Việt Nam chung tay vì người nghèo

08/12/2022 - 02:31 PM

“Chúng ta hãy ở bên cạnh, đặt mình vào hoàn cảnh của những người nghèo, của những số phận kém may mắn để giúp đỡ bằng tấm lòng, bằng cảm xúc của trái tim, bằng sự thấu hiểu, bằng sự trân trọng, nâng niu và cảm thông sâu sắc.” Đó là phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” hưởng ứng Ngày Quốc tế xóa nghèo và Ngày vì người nghèo Việt Nam năm 2022. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu không còn người nghèo, không còn ai bị bỏ lại phía sau.


Những năm qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã vận động được hàng chục ngàn tỷ đồng; giúp xây mới và sửa chữa hàng trăm ngàn căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ hàng triệu lượt người nghèo khám chữa bệnh… Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả, Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng về giảm nghèo, được nhân dân ghi nhận, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo.

Đáng chú ý, tháng 11/2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hệ thống chỉ tiêu đo mức nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình Việt Nam chuyển đổi từ cách tiếp cận nghèo dựa vào thu nhập sang nghèo đa chiều. Với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách. Điều này được cho là phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế, làm cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 (UNDP).

 
Việt Nam chung tay vì người nghèo
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng và nhận được sự công nhận của cộng đồng thế giới. Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS) cũng chỉ rõ, trong thập kỷ qua, thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào. Tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh từ 57% vào đầu những năm 90 xuống còn 5,2% vào năm 2020. Đặc biệt, nghèo đa chiều đã giảm liên tục và đáng kể, từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Điều đáng chú ý là, trong khi tỷ lệ nghèo về thu nhập luôn thấp hơn tỷ lệ nghèo đa chiều trong thập kỷ qua, thì nay khoảng cách giữa hai tỷ lệ này đã thu hẹp đáng kể, chỉ còn 0,6 điểm phần trăm vào năm 2020.

Đáng nói là dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong hơn 2 năm qua đã làm gia tăng tình trạng tái nghèo và có xu hưởng giảm tỷ lệ thoát nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ này không bị đi ngược mà chỉ giảm tốc phần nào. Khảo sát mức sống dân cư 2021 của Tổng cục Thống kê cho biết, trước năm 2019, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, tuy nhiên sau năm 2019 do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập có xu hướng giảm dần. Trong năm 2021, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước (2.837 nghìn đồng/người/tháng). Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2021 là 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020, Trung du và miền núi phía Bắc là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (13,4%). Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục trong giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm giảm khoảng 1 điểm phần trăm. Nếu xét riêng về 10 chỉ số phản ánh mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản thì các hộ gia đình Việt Nam năm 2021 thiếu hụt nhiều về bảo hiểm y tế và giáo dục người lớn (mức độ thiếu hụt lần lượt là 17,8% và 11,3%).

Để vượt qua những khó khăn, trở ngại kể trên cần phải nhắc đến sự nỗ lực cùng những chính sách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với người dân bị ảnh hưởng, nhất là người nghèo. Trong hơn một năm qua kể từ năm 2021, Trung ương và các địa phương đã dành hơn 86 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ cho khoảng trên 56 triệu lượt người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch và trên 730 nghìn người sử dụng lao động. Ngoài ra, trong gần 3 năm (từ năm 2020 đến nay), dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh việc tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ“Vì người nghèo” và thực hiện an sinh xã hội được trên 19,31 nghìn tỷ đồng, vận động các doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 15,44 nghìn tỷ đồng. Từ các nguồn vận động, hỗ trợ, ủng hộ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được trên 102,91 nghìn căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 2,4 triệu lượt người nghèo; hỗ trợ trên 663,77 nghìn lượt người phát triển sản xuất, xây dựng hàng nghìn công trình dân sinh.

Trong năm 2022, cùng với đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, công tác an sinh xã hội tiếp tục nhận được sự quan tâm từ Trung ương đến địa phương. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng năm 2022, giá trị quà tặng cho các đối tượng bảo trợ theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP là 2,1 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền, quà thăm hỏi và các hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là gần 1,5 nghìn tỷ đồng; trị giá tiền và quà cho các đối tượng ưu đãi là người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 3,4 nghìn tỷ đồng (riêng dịp 27/7 là gần 1,9 nghìn tỷ đồng); hỗ trợ đột biến, bất thường (thiên tai, bão lũ…) phát sinh tại địa phương hơn 4,38 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 29,7 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 của Chính phủ tiếp tục được thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 22/9/2022, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 3.539 tỷ đồng hỗ trợ cho hơn 5 triệu người lao động tại 120.295 doanh nghiệp. Ngoài ra, để đảm bảo người dân không bị thiếu lương thực, ngày 29/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1010/QĐ-TTg cấp gạo cứu đói hỗ trợ giáp hạt cho tỉnh Bình Định 1.290,7 tấn gạo và tỉnh Phú Yên 84 tấn gạo. Tính chung 9 tháng năm nay, Chính phủ cấp xuất tổng số hơn 23,3 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho trên 471,34 nghìn hộ với 1.558,8 nghìn nhân khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, kết quả giảm nghèo của Việt Nam được cho là chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều… Tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm trước đại dịch từ năm 2016 đến năm 2019 bình quân là 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016-2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo. Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc nhưng một số nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra).

Tại nhiều nơi, nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tuy đã được ưu tiên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; việc phát triển công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp cho các huyện nghèo chưa được chú trọng, chưa kết nối sản xuất với thị trường; việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, tiến độ giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp còn chậm. Quá trình đô thị hóa và di dân tự do làm nảy sinh nhiều thách thức đối với việc bảo đảm cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đối với người di cư, đặc biệt là vấn đề nhà ở, trường học và chăm sóc y tế, dinh dưỡng đối với người nghèo đô thị, người lao động ở các khu công nghiệp.

Vượt qua mọi khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục nỗ lực để đói nghèo không còn hiện hữu trong đời sống của người dân. Nghị định số 27/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 27/2/2021 có những quy định về chuẩn nghèo đa chiều cho giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực từ ngày 15/3/2021 được xác định rõ là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, với chuẩn nghèo mới thì cả nước sẽ có khoảng 16,6% hộ dân có thu nhập dưới chuẩn nghèo (gần 4,5 triệu hộ dân, tương ứng với trên 17 triệu người. Trong đó tỉ lệ hộ nghèo là 10,83% (bao gồm 2% hộ nghèo "kinh niên" thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) và 5,77% là hộ cận nghèo.

Đặc biệt phải nói đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022. Mục tiêu tổng quát thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Chương trình phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.

Chương trình đặt chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025 là giảm một nửa số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 90%...

Theo đó, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 48 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 12,69 nghìn tỷ đồng và huy động hợp pháp khác 14,31 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ sẽ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả. Để Chương trình thành công, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và đặc biệt phải phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng địa phương và nhận thức, sự chủ động của chính người dân khi được trao cơ hội thoát nghèo./.

 
ThS. Đỗ Thu Hương - ThS. Lê Thị Thu Trang
Đại học Lao động - Xã hội

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top