Việt Nam chủ động phòng vệ thương mại trong hội nhập

16/12/2020 - 02:39 PM

Tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và gần đây nhất là Hiệp định thương mại tư do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu. Bên cạnh những ưu đãi về giảm thuế, các đối tác trong Hiệp định FTA của Việt Nam đều thuộc nhóm những nước sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) trên thế giới, do đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ bị các nước đối tác trong Hiệp định FTA điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Chủ động ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp PVTM là giải pháp giúp doanh nghiệp thoát khỏi các vụ kiện và đảm bảo giữ vững thị phần, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng.

Gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại

Các biện pháp trong PVTM hiện nay gồm: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các Hiệp định FTA cho phép sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế và ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.

Trong bối cảnh thương mại quốc tế đang có những diễn biến phức tạp, số vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng. Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), tính từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã bị điều tra tổng cộng gần 200 vụ việc, riêng 5 năm trở lại đây đã có tới khoảng 100 vụ. Các thị trường điều tra nhiều nhất hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam là Hoa Kỳ (38 vụ), Ấn Độ (26 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (23 vụ), Australia (16 vụ), Canada (15 vụ), EU (14 vụ) và Philippines (11 vụ)... Trong đó, biện pháp PVTM nhiều nhất là chống bán phá giá (107 vụ), chống trợ cấp (21 vụ), tự vệ (38 vụ) và chống lẩn tránh (23 vụ). Bên cạnh đó, nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan gần đây cũng có dấu hiệu đẩy mạnh các vụ kiện PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhiều dòng sản phẩm bị áp thuế bổ sung ở mức 25%, 35%, thậm chí lên tới từ 200-250%.

Việt Nam chủ động phòng vệ thương mại trong hội nhập

Các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây có những diễn biến phức tạp. Nếu trước đây hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thì nay những mặt hàng có kim ngạch nhỏ cũng phải đối mặt với các vụ kiện. Loại hàng hóa bị khởi kiện cũng đa dạng hơn từ hàng nông, thủy sản cho đến sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Các vụ khởi xướng điều tra có thể bắt đầu với bị đơn là một hoặc một vài doanh nghiệp nhưng nguy cơ thiệt hại cho cả ngành hàng là rất lớn.

Gia tăng áp dụng các biện pháp PVTM với hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua có thể kể đến một số vụ như: Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với thép cán nguội và thép carbon chống mòn, tôm, cá da trơn, pin năng lượng mặt trời; Australia điều tra chống bán phá giá với dây thép; Canada điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm khớp nối bằng đồng của Việt Nam… Mới đây, việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định EVFTA có thị trường xuất khẩu tạo thặng dư thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam cũng được các nhà quản lý cảnh báo. Theo đó, ngoài những lợi ích về cắt giảm thuế sâu cho hàng hóa xuất khẩu từ Hiệp định EVFTA mang lại thì về lâu dài, sự thâm hụt thương mại sâu hơn sẽ dễ dẫn đến xu hướng gia tăng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, trong số các nhóm hàng Việt Nam đang có kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường châu Âu như điện thoại, linh kiện điện tử; giày dép và dệt may thì mặt hàng giày mũ da và sợi đã từng có tiền lệ bị thị trường này khởi xướng điều tra chống bán phá giá… Ngoài ra, nông sản và đồ gỗ là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nhưng lại là nhóm ngành đang được thị trường châu Âu bảo hộ. Do đó, trong tương lai khi Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này, cần cẩn trọng trong thực hiện quy tắc xuất xứ và cân đối năng lực sản xuất với kim ngạch xuất khẩu để tránh bị các nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp PVTM.

Chủ động phòng vệ thương mại trong hội nhập

Với chủ trương kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt nhiều hoạt động, biện pháp cụ thể. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 phê duyệt “Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ” và Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 về “Một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp”. Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đại diện cho Chính phủ xử lý các vụ việc liên quan đến PVTM cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu tại nước ngoài như: Chủ động dự báo, cảnh báo các biện pháp PVTM áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; xây dựng và cập nhật định kỳ Danh sách cảnh báo mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM để gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố; đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp cách thức ứng phó với các vụ kiện do nước ngoài khởi xướng; chủ động làm việc, kể cả đấu tranh với cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam; duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM. Đặc biệt, với sự ra đời của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn về các biện pháp PVTM, Việt Nam đã hoàn thiện tương đối đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, xử lý các vụ việc, qua đó đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm.
 

