cho thấy nỗ lực nhằm chính thức hóa hoạt động phi chính thức trong năm 2022 chưa có hiệu quả cao. Nguyên nhân có thể là do quy trình, thủ tục, điều kiện đăng ký kinh doanh áp dụng cho cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể vẫn chưa thực sự đột phá.

Ngoài ra, hoạt động dưới hình thức cơ sở phi chính thức có thể dễ dàng thiết lập, ít tốn kém, không bị ràng buộc bởi các quy định pháp lý cụ thể trong kinh doanh, vận hành đơn giản trong điều kiện hạn chế về năng lực và tài chính nên thường được các chủ cơ sở lựa chọn khi bắt đầu công việc sản xuất, kinh doanh mới.
 
Biểu đồ 1: Tốc độ phát triển số lượng cơ sở phi chính thức và
cơ sở chính thức giai đoạn 2011-2022
                                                                                                                                              Đơn vị tính: %
Vài nét đo lường khu vực phi chính thức ở Việt Nam, giai đoạn 2020-2022
              Nguồn: Tính toán từ kết quả Điều tra Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể giai đoạn 2011-2022

10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ trọng cơ sở phi chính thức lớn nhất chiếm khoảng 36,84% tổng số cơ sở phi chính thức cả nước, cao hơn 0,84 điểm % so với mức 36% về tỷ trọng số lượng cơ sở phi chính thức lớn nhất của 10 tỉnh, thành phố năm 2021. Đáng chú ý, năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố xếp thứ nhất cả nước về số lượng cơ sở phi chính thức, chiếm 7,53%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với tỷ trọng 6,82% của năm 2021. Tiếp đến là Thành phố Hà Nội, chiếm 7,1%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức 7,2% của năm 2021. Đây là các thành phố có quy mô kinh tế lớn, tập trung đông dân cư, người lao động, nhu cầu tiêu dùng của người dân lớn, đa dạng; các thị trường dễ tiếp cận hơn so với ở các khu vực nông thôn nên có không gian cho hoạt động kinh tế phi chính thức phát triển.  

10 tỉnh có tỷ trọng cơ sở phi chính thức nhỏ nhất cả nước năm 2022 có sự thay đổi so với năm 2021. Trong đó 6/10 tỉnh có tỷ trọng số lượng cơ sở phi chính thức nhỏ nhất cả nước năm 2022 không thay đổi so với năm 2021 bao gồm: Lai Châu; Bắc Kạn; Điện Biên; Cao Bằng; Hà Giang; Lào Cai. Riêng 4 tỉnh nằm trong danh sách 10 tỉnh có tỷ trọng cơ sở phi chính thức nhỏ nhất năm 2022 có sự thay đổi so với năm 2021, bao gồm: Sơn La; Lạng Sơn; Đắk Nông; Kon Tum.

Lao động làm việc tại các cơ sở phi chính thức năm 2022 chiếm 73,90%

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lao động làm việc tại các cơ sở phi chính thức năm 2022 chiếm 73,90% tổng số lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thay đổi không đáng kể so với năm 2021, nhưng cao hơn 5 điểm phần trăm so với tỷ trọng 69% của năm 2020.

Số lao động bình quân làm việc tại một cơ sở phi chính thức năm 2022 từ khoảng 1-2 lao động/cơ sở, tương đương với năm 2021, trong đó Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có số lao động/cơ sở bình quân 1,8 người/cơ sở. Nhiều địa phương có tỷ trọng cơ sở phi chính thức thấp nhất cả nước lại có số lao động bình quân làm việc tại cơ sở cao nhất. Các tỉnh, thành phố có số lao động bình quân làm việc tại một cơ sở phi chính thức năm 2022 lớn nhất chủ yếu nằm tập trung ở 2 Vùng: Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội; Nam Định; Hưng Yên) và đồng bằng sông Cửu Long (TP. Hồ Chí Minh; Tiền Giang; Hậu Giang; Kiên Giang; Sóc Trăng; Cần Thơ; Bạc Liêu).

Doanh thu khu vực phi chính thức theo giá hiện hành tăng 45,16% so với năm 2021

Doanh thu khu vực phi chính thức theo giá hiện hành đạt 2.130 nghìn tỷ đồng, tăng 45,16% so với mức doanh thu 1.467 nghìn tỷ đồng của năm 2021. Nếu loại trừ yếu tố giá, tốc độ tăng doanh thu khu vực phi chính thức tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm trước. Xem xét theo cơ cấu doanh thu của cơ sở SXKD cá thể không có giấy đăng ký kinh doanh, cơ sở SXKD chưa có giấy đăng ký kinh doanh năm 2022 chiếm 85,94%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với cơ cấu 86,34% của năm 2021. Cơ sở SXKD cá thể không phải đăng ký kinh doanh chiếm 10,68%, cao hơn 0,39 điểm phần trăm so với cơ cấu 10,29% của năm 2021. Cơ sở SXKD đã đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2022 chiếm 3,38%, gần như không thay đổi so với cơ cấu năm 2021.
 
