Việt Nam hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

12/11/2019 - 03:02 PM
Trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng, nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang hướng đến đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn với trọng tâm là tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và quản lý chất thải hiệu quả.

Kinh tế tuần hoàn - xu thế tất yếu

Theo dự báo của Tổ chức Liên hợp quốc, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẽ tăng gấp 3 lần so với hiện nay,  vượt ngoài khả năng cung ứng của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy,  để giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống, cần có giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên được thực hiện theo nguyên tắc “Tuần hoàn khép kín”, thông qua sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu thô có khả năng tái tạo, quản lý rác thải bằng cách tái chế để tối ưu hoá giá trị. Kinh tế tuần hoàn (circular economy- CE) chính là mô hình tối ưu nhất, theo đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

 
Việt Nam hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Không chỉ vậy, nền kinh tế tuần hoàn còn mang lại cách nhìn mới mẻ về mối quan hệ giữa thị trường, khách hàng và tài nguyên thiên nhiên, từ đó góp phần thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, các công nghệ đột phá giúp DN tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí; giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên…

Trong những năm qua, nhiều nền kinh tế trên thế giới đã chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn, nơi chất thải - thay vì bị vứt bỏ, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường - sẽ được “hồi sinh” dưới dạng các nguồn lực khác nhau và một lần nữa tham gia vào quá trình sản xuất và sử dụng.

Với những lợi ích như giảm thiểu rủi ro đến từ việc khan hiếm tài nguyên thiên nhiên, hay thúc đẩy tăng trưởng GDP thì kinh tế tuần hoàn giờ đây đã trở thành xu thế tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), những năm gần đây, Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa đổ ra biển lớn trên thế giới (đứng thứ 4 thế giới về xả rác thải nhựa). Trong đó, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 80 tấn rác thải nhựa được thải ra mỗi ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước hiện đang chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng rác thải nhựa không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ra môi trường xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây sẽ là gánh nặng cho môi trường, thậm chí có thể dẫn đến thảm họa “ô nhiễm trắng”.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP của năm 2013. Ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP. Hiện tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, nhất là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu với những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế thông qua các Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam càng không thể đứng ngoài tư duy nền kinh tế tuần hoàn. Do vậy, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là xu hướng tất yếu và không thể không làm. Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế tuần hoàn chính là công thức giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, góp phần giải quyết triệt để những nguy cơ về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, ngoài ra còn góp phần tạo thêm nhiều cơ hội nghề nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân.


Những bước khởi đầu tại Việt Nam
 
Đứng trước cơ hội từ thị trường có giá trị lên tới 4,5 nghìn tỷ USD do nền kinh tế tuần hoàn mang lại cho toàn thế giới, Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực tạo điều kiện cho mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển. Từ năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SCP). Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, nhằm hình thành nên ngành Công nghiệp môi trường, có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang dự thảo Chương trình hành động quốc gia về SCP với các giải pháp, quan điểm của kinh tế tuần hoàn để thực hiện trong giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, còn có một số chính sách liên quan như Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên môi trường, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam 2011-2020…

Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Thế giới về kinh tế tuần hoàn năm 2019 tại Phần Lan và tham gia Chương trình chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách, tham quan các mô hình sản xuất, thực tế kinh doanh các sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn tại CHLB Đức. Đây là những cơ hội tốt để Việt Nam có thể tiếp nhận nhiều thông tin, học hỏi những kinh nghiệm, ý tưởng thành công nhằm xây dựng các chính sách và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho riêng mình. Chẳng hạn, với ngành dệt may, những phần vải vụn được doanh nghiệp đưa vào tái chế thành vải mới và các sản phẩm quần, áo được tạo ra có sử dụng một phần vải tái chế này thì được gắn nhãn sản phẩm CE; Hay như bã, vỏ hạt cà phê được tận dụng và sản xuất thành những chiếc cốc uống cà phê đạt tiêu chuẩn và cũng được dán nhãn sản phẩm CE…

Những động thái tích cực từ phía Chính phủ đã và đang góp phần đưa nền kinh tế tuần hoàn chuyển hóa vào hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn và mang lại những hiệu quả nhất định.

Trang trại chăn nuôi Lộc Phát tại Bình Phước là một ví dụ điển hình của doanh nghiệp Việt tiên phong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để giảm thiểu tác hại môi trường. Với hệ thống xử lý chất thải tạo khí sinh học (Biogas) trị giá hơn 10 tỷ đồng, toàn bộ chất thải đều được thu gom vào hệ thống xử lý để tạo ra khí sinh học đáp ứng được 30% nhu cầu năng lượng (gas và điện) cho toàn trang trại. Nước thải được tái sử dụng, đưa vào hệ thống tưới cho hàng chục ngàn héc-ta cao su trong vùng. Bên cạnh đó, để “tiêu thụ” số lượng khủng nhau thai heo và heo con mới sinh bị chết từ 2.400 con heo nái, trang trại đã đầu tư khu nuôi cá sấu gần 4.000 con. Mô hình sản xuất bền vững có tính chất tuần hoàn của trang trại không chỉ giải quyết tốt vấn đề môi trường, mà còn đem lại nguồn lợi lớn cho Lộc Phát.

