Việt Nam chủ động ứng phó thiên tai

24/09/2021 - 09:00 AM
Nhìn lại năm 2020, Việt Nam đã phải trải qua một năm thiên tai khốc liệt chưa từng có. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2020 đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai trên phạm vi cả nước, trong đó có 14 cơn bão và 01 áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, thời điểm từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11/2020 (tức chỉ trong 2 tháng), khu vực duyên hải miền Trung đã phải hứng chịu 9 cơn bão và 01 áp thấp nhiệt đới với cường độ rất mạnh, đạt mức kỷ lục (tương đương năm 1970). Trong đó, cơn bão số 9 (Molave) đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây.

Ảnh hưởng dồn dập của các cơn bão kết hợp với hình thái thời tiết cực đoan đã gây mưa lớn dị thường trên phạm vi rộng. Năm 2020 có 265 trận dông, lốc sét, mưa lớn diễn ra trên 49 tỉnh, thành phố, trong đó phải kể đến đợt mưa lũ lớn lịch sử trong tháng 10 với lượng mưa cao ngang mốc lịch sử 20 năm trước, khiến nhiều tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Huế, Quảng Trị) chìm trong biển nước trong gần một tháng. Bên cạnh đó có 20 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất. Tình trạng “bão chồng bão,”“lũ chồng lũ” đã dẫn đến tình trạng ngập lụt trên diện rộng và gây sạt lở nghiêm trọng tuyến biển dọc miền Trung. Cao điểm là vào ngày 12/10 và 19/10 đã có trên 317 nghìn hộ (1,2 triệu nhân khẩu) tại 07 tỉnh miền Trung bị ngập lụt, có điểm ngập từ 5-9m trong thời gian kéo dài gần nửa tháng.

Khác với quy luật nhiều năm, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 tại đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra gay gắt, xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm gần 3 tháng, kéo dài hơn 2-2,5 lần so với mùa khô 2015-2016. Độ mặn ở một số cửa sông thuộc khu vực này liên tục duy trì ở mức đỉnh suốt từ tháng 2 đến tháng 5; chiều sâu xâm nhập mặn vượt lịch sử năm 2016. Ngược lại, một số địa phương thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phải đối mặt với tình trạng hạn hán với mực nước xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc so với cùng thời kỳ. Lưu lượng dòng chảy trung bình trên phần lớn các sông phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 20-65%, một số nơi thiếu hụt trên 75%. Hạn hán đặc biệt xảy ra gay gắt tại các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Mặc dù công tác phòng ngừa, ứng phó được các cấp, các ngành và người dân chủ động thực hiện song thiên tai khốc liệt và dị thường vẫn gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân trong cả nước. Theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai quốc gia, năm 2020, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.429 nhà sập và 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi... Tổng thiệt hại về kinh tế gần 40.000 tỷ đồng. Riêng mưa lũ lớn lịch sử xảy ra tại khu vực Trung Bộ trong tháng 9 và 10/2020 đã khiến 267 người chết và gây thiệt hại 35.808 tỷ đồng. Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khỏe, sản xuất và đời sống của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực.
 
Việt Nam chủ động ứng phó thiên tai
 
Nguồn: Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai

Bên cạnh yếu tố khách quan là do biến đổi khí hậu thì những thiệt hại trên còn xuất phát từ những yếu tố chủ quan, những vấn đề còn tồn tại cần khắc phục như: (1) Mức độ quan tâm của chính quyền và người dân một số nơi vẫn còn hạn chế nên chưa đề ra giải pháp cũng như đầu tư thích đáng cho công tác phòng chống thiên tai. (2) Hệ thống tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hầu hết là kiêm nhiệm, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu trang thiết bị chuyên dùng, công cụ hỗ trợ theo dõi, giám sát chỉ đạo điều hành,... dẫn đến năng lực theo dõi giám sát thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, lúng túng, bị động trong ứng phó, khắc phục hậu quả đối với tình huống thiên tai lớn, trên diện rộng; (3) Mức độ đầu tư cho phòng chống thiên tai (đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền,…), sở hạ tầng công cộng và nhà dân còn hạn chế nên chưa đủ sức chống chịu với diễn biến bão, lũ vừa qua; (4) Nhiệm vụ phòng chống thiên tai trong các chương trình, đề án, dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà dân còn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều công trình hồ chứa thủy điện chưa chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn trong xây dựng và chưa tuân thủ đầy đủ quy trình vận hành, dẫn đến không đảm bảo an toàn hoặc làm gia tăng rủi ro thiên tai. (5) Ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, phân tích thiên tai, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành và cứu hộ cứu nạn còn đang hạn chế, nhất là đối với loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất, khiến cho công tác dự báo chưa chính xác, việc cảnh báo còn rộng, chưa cụ thể. (6) Việc quan tâm đầu tư cũng như đào tạo, nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông ở cấp cơ sở để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” còn rất hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa cao khi có tình huống xảy ra, nhất là trong các tình huống thiên tai lớn.

