Vai trò của công tác thống kê trong bảo đảm cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước

06/03/2025 - 02:29 PM

Ngay trong thời gian đầu cách mạng mới thành công, trong muôn vàn khó khăn của thời kỳ chống thù trong giặc ngoài, ngày 6 tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 61/SL quy định bộ máy tổ chức của Bộ quốc dân kinh tế gồm các phòng, ban, nha trực thuộc, trong đó có Nha Thống kê Việt Nam. Trải qua 79 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và cơ quan quản lý, Nha Thống kê hiện nay là Cục Thống kê, cơ quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê, tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật.   

Từ khi thành lập đến nay, ngành Thống kê đã luôn hoàn thành tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước”; bảo đảm thông tin thống kê theo phương châm “Trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời”. Thông qua các hoạt động của mình, ngành Thống kê đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin kinh tế - xã hội phục vụ các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân; nâng cao chất lượng công tác phân tích dự báo thông tin một cách khoa học làm căn cứ để hoạch định chính sách, đường lối phát triển có cơ sở khoa học, sát thực tiễn và đi vào cuộc sống.  

Thực trạng tin giả trên không gian mạng

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, người dân có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin về sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ nhiều nguồn khác nhau nên vai trò của công tác thông tin thống kê cần thay đổi phù hợp với nhu cầu phát triển của thực tiễn. Vấn đề đáng lo ngại là hiện nay một bộ phận thông tin lan tràn trên mạng xã hội lại không đúng sự thật, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển kinh tế - xã hội.  

Các đối tượng tung tin giả thường dựa vào những sự kiện thời sự thực tế để bịa đặt thông tin; từ câu chuyện thật nhưng giật tít sai sự thật, nội dung khác đi. Bên cạnh mục đích tăng lượng tiếp cận và gia tăng doanh thu hoặc trở thành một vũ khí về chính trị nhằm gia tăng ảnh hưởng, thậm chí tin giả trộn lẫn với tin thật để đánh lừa người đọc.  

Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến như: Tính chất đặc biệt của mạng internet dễ lan truyền, chia sẻ thông tin, tiếp cận được nhiều người dùng mạng xã hội, dễ ẩn danh, xóa dấu vết; hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, am hiểu công nghệ; sự thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế của người dùng mạng xã hội dễ tiếp tay, lan truyền, phát tán thông tin; năng lực nhận biết, phân loại, đánh giá tác hại của các sản phẩm văn hóa xấu độc còn chưa cao, đặc biệt là việc cập nhật, nhận biết các thông tin sai trái trên mạng xã hội.  

Tin giả - Gây xói mòn niềm tin của người dân

Người đọc dễ tiếp cận tin giả hơn thông tin thống kê chính thống. Do tính chất đặc biệt của mạng xã hội, những tin giả, tin sai sự thật phát tán tràn lan trên không gian mạng gắn với các tính năng của mạng xã hội như bình luận, chia sẻ, phát trực tiếp (livestream…), chỉ trong thời gian rất ngắn, những thông tin này đã trực tiếp tác động đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm và hành vi của người dùng mạng xã hội. Những thông tin bịa đặt, thiếu căn cứ, có nội dung xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của Nhà nước, tổ chức và cá nhân. Trên thực tế, những thông tin kiểu như vậy vẫn thu hút được khá nhiều người quan tâm với hàng chục nghìn lượt truy cập, thậm chí làm xói mòn niềm tin của một bộ phận người dân vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước và một số đồng chí cán bộ của Đảng.
 
Nguyên nhân của hiện tượng tin giả ngày càng phổ biến trước hết do ý thức chủ quan của đối tượng tiếp nhận thông tin. Nhưng nguyên nhân khách quan lại là do cung cấp, định hướng thông tin chính thống của các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc cung cấp thông tin chính thống thường chậm, thiếu chủ động trong tiếp cận người dùng tin, không bắt kịp với tốc độ lan truyền thông tin trên không gian mạng; thông tin chính thống lại mang tính chất khô khan, cứng nhắc, chưa hấp dẫn được dư luận, báo cáo phân tích chuyên đề, chuyên sâu còn hạn chế về số lượng và chất lượng; chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp số liệu. Chưa sử dụng nhiều các công cụ, mô hình phân tích trong công tác phân tích và dự báo thống kê. Đôi khi số liệu thống kê còn chênh lệch, đôi khi còn chưa thống nhất về thời điểm, về phạm vi thu thập số liệu giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành dẫn đến sự chênh lệch số liệu làm cho người dùng tin thiếu sự tin tưởng vào số liệu thống kê....  

Trước đây, thông tin thống kê thường bị đánh giá là khô khan, chưa hội nhập với thống kê quốc tế, chỉ gắn với các hoạt động mang tính chính trị của Đảng và Nhà nước nên không gắn với đời sống và sản xuất xã hội. Trong tình hình mới, hiện nay, với vai trò là một ngành khoa học nghiên cứu thống kê ngày càng được đề cao. Do vậy, thông tin thống kê cần đi ngay vào cuộc sống thường ngày của nhân dân. Điều này giúp biến số liệu thống kê từ những dữ liệu khô khan được ứng dụng vào các lĩnh vực khoa học khác nhau từ khoa học xã hội, kinh tế, sinh học, y học, thời tiết đến nông nghiệp…; khiến nghiên cứu thống kê là thước đo giúp lãnh đạo Đảng và nhà nước định hướng, ban hành các chính sách phù hợp nhằm điều hành kinh tế - xã hội được tốt hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.  