Công ty Heineken Việt Nam cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả. Có tới 99% phế thải hoặc phụ phẩm được Heineken tái sử dụng hoặc tái chế. Cụ thể, gần 100% chai bia thủy tinh của Heineken Việt Nam được thu hồi để tái sử dụng trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm; Các nguyên vật liệu khác như thủy tinh, giấy bìa, nhôm, nhựa được tái sử dụng hoặc tái chế; Những phụ phẩm điển hình của quá trình sản xuất bia như: Bã hèm, men thừa hay bùn lắng sau quá trình xử lý nước thải đều được tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón cho cây trồng. Hiện nay, 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải carbon. Năm 2018, bằng cách tối ưu hóa và cải tiến hoạt động vận tải, Heineken Việt Nam giảm được 2.500 tấn phát thải CO2 trong khâu kho vận. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đã tiến hành sáng kiến thu gom nắp chai bia, tái chế thành sắt nguyên liệu, làm vật liệu xây cầu cho cộng đồng tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Tương tự, Ajinomoto Việt Nam đã đưa vào vận hành lò hơi sinh học (sử dụng trấu ép - phụ phẩm nông nghiệp làm nhiên liệu) cung cấp hơi nước cho sản xuất. Việc chuyển đổi sử dụng hóa thạch sang nhiên liệu sinh học giúp cắt giảm 25% lượng khí COthải ra môi trường. Công ty còn đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung và nước sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam. Chương trình “Không phát thải” bằng 3T (tiết giảm, tái chế, tái sử dụng) đã thu hồi và tái chế 99,97% lượng chất thải rắn toàn công ty.

Doanh nghiệp Nestlé Việt Nam sản xuất gạch không nung từ rác thải lò hơi, chế biến phân bón từ bùn thải không nguy hại, sử dụng vỏ hộp sữa làm tấm lợp sinh thái. Tập đoàn này công bố kế hoạch tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm đến năm 2025.

Công ty NS BlueScope Việt Nam áp dụng mô hình CE gồm tiết giảm, tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế. Trong đó, sản phẩm tua-bin gió bằng thép giúp công ty tăng đáng kể tỷ suất hoàn vốn, giá thành sản phẩm đến tay khách hàng rẻ hơn từ 25-50%, tiết kiệm 80% năng lượng và rút ngắn thời gian sản xuất.

Gần đây, 9 công ty hàng đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bao bì đã bắt tay nhau thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp có sự cạnh tranh trên thị trường, thậm chí là đối thủ của nhau nhưng cùng ngồi lại hợp tác, nỗ lực mới mục tiêu chung là cải thiện môi trường Việt Nam. Các công ty tiên phong sáng lập PRO Vietnam bao gồm: TH Group với thương hiệu TH True milk, Coca-Cola Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam, La Vie, Nestle, Nutifood, Suntory PepsiCo Việt Nam, Tetra Pak và Universal Robina Corporation.

Liên minh này sẽ hỗ trợ phát triển một hệ sinh thái thu gom, tái chế bao bì trong nước vững mạnh, giúp tăng tỉ lệ tái chế và giảm thiểu tỉ lệ bao bì thải ra môi trường. Cụ thể, PRO Vietnam sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các hoạt động trên các lĩnh vực gồm nâng cao nhận thức người tiêu dùng về tái chế và phân loại rác, làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có. Đồng thời, PRO Vietnam cũng hỗ trợ các chương trình tái chế của nhà máy xử lý và các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế. Liên minh này cũng hợp tác với Chính phủ trong khía cạnh “Recycle - tái chế“ của bộ nguyên tắc 3R (Reduce - giảm thiểu, Reuse - tái sử dụng and Recycle - tái chế) thông qua quan hệ đối tác công tư tự nguyện. Ngoài các chính sách trên, PRO Vietnam cũng sẽ phối hợp với các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp với môi trường của Việt Nam.

Thời gian tới, liên minh PRO Vietnam sẽ triển khai thí điểm thu gom, tái chế rác thải ở TP.HCM, tiếp đến là Hà Nội, đồng thời, thành lập một công ty xã hội để triển khai những chương trình cụ thể và tiếp tục kêu gọi thêm các doanh nghiệp cùng tham gia liên minh. Dự kiến đến năm 2030, tất cả các loại vật liệu đóng gói do các công ty thành viên sản xuất ra thị trường đều sẽ được thu gom và tái chế.

Những bước khởi đầu của nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Việc áp dụng thành công các mô hình kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, là chìa khóa để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững toàn diện./.


 
Thu Hường

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top