Việt Nam chủ động phòng vệ thương mại trong hội nhập 1

Tính đến nay, Việt Nam đã điều tra và áp dụng 17 vụ việc PVTM với hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu tại nước ngoài với 65/151 vụ việc kháng kiện thành công. Đối với các vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO, Bộ Công Thương cùng các Bộ/ngành liên quan đã tiến hành đàm phán, phối hợp với luật sư nghiên cứu các thủ tục pháp lý thực hiện công tác khiếu kiện nước ngoài theo cơ chế giải quyết tranh chấp tại WTO. Kết quả cho thấy, trong 5 vụ Việt Nam tiến hành khiếu nại tại Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, có 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực; 2 vụ việc còn lại vẫn đang trong giai đoạn xét xử tại WTO.

Chủ động áp dụng các biện pháp PVTM chính đáng, Việt Nam đã bảo vệ được nhiều ngành sản xuất và bảo vệ công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời giảm thiểu nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM. Hiện các ngành hàng thủy sản, thép, sợi… sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm thường xuyên bị kiện PVTM đã có kinh nghiệm ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài. Nhận thức của doanh nghiệp về các biện pháp PVTM đã thay đổi và chủ động hơn trong việc áp dụng các biện pháp PVTM. Cơ quan điều tra ngày càng được kiện toàn theo hướng đảm bảo thực thi nhiệm vụ hiệu quả.

Tuy nhiên, chủ động trong PVTM của Việt Nam cũng có một số hạn chế như: Doanh nghiệp nắm bắt thông tin, mức độ hiểu biết về PVTM rất hạn chế, hiện có 16% doanh nghiệp không biết gì về PVTM, 63% doanh nghiệp có nghe nói nhưng không biết rõ, gần 20% doanh nghiệp đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có gần 2% số doanh nghiệp đã tìm hiểu tương đối kỹ và nắm rõ về PVTM; số lượng cán bộ trực tiếp tham gia điều tra các vụ việc PVTM còn mỏng; nguồn lực cho công tác PVTM còn hạn chế.

Giải pháp phòng vệ thương mại trong thời gian tới

Để ứng phó và vận dụng hiệu quả các biện pháp PVTM, bảo đảm quyền, lợi ích trong hoạt động thương mại quốc tế, Việt Nam cần tập trung vào các giải pháp như:

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước

Một là, rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa theo hướng bổ sung điều chỉnh các quy định cho phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ; tiếp tục triển khai Quyết định số 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ”.

Hai là, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp PVTM áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho những mặt hàng này vào các thị trường. Hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin về hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, nhất là về quy tắc xuất xứ và biện pháp để đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Ba là, đào tạo về PVTM cho ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp; cung cấp thông tin PVTM cho các Hiệp hội, ngành sản xuất trong nước.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt thông qua ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác với các cơ quan có liên quan của nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả triển khai các hoạt động xử lý lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ.

Đối với các doanh nghiệp

Một là, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu.

Hai là, doanh nghiệp cần chủ động trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, quy định PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin với Hiệp hội và cơ quan quản lý Nhà nước. Xây dựng hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại, lưu trữ hồ sơ, sổ sách đầy đủ và rõ ràng. Thận trọng trong việc tăng công suất, đầu tư ồ ạt, đặc biệt là đầu tư để phục vụ xuất khẩu khi chỉ phụ thuộc vào thị trường duy nhất. Không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Ba là, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được; từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bốn là, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, nguồn lực, chiến lược ứng phó trước các vụ việc liên quan đến PVTM trong tương lai có thể xảy ra. Tích cực tham gia vào công tác kháng kiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm và hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên phối hợp và liên hệ chặt chẽ với Hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành để cùng xây dựng chiến lược kháng kiện cho cả ngành./.

TS. Nguyễn Văn Giao

Đại học Thương mại


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top