Việt Nam, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu sau chiến tranh, đang vươn mình trở thành một trong những nền kinh tế năng động và phát triển nhanh chóng nhất khu vực Đông Nam Á. Từ đó, mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 không chỉ là khát vọng mà còn là động lực mạnh mẽ để Việt Nam tiếp tục đổi mới, cải cách và vươn tới những tầm cao mới.
Từ khóa: Kinh tế, thu nhập cao, tăng trưởng, quy mô, chính sách…
Abstract: Vietnam, from a poor, backward country after the war, is rising to become one of the most dynamic and rapidly growing economies in Southeast Asia. From there, the goal of becoming a high-income country by 2045 is not only an aspiration but also a strong motivation for Vietnam to continue to innovate, reform and reach new heights.
Keywords: Economy, high income, growth, scale, policy...
Thành tựu kinh tế củng cố vững chắc vị thế đất nước
Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã, đang ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và những cải cách sâu rộng. Từ một nền kinh tế thu nhập thấp, Việt Nam từng bước hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao. Năm 1993, thu nhập bình quân Việt Nam đạt khoảng 170 USD, xếp thứ 172/178 trên thế giới. Đến năm 2023, thu nhập bình quân của Việt Nam, đạt khoảng 4.284,5 USD, xếp thứ 116 trên thế giới, tăng gấp hơn 24 lần, nhảy 56 bậc trên thế giới so với năm 1993. Khoảng cách thu nhập với các nước đã thu hẹp đáng kể. Đầu thập niên 1990, thu nhập đầu người của Singapore cao hơn 125 lần so với Việt Nam, thì năm 2018 chỉ còn 24 lần; Thái Lan từ gấp 16 lần còn 2,5 lần; Nhật Bản từ 267 lần còn khoảng 16 lần; Hoa Kỳ từ 252 lần xuống còn 25 lần; các nước OECD từ 184 lần xuống còn 16 lần và tiếp tục thu hẹp dần khoảng cách đến nay.
Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GDP) trung bình từ 6-7%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Thậm chí Việt Nam đã duy trì mức tăng trưởng dương ngay cả khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng âm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra cùng với những bất ổn kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn hậu đại dịch, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng thích ứng và duy trì ổn định kinh tế nhờ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng. Các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất chế biến, công nghệ thông tin, xây dựng và dịch vụ tiếp tục đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam duy trì động lực phát triển.
Với chính sách mở cửa, môi trường kinh doanh thuận lợi cùng nguồn lao động dồi dào, Việt Nam trở thành thỏi nam châm hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhiều tập đoàn lớn, công ty công nghệ cao chọn Việt Nam là điểm thiết lập cơ sở sản xuất, nhất là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách chuyển dịch từ gia công lắp ráp sang sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng; trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về điện tử, dệt may, giày dép, thủy sản và nông sản. Nền kinh tế với độ mở lớn cùng những thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với khu vực và các nước như: RCEP, EVFTA, CPTPP, UKVFTA, CEPA… có phạm vi bao phủ 87% nền kinh tế toàn cầu đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, tận dụng ưu đãi thuế quan để nâng cao khả năng cạnh tranh và kim ngạch thương mại.
Nhờ đó, năm 2023, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP đạt 5,05%, được thúc đẩy bởi sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tiếp nối đà phục hồi và phát triển, năm 2024, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5% Quốc hội đặt ra; quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 11.511,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023, vượt mức dự báo 4.469 USD của CEBR. Đáng chú ý, sau hơn 35 năm đổi mới, tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam đã giảm mạnh từ trên 50% xuống dưới 3%. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2024 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) ước khoảng 2,4%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2023. Đây là một thành tựu ấn tượng, thể hiện những nỗ lực to lớn của Đảng, Nhà nước và người dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Thành công này đến từ sự kết hợp giữa chiến lược phát triển bền vững, thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, giúp nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Với những thành tựu đạt được, Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (WELT) năm 2024, Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập CEBR của Anh đánh giá quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 tăng 1 bậc so với năm 2023 và đạt thứ hạng 34 trên thế giới. CEBR cũng dự báo đến năm 2029, GDP của Việt Nam sẽ đạt 676 tỷ USD, vượt con số 656 tỷ USD của Singapore.
