Việt Nam góp mặt trong 30 nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhất thế giới

26/11/2024 - 03:40 PM
Dựa trên nguồn số liệu từ các quốc gia, mới đây, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã công bố đồ thị thông tin gồm 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới.
 
Theo WTO, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, dòng thương mại toàn cầu đang dịch chuyển để thích nghi. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu đạt 23,8 nghìn tỷ USD, giảm 5% so với năm trước. Tính chung, trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất, 20 nền kinh tế chứng kiến kim ngạch xuất khẩu giảm trong năm 2023. Một trong những nguyên nhân có thể kể tới là số lượng rào cản thương mại trên toàn cầu tăng lên con số gần 3.000 trong năm 2023, gấp gần 5 lần so với năm 2015.
 
Việt Nam góp mặt trong 30 nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhất thế giới
Đồ thị thông tin gồm 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới dựa trên số liệu
từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

 
Trong đó, Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất châu Á và thế giới với 3,38 nghìn tỷ USD. Đáng chú ý, bất chấp rào cản thuế quan, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn duy trì sức chống chịu tốt. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của nước này gần chạm mức cao nhất mọi thời đại. Theo dự báo của các nhà phân tích, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng tốc lên mức 7% trong 3 tháng cuối năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng trước cuộc bầu cử Mỹ. Năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử, do khách hàng đổ xô đặt hàng trước nhằm tránh rủi ro từ nguy cơ Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể tăng thuế quan khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025.
 
Trong khi đó, Mỹ đứng đầu Bắc Mỹ và đứng thứ hai thế giới với trị giá xuất khẩu đạt 2,02 nghìn tỷ USD lần gần đây nhất, Mỹ giữ vị trí xuất khẩu lớn nhất thế giới là vào năm 1979. Nhưng từ đó đến nay, nước này chứng kiến thâm hụt thương mại ngày càng lớn. Dù vậy, xuất khẩu năng lượng - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong thập kỷ qua. Năm 2023, thặng dư thương mại ròng của mặt hàng năng lượng Mỹ đạt 65 tỷ USD. Sản lượng năng lượng nội địa tăng đáng kể đã giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được các cú sốc giá dầu như cú sốc xảy ra do chiến tranh Nga-Ukraine.
 
Việt Nam góp mặt trong 30 nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhất thế giới  1
 
Đức đứng đầu khu vực châu Âu và thứ ba thế giới về trị giá xuất khẩu hàng hóa với 1,69 nghìn tỷ USD, tăng 1% so với năm trước dù tăng trưởng kinh tế âm. Nền kinh tế phụ thuộc lớn vào công nghiệp này chịu tác động nặng nề khi giá dầu tăng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí phải dừng sản xuất. Năm 2023, Đức xuất khẩu 160 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, con số này có thể giảm tới 15% nếu các đề xuất tăng thuế quan của ông Trump có hiệu lực. Trong đó, ngành ô tô và dược phẩm sẽ bị tác động lớn nhất, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ lần lượt giảm 32% và 35%.
 
Các vị trí tiếp theo có Hà Lan (935 tỷ USD), Nhật Bản (717 tỷ USD), Ý (677 tỷ USD), Pháp (648 tỷ USD), Hàn Quốc (632 tỷ USD), Mexico (593 tỷ USD),…
 
Việt Nam góp mặt trong 30 nền kinh tế xuất khẩu nhiều nhất thế giới
 
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 23 trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu. Năm 2024, thương mại hàng hóa Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng với nhiều tín hiệu lạc quan và điểm nhấn ấn tượng, nhiều ngành hàng đánh dấu mốc kỷ lục xuất khẩu.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ của Việt Nam đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư trên hai con số với trị giá hàng hóa xuất siêu đạt 23,31 tỷ USD.
 
Số liệu gần đây của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính chung từ đầu năm đến ngày 15/11/2024, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 681,48 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023; trị giá xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD, tăng 14,8% tương ứng tăng 45,54 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch thương mại hàng hóa của Việt Nam đang tiến gần đến mốc kỷ lục 700 triệu USD./.

T.H

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top