Kể từ năm 2018 đến nay, số lượng trẻ em tham gia lao động đã giảm mạnh cả về tỷ lệ và quy mô. Báo cáo Thực trạng trẻ em tham gia lao động và lao động trẻ em ở Việt Nam năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, sau 5 năm, số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi tham gia lao động giảm từ 1,75 triệu người năm 2018 xuống còn 731,6 nghìn người năm 2023, giảm gần 2,5 lần. Đây là bằng chứng cho thấy những bước tiến bộ đáng kể trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam, đồng thời khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong hiện thực hóa các quan điểm, chính sách về bảo vệ quyền trẻ em.

Thực trạng xóa bỏ lao động trẻ em ở Việt Nam thời gian qua
Xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em là một nhiệm vụ đầy thách thức và đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn hệ thống chính trị, của mối tổ chức và của từng cá nhân. Sự phối hợp và cam kết mạnh mẽ từ tất cả các bên sẽ góp phần cải thiện và xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện nhất để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Những năm qua, nhằm xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em, Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đem lại hiệu quả tích cực. Trong 5 năm qua, số lượng trẻ em tham gia lao động của Việt Nam đã giảm mạnh cả về tỷ lệ và quy mô. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, dân số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi của Việt Nam là 20,6 triệu người, chiếm 20,6% tổng dân số toàn quốc. Số trẻ em tham gia lao động là 731.570 trẻ em giảm gần 2,5 lần so với năm 2018. Đa phần trẻ em tham gia lao động đang cư trú ở khu vực nông thôn, chiếm 84,6%.
Số trẻ em tham gia lao động tập trung chủ yếu ở hai vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, chiếm 52,5%. Số trẻ em tham gia lao động ở 4 vùng còn lại chỉ chiếm 47,5%.
Về cơ cấu tuổi, trẻ em tham gia lao động trong độ tuổi từ 15 - 17 tuổi chiếm tới 70,6%.
Tình trạng đi học của trẻ em tham gia lao động và trẻ em không tham gia lao động có sự khác biệt rõ rệt. Theo Tổng cục Thống kế trẻ em tham gia lao động thường bị hạn chế cơ hội được đi học. Cụ thể, trẻ em tham gia lao động có tỷ trọng đang đi học là 44.9%, thấp hơn rất nhiều so với trẻ em không tham gia lao động có tỷ trọng đi học chiếm 98,3%. Nguyên nhân không đi học của trẻ em tham gia lao động đứng đầu là làm việc tạo thu nhập chiếm 16,5%, tiếp đến là không có tiền đi học chiếm 10,5%; giúp gia đình làm việc nhà chiếm 4,9% và giúp gia đình sản xuất kinh doanh chiếm 4,0%...
Về lao động trẻ em, tổng số lao động trẻ em là 269 604 người. Tỷ lê lao động trẻ em ở độ tuổi từ 15 - 17 tuổi chiếm 4,32%. Như vậy, ở nhóm tuổi càng lớn, tỷ lệ lao động trẻ em trên dân số trẻ em càng cao. Tỷ lệ lao động trẻ em ở trẻ em nam (chiếm 1,53%) cao hơn trẻ em nữ (1,06%).

Tỷ trọng lao động trẻ em đang đi học thấp, chỉ có 22,0%. Đây là tỷ trọng thấp nhất so với tỷ trọng này ở trẻ em tham gia lao động là 44,9% và ở trẻ em không tham gia lao động là 98,3%.
Cơ cấu lao động trẻ em theo khu vực kinh tế cho thấy, càng ở độ tuổi lớn hơn, trẻ càng có xu hướng chuyển dịch sang các công việc phi nông nghiệp cao hơn. Nhóm tuổi 5 - 11 tuổi có gần 76% lao động trẻ em tham gia vào khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; ở nhóm 12 - 14 tuổi là 59,9%; nhóm tuổi từ 15 - 17 tuổi giảm còn 26,5%. Ngược lại, tỷ trọng lao động làm các công việc phi nông nghiệp tăng theo nhóm tuổi, từ 24,3% ở nhóm tuổi 5 đến 11 tuổi tăng lên 73,5% ở nhóm tuổi 15 - 17.
Cơ cấu lao động trẻ em theo công việc cho thấy, lao động trẻ em chủ yếu tham gia làm nghề giản đơn (chiếm 56,0%); có ba nhóm nghề khác chiếm tỷ trọng khá cao là nhóm thợ vận hành máy móc thiết bị (14,0%); nhân viên dịch vụ và bán hàng (11,5%) và thợ thủ công (11,5%). Thời gian làm việc bình quân của mỗi lao động trẻ em là 37,5 giờ/tuần. Trong tổng số lao động trẻ em 269604 có tới 94.253 trẻ em làm các công việc có thể gây nguy hại cho trẻ (chiếm 35,0% tổng số lao động trẻ em).
Tỷ lệ lao động trẻ em gặp phải ít nhất một vấn đề về sức khỏe khi làm việc. Cụ thể, trong tổng số lao động trẻ em thì có 32,6 nghìn trẻ em gặp phải ít nhất một vấn đề về sức khỏe (chiếm 12,1%, trong đó tỷ lệ trẻ em nam gặp phải vấn đề về sức khỏe cao hơn so với trẻ em gái (nam là 13,5% so với nữ là 9,9%).
Mức thu nhập bình quân tháng của lao động trẻ em là khoảng 3,0 triệu đồng/người/tháng. Số lượng lao động trẻ em không được trả thu nhập chiếm tỷ trọng khá cao (38,4%) vì đa số trẻ em không được trả thu nhập đang làm các công việc cùng các thành viên khác trong gia đình.
Để tiếp tục xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các chương trình hành động. Để nhiệm vụ thống kê đo lường lao động trẻ em được thuận tiện hơn qua đó góp phần thúc đẩy xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em của Việt Nam, TCTK đã đưa ra các kiến nghị trong thời gian tới như: Cần tiếp tục nghiên cứu để triển khai các cuộc khảo sát chuyên sâu, mở rộng mẫu điều tra đại diện đến cấp tỉnh/thành phố để cung cấp thêm các bằng chứng cần thiết làm cơ sở để đánh giá đầy đủ, thực chất và toàn diện về các vấn đề lao động trẻ em, từ đó xây dựng các giải pháp phòng ngừa hiệu quả và thiết thực; cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cần phối hợp với cơ quan thống kê hoàn thiện, chuẩn hóa các danh mục công việc gây nguy hại hay các danh mục công việc được làm của từng nhóm đối tượng theo danh mục nghề nghiệp./
PV