Biểu đồ 2: Cơ cấu doanh thu của cơ sở SXKD cá thể không có giấy đăng ký
kinh doanhgiai đoạn 2021-2022
Vài nét đo lường khu vực phi chính thức ở Việt Nam, giai đoạn 2020-2022 1
                           Nguồn: Tính toán từ kết quả Điều tra Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể giai đoạn 2011-2022


Về quy mô, giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức [1] năm 2022 đạt 495,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,19% quy mô GDP theo giá hiện hành, cao hơn 144,4 nghìn tỷ đồng, tương đương cao hơn 1,05 điểm phần trăm so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn 0,57 điểm phần trăm của năm 2020 và thấp hơn 0,29 điểm phần trăm của năm 2019.

Theo ngành kinh tế, năm 2022, giá trị tăng thêm các ngành bán buôn bán lẻ, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành dịch vụ lưu trú ăn uống đạt quy mô cao nhất, khoảng 317 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 64% trong tổng giá trị tăng thêm toàn khu vực phi chính thức; các ngành thông tin truyền thông, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải và khai khoáng có quy mô thấp nhất, đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 1,13% giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức.

Năm 2022, tính bình quân 1 cơ sở, các ngành có giá trị tăng thêm bình quân 1 cơ sở cao nhất gồm: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (12,4 tỷ đồng/cơ sở); Bán buôn, bán lẻ (9,8 tỷ đồng/cơ sở); công nghiệp chế biến chế tạo (5,9 tỷ đồng/cơ sở); Vận tải kho bãi (3,4 tỷ đồng/cơ sở); Hoạt động kinh doanh bất động sản (2,5 tỷ đồng/cơ sở); Các ngành có giá trị tăng thêm bình quân 1 cơ sở thấp nhất gồm: Khai khoáng (2,2 triệu đồng/cơ sở); Giáo dục và đào tạo (23,8 triệu đồng/cơ sở); Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (39,8 triệu đồng/cơ sở); Thông tin và truyền thông (46,4 triệu đồng/cơ sở); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (46,7 triệu đồng/cơ sở); các ngành còn lại bình quân đạt khoảng 707 triệu đồng/cơ sở.

Tốc độ tăng trưởng khu vực phi chính thức năm 2022 tăng 20,48% so với cùng kỳ năm trước

Về tốc độ tăng trưởng, khu vực phi chính thức năm 2022 tăng 20,48% so với cùng kỳ năm trước, chênh lệch tới 37,30 điểm phần trăm so với mức giảm 16,82% của năm 2021, bao gồm cơ sở chưa đăng ký kinh doanh tăng 19,64%, chênh lệch 43,68 điểm phần trăm so với mức giảm 24,04% của năm 2021; cơ sở không phải đăng ký kinh doanh tăng 27,41%, thấp hơn 270,46 điểm phần trăm so với mức tăng 297,87% của năm 2021.

Theo ngành kinh tế, năm 2022, các ngành có tốc độ tăng VA cao nhất bao gồm: Hoạt động kinh doanh bất động sản (năm 2022 tăng 117,94%, cao hơn 132,92 điểm phần trăm so với mức giảm 14,98% của năm 2021); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (năm 2022 tăng 61,62%, cao hơn 141,16 điểm phần trăm so với mức giảm 79,55% của năm 2021); hoạt động dịch vụ khác (tăng 52,30%, cao hơn 72,53 điểm phần trăm so với mức giảm 20,23% của năm 2021); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (tăng 40,74%, cao hơn 111,11 điểm phần trăm so với mức giảm 70,36% của năm 2021); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng 33,13%, cao hơn 71,20 điểm phần trăm so với mức giảm 38,07% của năm 2021). Các ngành có tốc độ VA giảm và tăng thấp nhất bao gồm: Giáo dục và đào tạo (năm 2022 giảm 26,86%, thấp hơn 10,03 điểm phần trăm so với mức giảm 16,83% của năm 2021); xây dựng (giảm 13,76%, thấp hơn 65,96 điểm phần trăm so với mức giảm 79,72% của năm 2021); bán buôn, bán lẻ (tăng 3,36%, thấp hơn 35,58 điểm phần trăm so với mức tăng 38,93% của năm 2021); thông tin và truyền thông (tăng 3,92%, thấp hơn 14,02 điểm phần trăm so với mức tăng 17,94% của năm 2021).  

