Việt Nam - quốc gia đầu tiên có chỉ số xanh cấp tỉnh

12/05/2023 - 10:38 AM
Năm 2022, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) chính thức triển khai điều tra Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) như một hợp phần về môi trường được tích hợp trong đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bộ chỉ số PGI được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu tư vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.
 
 PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
 
PGI cấp tỉnh được xếp hạng dựa trên 4 chỉ số thành phần (gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường) được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đánh giá chất lượng quản trị môi trường tại các tỉnh, thành phố theo hướng gắn bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế.
 
Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2023 được công bố tháng Tư mới đây cho thấy, đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số PGI là tỉnh Trà Vinh với số điểm tổng thể là 17,67 điểm, tiếp đến là Lạng Sơn (17,3 điểm), Bắc Ninh (17,21 điểm), Quảng Ninh (17,12 điểm) và Đà Nẵng (16,7 điểm). Nhìn chung, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có những thành tựu nhất định, song chỉ ở một hoặc hai lĩnh vực quản trị môi trường. Điểm số cuối cùng của các tỉnh có thứ hạng cao hơn và của các tỉnh có thứ hạng thấp hơn không mấy cách biệt. Một điểm đáng chú ý trong kết quả của bốn chỉ số thành phần trong bảng xếp hạng PGI là chỉ có duy nhất một tỉnh Bắc Giang lọt vào nhóm năm tỉnh dẫn đầu nhiều hơn một chỉ số. Hiện nay chỉ một số ít địa phương có nguồn lực hoặc sự chuẩn bị sẵn sàng về năng lực để làm tốt công tác ứng phó với thiên tai, thực thi quy định môi trường, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh doanh xanh hoặc cung cấp nguồn tài chính thúc đẩy doanh nghiệp xanh hóa.
 
Hình 1: 10 tỉnh có điểm số PGI cao nhất
Việt Nam - quốc gia đầu tiên có chỉ số xanh cấp tỉnh
Ở chỉ số thành phần 1 “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu”, dải điểm thực tế nằm trong khoảng từ 3,07 điểm của Đắk Lắk đến 6,85 điểm của Bắc Ninh. Cùng với Bắc Ninh, các tỉnh Trà Vinh (6,41), Lạng Sơn (5,37), Quảng Ninh (5,11) và Bình Phước (4,79) nằm trong nhóm 5 tỉnh đạt điểm cao nhất trong chỉ số thành phần 1. Điều đáng nói là các thành phố trực thuộc Trung ương có điểm số khá thấp. Điểm số trung bình của các thành phố lớn, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và Đà Nẵng chỉ ở mức 3,2 điểm so với mức điểm trung bình là 3,75 của cả nước.
 
Bắc Ninh đứng đầu trong kết quả chỉ số thành phần 1 “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu” là nhờ trong thời gian qua, chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực trong việc giám sát, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề và sự phát triển nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, sau khi một báo cáo năm 2017 chỉ ra tình trạng ô nhiễm môi trường báo động từ các làng nghề gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của dân cư trên địa bàn. Cụ thể, tỉnh đã ban hành các quy định về môi trường nhằm giám sát chất lượng không khí, chất lượng nước và quản lý việc thu gom, xử lý rác thải. Bên cạnh đó là triển khai nhiều hoạt động khuyến khích doanh nghiệp thực hiện kinh doanh sản xuất xanh, đơn cử như hoạt động hỗ trợ các ngành “xanh” và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thực hành xanh. Nổi bật là Quyết định số 222/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh75, đề ra chiến lược cụ thể đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong phát triển các khu, cụm công nghiệp, trong đó có các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, không khí, quản lý rác thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
 
Tỉnh Bắc Ninh cũng đầu tư cho các hạ tầng kỹ thuật phục vụ việc xử lý và phân phối nước sạch, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ tài nguyên nước và ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường như tổ chức các đợt tuyên truyền giáo dục người dân về các vấn đề môi trường, khuyến khích người dân áp dụng các thực hành thân thiện với môi trường. Cùng với đó, tỉnh siết chặt các quy định môi trường về xả thải, cấp phép xả thải đối với doanh nghiệp.
 
Các chính sách trên của Bắc Ninh đã góp phần hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường địa phương, cụ thể là giảm chỉ số bụi mịn PM 2.5. Trước thời điểm năm 2017, khi hiện trạng ô nhiễm môi trường là rất nghiêm trọng tại Bắc Ninh, chỉ số PM 2.5 lên tới gần 42,5, mức đặc biệt gây hại cho sức khỏe, đặc biệt với các nhóm có nguy cơ như người già và trẻ nhỏ. Đến năm 2021, chỉ số này đã giảm gần 24% xuống 34,4, mức được coi là cải thiện hơn nhiều.
 
Chỉ số thành phần 2 “Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu” của Chỉ số PGI đo lường các nỗ lực của chính quyền tỉnh nhằm thúc đẩy các tiêu chuẩn an toàn môi trường thông qua ban hành các chính sách, quy định có chất lượng tốt, thực hiện công tác thanh tra kiểm tra môi trường hợp lý và thực thi pháp luật nghiêm túc đối với các trường hợp vi phạm.
 
