Việt Nam sẵn sàng đón làn sóng thoái vốn khỏi Trung Quốc

03/08/2020 - 02:44 PM
Bên cạnh những tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, đại dịch Covid-19 cũng khiến “làn sóng” thoái vốn đầu tư khỏi Trung Quốc vốn đã xảy ra trong những năm gần đây thêm mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang có những chiến lược để đón đầu dòng vốn dịch chuyển, tạo đà phục hồi nền kinh tế đất nước.
  
Cuộc “tháo chạy” của các nhà đầu tư khỏi Trung Quốc
 
Theo phân tích của các chuyên gia, trên thực tế, làn sóng thoái vốn khỏi thị trường Trung Quốc xuất hiện từ khoảng 5 năm trở lại đây, khi các nước Mỹ và Tây Âu cùng các nước đồng minh nhìn thấy rủi ro khi phải lệ thuộc quá nhiều vào quốc gia này. Bên cạnh hướng đi sẽ sản xuất một số mặt hàng chiến lược để tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, nhiều quốc gia đã xem xét và tính toán phương án đa dạng hóa nguồn cung đđảm bảo ổn định sản xuất. Tiến trình các doanh nghiệp di dời chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc được đẩy nhanh hơn khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh. Theo Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc, chỉ sau 1 năm kể từ thời điểm cuộc chiến bắt đầu diễn ra vào tháng 7/2018, đã có gần 30% doanh nghiệp Mỹ xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang các khu vực khác.
 
Việt Nam mở cửa đón làn sóng thoái vốn khỏi Trung Quốc
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Như một chất xúc tác, đại dịch Covid-19 làm cho hoạt động sản xuất của nhiều quốc gia lâm vào cảnh lao đao, khiến làn sóng rút vốn đầu tư, tháo chạy khỏi Trung Quốc càng trở nên mạnh mẽ. Theo kết quả một cuộc khảo sát vào tháng 3/2020 của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, hơn 25% doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lên kế hoạch nhập nguồn cung ứng vật liệu từ các khu vực khác nhau bên ngoài Trung Quốc trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19; 16% công ty dự định chuyển một phần hoặc toàn bộ hệ thống sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Báo cáo Reshoring Index (đo lường quá trình chuyển dịch doanh nghiệp hoặc một phần doanh nghiệp có trụ sở tại một quốc gia khác trở về quốc gia ban đầu) của Công ty tư vấn sản xuất toàn cầu Kearney (Mỹ) vừa công bố cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng. Theo đó, cùng với phương án sẽ đưa dây chuyền trở về nước, nhiều công ty Mỹ có thể tìm nguồn cung ứng từ Mexico và những quốc gia châu Á thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
 
Thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn, trong thời gian gần đây, tại quốc hội Mỹ, hàng loạt dự luật được đưa ra để chống lại việc phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chẳng hạn như dự luật giảm phụ thuộc Trung Quốc trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế nước này còn lên tiếng đề xuất chính quyền có thể chi trả chi phí để hỗ trợ các công ty rời khỏi Trung Quốc và quay trở lại hoạt động tại Mỹ. Tuy đến nay chính phủ Mỹ vẫn chưa chính thức công bố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp rút khỏi Trung Quốc, nhưng những động thái trên đã phần nào tác động đến hành động tương tự của nhiều nền kinh tế khác.
 
Không chỉ Mỹ mà một số quốc gia khác cũng đang có chính sách dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tại Úc, vào cuối tháng 3/2020, Bộ trưởng Công nghiệp Úc tuyên bố Covid-19 là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với việc phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Trong khi đó, tháng 4/2020, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu cho biết EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.
 
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ và phá vỡ chuỗi cung ứng giữa các quốc gia, với mục tiêu giảm thiểu cú sốc nguồn cung, ngày 03/5 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản cũng đã công bố chương trình hỗ trợ trị giá 2,2 tỉ USD để giúp các nhà sản xuất nước này dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc về lại Nhật hoặc chuyển sang các nước Đông Nam Á.
 
Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ
 
Trong những điểm đến mới của dòng vốn dịch chuyển, Việt Nam đang được xem là một trong những sự lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư. Minh chứng là theo Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, để phân tán rủi ro, có 122 doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, họ quyết định di dời sản xuất tại Trung Quốc và nơi được lựa chọn chuyển đến hàng đầu chính là Việt Nam với 42,3% số doanh nghiệp nói trên lựa chọn; Xếp sau đó là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%).
 