Năm 2022 là năm nước ta đã hoàn toàn dỡ bỏ yêu cầu giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới nên khu vực phi chính thức đã mở cửa trở lại và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh mạnh mẽ.

Trong khi đó, năm 2020-2021, dịch Covid-19 xuất hiện và lây lan diện rộng đã ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của khu vực phi chính thức. Nếu năm 2020, khi dịch Covid-19 mới xuất hiện ở một số địa phương thì khu vực phi chính thức vẫn đạt kết quả tăng trưởng dương (tăng 10,09% so với cùng kỳ năm 2019). Sang năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng ở hầu hết các địa phương của cả nước, trong đó có những tỉnh, thành phố tập trung nhiều cơ sở phi chính thức như Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng với mức sụt giảm về tốc độ tăng giá trị tăng thêm so với cùng kỳ năm 2020 lần lượt là: 44,70%; 33,36%; 30,2%; 25,48%; và 8,68%. Để kiểm soát dịch bệnh, các địa phương buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian khá dài; sau khi gỡ bỏ giãn cách, nhiều hoạt động trong đó có hoạt động phi chính thức vẫn chưa thể phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng như trước.

Về kết quả hoạt động theo Vùng kinh tế, nhìn chung năm 2022, cơ cấu tạo giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức của các Vùng trong GDP hầu như không biến động so với năm 2021. Vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục là vùng tạo ra giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức năm 2022 lớn nhất, đạt 155,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,48% quy mô giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức cả nước; tiếp đến là vùng Đông Nam Bộ đạt 109,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 22,19%, cao hơn 4,39 điểm phần trăm của cơ cấu năm 2021; Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đạt 96 nghìn tỷ, chiếm 19,38%, thấp hơn 2,42 điểm phần trăm so với năm 2021; Vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 80,5 nghìn tỷ, chiếm 16,25%, thấp hơn 0,45 điểm phần trăm so với cơ cấu của năm 2021; Vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,59%, thấp hơn 2,71 điểm phần trăm so với năm 2021; thấp nhất là vùng Tây Nguyên chỉ đạt 20,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11%, thấp hơn 0,49 điểm phần trăm so với năm 2021.

Các tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế phi chính thức lớn nhất trong các Vùng kinh tế là: Vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nội (quy mô khu vực phi chính thức năm 2022 đạt 52 nghìn tỷ, chiếm 10,51% cơ cấu quy mô phi chính thức của cả nước, cao hơn 2,76 điểm phần trăm so với cơ cấu 7,74% của năm 2021); Vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Bắc Giang (quy mô khu vực phi chính thức năm 2022 đạt 6,7 nghìn tỷ, chiếm 1,37% quy mô cả nước, thấp hơn 0,19 điểm phần trăm so với cơ cấu 1,56% của năm 2021); Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Thanh Hóa (quy mô năm 2022 đạt 15,5 nghìn tỷ, chiếm 3,12% cơ cấu cả nước, thấp hơn 0,99 điểm phần trăm so với cơ cấu 4,11% của năm 2021); Vùng Tây Nguyên: Lâm Đồng (quy mô năm 2022 đạt 6,6 nghìn tỷ, chiếm 1,33% cơ cấu cả nước, thấp hơn 0,13 điểm phần trăm so với cơ cấu 1,46% của năm 2021); Vùng Đông Nam Bộ: Thành phố Hồ Chí Minh (quy mô năm 2022 đạt 53 nghìn tỷ, chiếm 10,71% cơ cấu cả nước, cao hơn 4,31 điểm phần trăm so với cơ cấu 6,40% của năm 2021; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: An Giang (quy mô năm 2022 đạt 9,3 nghìn tỷ, chiếm 1,87% cơ cấu cả nước, thấp hơn 0,16 điểm phần trăm so với cơ cấu 2,03% của năm 2021). 
 
Biểu đồ 3: Cơ cấu giá trị tăng thêm khu vực phi chính thức
năm 2021-2022 phân theo Vùng kinh tế
 
Vài nét đo lường khu vực phi chính thức ở Việt Nam, giai đoạn 2020-2022 2
     Nguồn: Tính toán từ kết quả Điều tra Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể giai đoạn 2021-2022

 

[1] Kết quả này đã được thu thập, tính toán bao gồm trong quy mô GDP cả nước năm 2022 và được tính toán, bóc tách riêng cơ cấu của khu vực phi chính thức trong quy mô GDP năm 2022 phục vụ thực hiện Đề án NOE.
 
Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top