Được công nhận là thành phố “xanh nhất” Việt Nam, ở chỉ số này, thành phố Đà Nẵng có khoảng cách khá cách biệt với các địa phương khác, bởi điểm số các chỉ tiêu từ dữ liệu điều tra và dữ liệu cứng của Đà Nẵng đều cao. Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt dự án quy hoạch thành phố giai đoạn 2021- 2030 theo hướng đô thị sáng tạo, bền vững, ưu tiên phát triển hạ tầng xanh hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế xanh. Thành phố cũng đã ban hành một bộ tiêu chí rõ ràng về bảo vệ môi trường áp dụng cho khu vực công và tư. Hiện Đà Nẵng đã chính thức triển khai dự án đô thị giảm rác thải nhựa.
 
Thành phố Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai dự án sử dụng mô hình quản lý và xử lý chất thải 3R [Reduce (Tiết giảm) – Tái sử dụng (Reuse) – Recycle (Tái chế)] thông qua một chương trình hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama của Nhật Bản. Để đẩy mạnh hoạt động tái chế chất thải, Thành phố đã nỗ lực triển khai hỗ trợ phát triển các nhà máy tái chế rác thải công suất cao.
 
Chỉ số thành phần 3 “Thúc đẩy thực hành xanh”, Hải Phòng là tỉnh dẫn đầu với điểm số trung bình khá cách biệt là 5,35 điểm, đặc biệt trong chỉ tiêu “chính quyền địa phương hướng dẫn doanh nghiệp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước và không khí”. Hai tỉnh Hải Dương và Bắc Kạn đứng ở vị trí liền sau đó với số điểm lần lượt là 5,14 điểm và 5,09 điểm.
 
Thứ hạng dẫn đầu chỉ số thành phần 3 của Hải Phòng là kết quả sự nỗ lực của địa phương trong công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua. Trong thực trạng chung thành tựu phát triển kinh tế đi kèm cùng những hệ lụy về môi trường (ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, xả thải), với vị trí địa lý duyên hải và thuộc Đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng nhận thức rõ những tổn thương bởi thiên tai, đặc biệt là lũ lụt theo mùa. Do đó, chính quyền Thành phố đã quyết liệt triển khai các biện pháp nhằm giải quyết các thách thức phát triển. Hải Phòng là địa phương đầu tiên tại Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020, cụ thể hóa tầm nhìn phát triển thành phố thành một “thành phố cảng xanh”, chuyển đổi sang các mô hình đô thị và kinh tế xanh. Năm 2015, Thành phố ban hành Kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm xác định các dự án cụ thể để hiện thực hóa tầm nhìn đã đề ra tại Kế hoạch hành động nói trên. Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 đã xây dựng tầm nhìn chiến lược của thành phố theo hướng hiện đại hóa các ngành kinh tế và các kế hoạch, quy hoạch nhằm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Với mục tiêu này, Hải Phòng đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, như cam kết hỗ trợ 120 doanh nghiệp ngành đúc chuyển đổi từ sử dụng lò than sang sử dụng năng lượng sạch hơn, tái cơ cấu mô hình sản xuất theo hướng thân thiện môi trường (OECD 2016). Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn doanh nghiệp về kiểm toán năng lượng và tiết kiệm năng lượng do thành phố cung cấp bước đầu đã có những kết quả tích cực. Mỗi năm thành phố tiết kiệm được 50,3 kWh điện, tương đương hơn 3 triệu USD (64 tỷ đồng) và giảm phát thải 42.000 tấn các-bon nhờ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng do thành phố phát động (OECD 2016).
 
Bảng 1. Điểm số các chỉ số thành phần
 
Việt Nam - quốc gia đầu tiên có chỉ số xanh cấp tỉnh 1
 
Trong Chỉ số thành phần 4 “Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường”, Lai Châu là địa phương dẫn đầu nhờ thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng dụng các phương pháp bảo vệ môi trường mới trong đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới chuyển đổi xanh. Một trong những chương trình khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thực hành xanh tại tỉnh Lai Châu mang lại hiệu quả tốt là chương trình hỗ trợ sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẵn có một cách hiệu quả và không gây hại cho môi trường. Chính quyền tỉnh Lai Châu cũng công khai số liệu thống kê chi phí đầu tư bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, dự án đầu tư, qua đó hướng dẫn doanh nghiệp về việc cân bằng giữa chi phí môi trường và lợi ích kinh tế. Bên cạnh đó, Tỉnh thường tuyên dương các cá nhân, doanh nghiệp đóng góp tích cực cho các hoạt động bảo vệ môi trường, từ đó khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp và người dân tăng cường chung tay bảo vệ môi trường chung. Chính quyền tỉnh Lai Châu đồng thời triển khai chính sách khuyến công, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất nông sản hữu cơ tiếp cận, mở rộng thị trường và chuyển đổi hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch quốc gia.
 
Việt Nam hiện đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi xanh. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26 tại Vương quốc Anh vào cuối năm 2021, Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với những kết quả bước đầu, PGI được kỳ vọng sẽ là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả của các cơ quan công quyền về vấn đề bảo vệ môi trường; khuyến khích, cổ vũ các tỉnh, thành phố quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường. Cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, chọn lọc các dự án đầu tư thân thiện với môi trường; thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường; định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường. Từ đó, PGI sẽ giúp nền kinh tế vĩ mô phát triển bền vững hơn và thúc đẩy Việt Nam đạt được các cam kết đã đưa ra tại COP26./.
 
Bích Ngọc

 
 
 
 
 
 
 
 
 
       
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top