Việt Nam đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phạm vi rất rộng, bao trùm. Trong thành tựu chung của cả nước năm 2024, nông nghiệp vẫn phát huy vị trí, vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến vượt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023 (đạt kỷ lục); thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt tại 190 nước trên thế giới.
Trong các cân đối lớn của nền kinh tế, riêng về lương thực, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn đạt thặng dư cao, xuất khẩu trên 9 triệu tấn gạo, mang về hơn 5 tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
Những thành tựu, kết quả trên đã góp phần khẳng định tính đúng đắn chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới" diễn ra vào sáng nay 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã trả lời, chia sẻ, trao đổi với nông dân, đại diện hợp tác xã nhiều vấn đề cùng quan tâm như: Cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Cùng với đó là thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản; khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn…
Trả lời câu hỏi, đề xuất của đại biểu về chế biến sâu, nâng tầm nông sản Việt, thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng phân tích, trước hết phải xây dựng thương hiệu, việc này cần sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan truyền thông và cả người nông dân phải tham gia. Song song với đó, chế biến sâu cho nông nghiệp chưa được đầu tư mạnh, Nhà nước cần khuyến khích đầu tư nhiều hơn, đẩy mạnh liên kết phát triển, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Phải nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, xem nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, phải mang cái người ta cần chứ không phải mang cái mình có. Do nguồn lực nhà nước có hạn nên phải có thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; đồng thời lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển, như thông qua hợp tác công tư.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đến 9 vấn đề quan trọng các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm
trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ngành nông nghiệp phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới" và nói đến 9 vấn đề quan trọng mà các chủ thể liên quan cần tiếp tục quan tâm trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trước hết, Thủ tướng nhấn mạnh thể chế, chính sách vẫn là điểm nghẽn của điểm nghẽn và phải là đột phá của đột phá. Thủ tướng mong muốn, đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, gồm cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng…; từ đó tháo gỡ nút thắt từ thực tiễn, để mọi người dân có thể đóng góp sức lực, nguồn lực của mình cho sự phát triển, đưa mục tiêu phát triển nông nghiệp hiện đại, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh thực hiện được nhanh hơn, tăng tốc, bứt phá hơn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc hơn.
Vấn đề thứ hai là công tác quy hoạch. Trước đây, do điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử của đất nước, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, nhu cầu của người dân, người tiêu dùng ngày càng nâng cao theo hướng ăn ngon, ăn sạch, do đó công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp…
Vấn đề thứ ba là đất đai. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai, bởi đất đai là hằng số, là nguồn lực có hạn. Cùng với đó, phải khai thác cả không gian vũ trụ như phát triển internet vệ tinh để cung cấp sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; khai thác không gian biển như phát triển năng lượng mặt trời, gió…; khai thác không gian ngầm để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, phát triển nông thôn, nông nghiệp.
Vấn đề thứ tư là vốn và bảo hiểm. Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rõ quan điểm, muốn làm giàu thì phải có vốn, muốn thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát triển xanh, phát triển các ngành chủ lực theo quy hoạch, phát triển các mặt hàng mà thế giới có nhu cầu thì phải có chính sách tín dụng và bảo hiểm theo nguyên tắc đóng - hưởng để khuyến khích. Đồng thời, phải khuyến khích doanh nghiệp tham gia hợp tác, hỗ trợ, liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.
Vấn đề thứ năm là thị trường. Phát triển kinh tế nông nghiệp thì phải mở rộng thị trường xuất khẩu, gồm cả các thị trường đặc thù như thực phẩm Halal. Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản, cùng với mẫu mã, bao bì, đóng góp thuận tiện, bắt mắt để chiếm lĩnh thị phần.
Vấn đề thứ sáu là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh, trong tất cả các khâu từ trồng cây gì, nuôi con gì, kinh doanh gì đến xây dựng chỉ dẫn địa lý, đẩy mạnh chế biến sâu, nghiên cứu bao bì, mẫu mã… "Cơ sở dữ liệu sẽ cho giải pháp thông minh, như chỗ nào trồng lúa tốt nhất, giải pháp canh tác nào tốt nhất, thông minh nhất", Thủ tướng nói.
Vấn đề thứ bảy là đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Thủ tướng lưu ý, chuyển đổi lao động bền vững là chuyển đổi ngay tại chỗ, công nghiệp hóa nông thôn, ly nông mà không ly hương.
Vấn đề thứ tám, xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mang tính dân tộc, khoa học, đại chúng, văn hoá soi đường cho quốc dân đi. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước, phải quốc tế các giá trị bản sắc dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới.
Vấn đề thứ chín, hệ thống chính trị cơ sơ phải luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở thực tiễn; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân để phục vụ phát triển./.