Bước sang năm 2021, tình hình thiên tai vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Theo số liệu thống kê của Tổng cục phòng chống thiên tai, chỉ trong 5 tháng đầu năm (tính đến ngày 18/5/2021), cả nước đã xảy ra 37 trận động đất nhẹ, 83 trận mưa đá, dông lốc, sét. Riêng trong tháng 05/2021, đã xảy ra 50 trận dông lốc, sét rải rác tại 25 tỉnh/thành phố trên cả nước; 05 đợt không khí lạnh, gió mùa đông bắc trong đó đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ ngày 07-13/01/2021; 07 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 02 trận lũ ống, lũ quét và 13 vụ sạt lở bờ sông. Thiên tai từ đầu năm đã khiến 19 người chết, 26 người bị thương; 46 nhà sập đổ hoàn toàn, 3.988 nhà bị hư hỏng, tốc mái, di dời khẩn cấp; gần 3.900 gia súc, gia cầm bị chết; trên 30.800 ha lúa, rau màu và 203 ha cây ăn quả bị thiệt hại; gần 1.500m đường giao thông sạt lở; 15.600 mđất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 112 tỷ đồng.

Dự báo về tình hình thiên tai các tháng còn lại của năm 2021, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, có khả năng xuất hiện khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Trong mùa mưa lũ năm 2021, đỉnh lũ trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1 và báo động 2, cao hơn năm 2020. Lũ trên các hệ thống sông tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị. Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất xuất hiện sớm tại vùng núi khu vực Tây Bắc và Việt Bắc; ngập úng tại các đô thị do mưa lớn cục bộ. Nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển Trung Bộ, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận….
 
Việt Nam chủ động ứng phó thiên tai
Ảnh minh họa

Trước những dự báo trên, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 được tổ chức vào ngày 04/6/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhận định nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng và bất thường hơn, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế và tính mạng của người dân.

Từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong năm 2020, với yêu cầu đặt ra vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai được toàn diện hơn, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương cần chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó thiên tai năm 2021 đồng thời đưa ra một số nhóm giải pháp chủ yếu.

Đối với các cơ quan Trung ương, cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác. Các lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương tới địa phương tiếp tục tăng cường trang thiết bị. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí ngân sách, tập trung xử lý dứt điểm các công trình trọng điểm về đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ; từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm; phát triển khoa học - công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong từng tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, phải theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo đúng tình hình, chỉ đạo ứng phó kịp thời; khắc phục khẩn trương, có hiệu quả với mục tiêu giảm thiệt hại về người và “lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả hoạt động của phòng, chống thiên tai”, bảo vệ tính mạng người dân là đặt lên hàng đầu.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm điều phối chung. Cục Cứu hộ, cứu nạn (thuộc Bộ Quốc phòng) giữ vai trò tham mưu để điều động lực lượng, phương tiện, trong đó xác định lực lượng quân đội là lực lượng chủ công tuyến đầu khi có tình huống xảy ra. Bộ Công an sẵn sàng huy động lực lượng tham gia ứng phó. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác. Còn lại các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ban, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, sẵn sàng các kịch bản để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra.

Đối với các địa phương, giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong tổ chức phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục phát huy tối đa phương châm“4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp Việt Nam ứng phó tốt với thiên tai diễn ra và giảm thiểu thiệt hại về người và vật chất, để xây dựng một cộng đồng an toàn trước thiên tai./.
 
ThS. Trần Ngọc Tú - ThS.Võ Văn Khoa
Học viện Chính trị Đà Nẵng

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top