Các giải pháp đưa thông tin thống kê vào đời sống và nâng cao vai trò của công tác thống kê

Thống kê nhà nước đã và đang bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế; kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu. Số liệu thống kê đã được sử dụng thống nhất trong việc đánh giá, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 ở Trung ương và địa phương; số liệu thống kê cũng được sử dụng trong lập quy hoạch tổng thể quốc gia và từng địa phương.  

Kiểm soát thông tin tại Chi cục Thống kê Tuyên Quang

Với quan điểm đổi mới vừa phục vụ tốt sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, và Nhà nước vừa hướng về người dùng tin. Chính vì vậy, ngành Thống kê luôn xác định việc đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin Thống kê là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài thể hiện trong nhiều hoạt động của Ngành. Trong đó có việc xây dựng cơ sở pháp lý, cập nhật Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã phù hợp với quốc tế và thực tiễn của Việt Nam; ngành Thống kê xác định, người dân, doanh nghiệp là người cung cấp thông tin đồng thời cũng là người sử dụng thông tin nên ngay khi xây dựng danh mục chỉ tiêu thống kê đã tham khảo ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành, tham vấn ý kiến từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế.  

Do đó, trong những năm qua đối tượng sử dụng thông tin thống kê đã được mở rộng, lượng thông tin cung cấp cho mỗi đối tượng dùng tin cũng không ngừng tăng lên, hình thức phổ biến thông tin ngày càng đa dạng. Hầu hết các loại số liệu thống kê đã được cung cấp đến tất cả các đối tượng có nhu cầu sử dụng bằng nhiều kênh phổ biến thông tin khác nhau. Các sản phẩm thống kê ngày nay không chỉ là các ấn phẩm định dạng sách in, mà còn ở hình thức ấn phẩm khai thác online, các đĩa mềm, đĩa CD và tệp dữ liệu trên trang website….  

Để nâng cao vai trò của công tác Thống kê trong đảm bảo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội:


Thứ nhất, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin thống kê, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài trong mọi hoạt động. Đẩy mạnh đổi mới cách thức thu thập thông tin thống kê, sử dụng công nghệ thông tin thay thế phiếu giấy nhằm có được thông tin chính xác và kịp thời; nghiên cứu xây dựng đề án về Tư liệu hóa và chuyển đổi số; tăng cường đào tạo nhân lực, nâng cao trình độ của người làm công tác thống kê thông qua các khóa đào tạo trong nước và hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế.  

Thứ hai, tăng cường, mở rộng các hình thức cung cấp thông tin để con số thống kê không còn khô khan, khó tiếp cận. Tăng cường nhiều hình thức phổ biến thông tin khác nhau như họp báo công bố số liệu, thông cáo báo chí, định dạng infographic cho thông tin và các cuộc điều tra, và phổ biến qua Cổng thông tin điện tử ngành Thống kê,... các nội dung thông tin phải phù hợp với từng thời điểm góp phần đưa thông tin thống kê chính thống đến đối tượng dùng tin đảm bảo kịp thời và chính xác.  

Thứ ba, nâng cao hiệu quả của hoạt động công bố thông tin thống kê kinh tế - xã hội đầy đủ theo lịch phổ biến thông tin thống kê đến đông đảo đối tượng sử dụng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng cao, qua đó tạo sự ủng hộ, đồng thuận trong quá trình cung cấp và sử dụng thông tin thống kê.  

Thứ tư, thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí kịp thời cung cấp thông tin chính thống đến đối tượng dùng tin. Đặc biệt là thông tin về những vấn đề nhạy cảm, thiết yếu, liên quan đến quốc kế, dân sinh, lợi ích cộng đồng, vấn đề xã hội quan tâm... cần phải có những phát ngôn chủ động, kịp thời, đúng lúc, minh bạch. Do đó, cần phát huy vai trò của báo chí trong việc cung cấp, định hướng thông tin, cần phải đạt được mục tiêu dẫn dắt, định hướng cho nhận thức và hành động của toàn xã hội.  

Theo đó, tầm quan trọng của dữ liệu thống kê đã được tổ chức Thống kê thế giới đưa ra câu khẩu hiệu như “Dữ liệu tốt hơn cuộc sống tốt hơn”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Hãy kết nối thế giới bằng dữ liệu đáng tin cậy”. Với khẩu hiệu như vậy, ngành Thống kê Việt Nam đang ngày càng khẳng định tầm quan trọng của số liệu thống kê và người làm công tác thống kê ngày càng cần được tôn vinh. Số liệu thống kê chính xác giúp lãnh đạo Đảng, nhà nước định hướng, ban hành các chính sách phù hợp nhằm điều hành kinh tế – xã hội được tốt hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.  

Hoàng Lê Tuyên
Trưởng phòng, Phòng Tổ chức Hành chính Chi cục Thống kê Tuyên Quang


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top