IMF tiếp tục có những nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam khi dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu. Đến năm 2026, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 4 trong nhóm ASEAN-6 về GDP bình quân đầu người với con số 6.140 USD/người, xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan nhưng vượt qua Indonesia và Philippines. Nếu quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) để so sánh sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, IMF cho biết, GDP tính theo PPP của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 25/192 trên thế giới và có thể đạt khoảng 2.343 tỷ USD vào năm 2029. Nếu đạt được con số này, Việt Nam sẽ chính thức có mặt trong top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, sánh ngang với Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Đức, Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Mexico, Italia, Hàn Quốc, Ả Rập - Xê Út, Tây Ban Nha, Canada, Ai Cập và Bangladesh.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. |
Động lực thúc đẩy Việt Nam sớm đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao
Có thể nói, chính sách kinh tế linh hoạt và thích ứng, được coi là chìa khóa để Việt Nam vượt qua “cơn gió ngược”, đạt tăng trưởng cao trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu cùng nhiều bất ổn và diễn biến khó lường. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp so với khu vực. Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 6 tại Đông Nam Á, đứng sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Năm 2024, thứ hạng này chưa có gì thay đổi. Do đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để có thể đạt được mục tiêu thu nhập cao.
Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao. Một số chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực Châu Á.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Điều đó cũng đồng thời cho thấy quyết tâm của Việt Nam nhằm đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao trước năm 2045, bước vào nhóm các nền kinh tế lớn, tạo đà chinh phục các cột mốc kế tiếp. Những kết quả đạt được cho đến nay được kỳ vọng sẽ là nền tảng vững chắc để bước sang giai đoạn phát triển tiếp, hướng tới quốc gia có thu nhập trung bình cao năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định.
Công điện số 140/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong những ngày đầu năm yêu cầu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8% vào năm 2025, trong điều kiện thực hiện thuận lợi, phấn đấu tăng trưởng 2 con số. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu trên, các Bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; trong đó: Tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số; tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống, gồm: Đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; đồng thời, tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân; cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các Bộ, cơ quan, địa phương.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao, cần đặt trọng tâm phát triển vào các yếu tố mang tính quyết định như: Chuyển đổi số và công nghiệp 4.0, phát triển hạ tầng và đô thị hóa, tiếp tục triển khai các chính sách phát triển bền vững. Đồng thời, thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả các giải pháp gồm:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tập trung vào đào tạo lao động chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành công nghệ, kỹ thuật, tài chính và dịch vụ. Cải cách hệ thống giáo dục theo hướng thực tiễn hơn, thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng phù hợp với thị trường lao động. Khuyến khích nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng lực sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, khuyến khích sáng tạo và đổi mới.
Thứ hai, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững: Phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo; ưu tiên phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; phát triển năng lượng tái tạo, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa chính sách để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; thực hiện mạnh mẽ cải cách thể chế và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, tăng cường tiêu dùng trong nước thông qua chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có giá trị gia tăng. Thúc đẩy xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm Việt Nam, giúp doanh nghiệp nội địa nâng cao vị thế và mở rộng thị phần cả trong và ngoài nước. Đầu tư mạnh vào nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ để tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, giảm phụ thuộc vào các ngành xuất khẩu truyền thống; gia tăng sự chủ động trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Việt Nam đang có cơ hội lớn để trở thành nền kinh tế thu nhập cao trong những thập kỷ tới. Tầm nhìn và định hướng phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2045 không chỉ mang tính chiến lược mà còn cần có sự chung tay thực hiện đồng bộ của cả đất nước. Có như vậy, mới có thể hiện thực hóa giấc mơ một nền kinh tế hùng cường, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới./.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật;
2. Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2023, 2024. Tổng cục Thống kê.
ThS. Cấn Thị Thùy Linh, ThS. Ngô Thị Luyến
Học viện Hành chính và Quản trị công