Không chỉ thể hiện qua những con số khảo sát, trên thực tế, Việt Nam đang hưởng lợi từ những nỗ lực của các tập đoàn đa quốc gia (MNC) nhằm đa dạng hóa các cơ sở sản xuất của họ bên ngoài Trung Quốc đđối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra và sự gián đoạn sản xuất do dịch Covid-19 xảy ra. Cụ thể, “người khổng lồ” công nghệ Mỹ là Apple đã nhận thấy rủi ro rất lớn của các nhà đầu tư theo chiến lược “bỏ tất cả trứng vào một rổ” và đang đẩy mạnh đưa chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc giữa đại dịch Covid-19, khi tuyển dụng nhân sự cho các vị trí quản lý và kỹ thuật khác nhau tại Việt Nam. Đồng thời, Apple lên kế hoạch sản xuất khoảng 3-4 triệu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam trong quý II/2020, chiếm 30% tổng sản lượng AirPods của hãng.
 
Bên cạnh Apple, nhiều tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực công nghệ cao là Google, Microsoft, Samsung, LG, Nintendo và Kyocera cũng đã công bố kế hoạch chuyển một phần năng lực sản xuất hoặc lắp ráp sang Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố và điều kiện đđón nhận làn sóng đầu tư mới, qua đó tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển. Trước hết, các nhà đầu tư đánh giá nền kinh tế vĩ mô Việt Nam khá ổn, chất lượng môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện và lực lượng lao động dồi dào. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động ở Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn hơn rất nhiều so với các nước ASEAN khác. 
 
Cùng với đó, thị trường tài chính Việt Nam (mối quan tâm của hầu hết các nhà đầu tư FDI) đã có sự thay đổi rất tích cực trong thời gian qua, khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Ngân hàng Nhà nước đồng thời cũng có nhiều chính sách mới quan trọng liên quan đến lãi suất, thanh khoản, tín dụng; thị trường trái phiếu phát triển mạnh mẽ trong khi ngân hàng số và dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng số đang được hình thành.
 
Một thế mạnh khác giúp Việt Nam có thể đón làn sóng thoái vốn là vị trí địa lý “đắc địa”, gần Trung Quốc, có bờ biển dài cùng 3 cụm cảng lớn được thiết kế với công suất lớn là những cửa ngõ ra thế giới, thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Việc Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án hạ tầng, giao thông đang tạo một nền tảng rất lớn cho lưu thông kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh sắp tới. Hơn nữa, Việt Nam nhiều năm nay đã tham gia đàm phán thành công và ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thế hệ mới với các nước và khu vực, tạo điều kiện rất lớn cho các doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam có hoạt động giao thương quốc tế. Đặc biệt, những nỗ lực và thành công của Việt Nam trong việc đối phó với dịch bệnh Covid-19 đã và đang tạo niềm tin để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
 
Mặc dù cơ hội mở ra là rất lớn, nhưng cũng có thể nhận thấy rõ, Việt Nam đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ nặng ký. Ví dụ như, Chính phủ Ấn Đđã nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để lôi kéo hơn 1.000 
công ty Mỹ rời Trung Quốc. Họ còn cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động, hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử... Bên cạnh đó, Thái Lan mở rộng cửa đón dòng vốn đầu tư bằng loạt chính sách mới gồm các biện pháp về thuế, sửa đổi Luật Kinh doanh nhằm nới lỏng quy định với đầu tư nước ngoài. Tương tự, Malaysia “bật đèn xanh”, đưa ra một chương trình hỗ trợ đầu tư quy mô 1 tỷ Ringgit (khoảng 240 triệu USD) nhằm hỗ trợ thuế, tài chính cho các doanh nghiệp nước ngoài chọn họ là điểm đến. Hay như Indonexia cũng đã đẩy mạnh thay đổi yếu tố kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư.
 
Điều đáng nói là, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức tồn tại từ lâu trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, tạo những lực cản đối trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Cụ thể, Việt Nam vẫn là một thị trường nhỏ, chưa có điều kiện thực sự tốt về thể chế, môi trường kinh doanh, lao động có trình độ, kỹ năng còn hạn chế và nền công nghiệp hỗ trợ chưa hoàn chỉnh. Mặc dù thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính, song theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam mới chỉ xếp hạng 70 trong số 190 nền kinh tế. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nước ta vẫn còn thua kém một số đối thủ ngang tầm trong khu vực trong khi hạ tầng mềm là những chính sách về đất đai, ưu đãi thuế chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.
 
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do COVID-19 gây ra vào ngày 22/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tỏ rõ quan điểm “nếu như Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, thì không bao giờ thành công”. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung vào các biện pháp, cách làm thiết thực, cụ thể để tranh thủ luồng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt, Thủ tướng chỉ đạo phải xây dựng ngay đề án giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để thu hút tối đa nhưng có chọn lọc dòng vốn FDI dịch chuyển, tạo đà cho Việt Nam phục hồi kinh tế và thiết lập vị thế mới trên trường quốc tế./.

 
ThS. Nguyễn Chung Thủy
Đại học Công nghiệp Hà Nội
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top