Việt Nam mong muốn lan tỏa những giá trị để thúc đẩy hơn nữa quyền con người

18/11/2022 - 09:26 AM
Nhân quyền là tổng thể các nhu cầu, năng lực, tự do, nhân phẩm của con người với tư cách cá nhân và cộng đồng xã hội được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong hệ thống luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế.
 
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, Việt Nam trở thành quốc gia có độc lập, chủ quyền. Sự kiện này đã tạo bước ngoặt lớn trong bảo đảm quyền công dân, quyền con người ở nước ta. Trong quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của sự phát triển và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chủ trương nhất quán bảo vệ và thúc đẩy quyền cơ bản của con người được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản pháp luật, chính sách có liên quan như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật thi hành án hình sự năm 2019, Luật Chăm sóc, Bảo vệ và Giáo dục trẻ em năm 2004, Luật Trẻ em 2016, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới các giai đoạn 2010-2020; 2021-203
 
Mới đây nhất, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
 
Với những nỗ lực trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu của trong vấn đề đảm bảo quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Một trong những thành tựu, tiến bộ cộng đồng quốc tế ấn tượng về Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực chính là công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người dân. Thành công này được chứng minh rõ nét hơn qua những con số thống kê. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố vào tháng 2 đầu năm, tổng số hộ nghèo của cả nước là trên 609 nghìn hộ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức 2,23%; tổng số hộ cận nghèo là hơn 850,2 nghìn hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo: 3,11%.
 
Còn theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục trong giai đoạn 2016-2021, trung bình mỗi năm giảm khoảng 1 điểm phần trăm. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 4,4%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2020.
 
 
Hình 1: Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều
của Chính phủ giai đoạn 2016-2020
                                                                                                                        Đơn vị tính: %
Việt Nam mong muốn lan tỏa những giá trị để thúc đẩy hơn nữa quyền con người
                                Nguồn: Khảo sát mức sống dân cư năm 2021, Tổng cục Thống kê
 
Việt Nam cũng đã tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới trên thế giới khi là một trong những quốc gia đầu tiên thông qua Công ước về cấm mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ cách đây hơn 40 năm và sau đó là Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995. Nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam đã được ghi nhận, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. 
 
Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 đồng chí nữ, chiếm tỷ lệ 9,5%. Quốc hội khóa XV được bầu ra ngày 23/5/2021 có 151/499 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%, là mức tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Đây là lần thứ hai số nữ đại biểu Quốc hội của nước ta đạt trên 30% và tỷ lệ trên đưa Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ nữ ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh là 16%, HĐND cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ… Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%. Sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
 
Thành tựu về bình đẳng giới ở Việt Nam còn được thể hiện ở khía cạnh giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao.
 
Với những kết quả trên, Việt Nam cải thiện thứ hạng trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới. Đứng thứ 51 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội; đứng thứ 83/146 quốc gia trong bảng xếp hạng về bình đẳng giới toàn cầu năm 2022, tăng 4 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 87/144 quốc gia), trong đó các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia, nền kinh tế được nghiên cứu. Việt Nam hiện xếp thứ 6 trong số các quốc gia có tỉ lệ nữ doanh nhân cao nhất và là đại diện châu Á duy nhất có mặt trong nhóm 10 quốc gia đứng đầu về tỉ lệ này. Những thành tựu này là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, và góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
 
Cùng với những kết quả đạt được trong công tác bình đẳng giới, Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những thành tựu trong lĩnh vực đảm bảo các quyền trẻ em. Nổi bật trong đó là việc xây dựng, cải thiện, sửa đổi luật pháp của Chính phủ, ban hành Luật Trẻ em 2016 thay thế Luật Chăm sóc, Bảo vệ và Giáo dục trẻ em năm 2004 và thực hiện quyền của trẻ em gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều thay đổi như vấn đề biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế và đời sống người dân…
 
Đảm bảo thực thi quyền con người, thời gian qua Việt Nam đồng thời chú trọng phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế, vấn đề việc làm cho người lao động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển. Nhờ đó, chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam liên tục tăng theo các năm. Năm 2010, HDI của Việt Nam đạt mức 0,572 lên 0,666 năm 2015 và tiếp tục tăng lên 0,706 năm 2020, tức là từ nhóm trung bình lên nhóm có HDI cao của thế giới, nhờ sự cải thiện đáng kể của các chỉ số thành phần là sức khỏe, giáo dục, thu nhập.
 
Thêm vào đó, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ internet với tỷ lệ người sử dụng đạt khoảng 70,3% dân số, thể hiện quyền tự do thông tin truyền thông internet nước ta. Tự do báo chí cũng được thể hiện với khoảng 800 cơ quan báo chí, hơn 100 báo có hoạt động báo điện tử, hơn 600 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập trên cả nước.
 
Đặc biệt, việc bảo đảm thực thi quyền con người ở Việt Nam còn đi xa hơn, chứa đựng tinh thần nhân ái, nhân văn cao cả khi chính phủ Việt Nam đạt được những thành tựu trong việc đảm bảo sự an toàn cho người dân, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong 2 năm đại dịch vừa qua. Việt Nam tạo ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế với những hình ảnh một người nước ngoài được các y, bác sỹ và người dân Việt Nam cứu chữa khỏi bệnh và trở về nước; người dân được đảm bảo các quyền được tiếp cận các nhu yếu phẩm thiết yếu từ các cây gạo ATM miễn phí, được quyền được chăm sóc y tế, đi lại và giáo dục trực tuyến... Cùng với đó là chuyến bay hồi hương đưa những kiều bào tại nước ngoài trở về trong vòng tay của đất nước.
 
Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người. Con người là một trong 3 trụ cột nội lực chính, chiến lược lâu dài, quyết định sự hồi phục và phát triển.
 
Song song với việc đảm bảo thực thi quyền con người cho người dân, Việt Nam còn luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của cơ quan Kể từ khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Một dấu ấn đậm nét phải kể đến là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Trong suốt nhiệm kỳ, Việt Nam luôn thể hiện là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm, chủ động, tích cực và xây dựng; tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người. Cùng với đó, Việt Nam nghiêm túc thực hiện cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền, (cơ chế rà soát phổ quát định kỳ, xem xét tình hình nhân quyền của lần lượt tất cả các quốc gia thành viên).

 
Việt Nam mong muốn lan tỏa những giá trị để thúc đẩy hơn nữa quyền con người  1
Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025
trong phiên bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 11/10/2022. Ảnh: VOV

 
Năm 2022, với những kết quả đạt được và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng về vấn đề nhân quyền cả trong đối nội và đối ngoại, cùng sự tín nhiệm của các thành viên, Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 qua kết quả bỏ phiếu diễn ra vào tháng 10 vừa qua. Kết quả này là tiếp tục chứng tỏ sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… Việc Việt Nam ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc một nhiệm kỳ nữa cũng đồng thời thể hiện Việt Nam muốn khẳng định nhân quyền; lan tỏa những giá trị của đất nước và thể hiện nhận thức mới của mình về nhân quyền đối với những giá trị của thời đại hiện nay để thúc đẩy hơn nữa quyền con người trong khu vực./.
K.H
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top