Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi năng lượng công bằng

12/12/2024 - 09:48 AM
Việt Nam là quốc gia thứ 3 trên thế giới thông qua Tuyên bố chính trị Quan hệ Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), đồng thời là quốc gia đầu tiên công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP. Với quyết tâm mạnh mẽ, Việt Nam đã, đang khẳng định tâm thế sẵn sàng và hành động cụ thể để tiếp cận các nguồn lực và thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng.
 
Từ khóa: JETP, chuyển đổi, năng lượng, công bằng, cam kết, phát thải…
 
Abstract: Vietnam is the third country in the world to adopt the Political Declaration on the Just Energy Transition Partnership (JETP) and the first country to announce a resource mobilization plan for implementing JETP. With strong determination, Vietnam has been affirming its readiness and taking concrete actions to access resources and implement a just energy transition.
 
Keywords: JETP, transition, energy, justice, commitment, emissions…

Việt Nam tiên phong chuyển đổi năng lượng công bằng
 
Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng lần đầu tiên được đề cập đến trong tiêu đề các cuộc đàm phán tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) năm 2021 và nhận được sự đồng thuận của nhiều quốc gia. JETP là một trong những cơ chế tài chính cao nhất, thiết lập cam kết với các đối tác quốc tế khu vực công, hình thành Nhóm đối tác quốc tế (IPG), cũng như các tổ chức tài chính quốc tế khu vực tư nhân cùng hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng. Theo đó, các khoản hỗ trợ từ các nền kinh tế phát triển sẽ được chuyển sang một số nước đang phát triển để thực hiện quá trình chuyển đổi. Đây là một trong những ý tưởng lớn, nhằm thực hiện mục tiêu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, hướng đến “làm sạch” môi trường của các quốc gia có nền kinh tế thu nhập trung bình, phát thải cao để đạt được các mục tiêu về khí hậu - một vấn đề vốn đang rất “nóng” trên toàn cầu.
 
Sau nhiều hoạt động trao đổi tại COP26 và COP27 cùng các cuộc đàm phán cụ thể, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU diễn ra ngày 14/12/2022 tại Brussels (Bỉ), Việt Nam đã đưa ra Tuyên bố Chính trị về việc thiết lập JETP. Sự kiện này đánh dấu mốc Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 sau Indonesia và Nam Phi ký kết thực hiện JETP với các đối tác quốc tế gồm: Các nước G7, Liên minh châu Âu (EU), Đan Mạch, Na Uy.
 
Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi năng lượng công bằng
 
Tuyên bố JETP của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ và các cam kết hỗ trợ nhiệt tình từ nguyên thủ các quốc gia IPG. Thông qua JETP, các đối tác quốc tế cam kết giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân; phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ, cất trữ và sử dụng các-bon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu phi các-bon hóa hệ thống điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng, hướng tới phát thải ròng bằng 0.
 
Theo Tuyên bố JETP, các đối tác cam kết huy động số tiền ban đầu ít nhất là 15,5 tỷ USD trong vòng 03 đến 05 năm tới để giải quyết nhu cầu chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam. Trong đó, IPG sẽ tích cực hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam để huy động 7,75 tỷ USD tài chính khu vực công với các điều khoản hấp dẫn hơn các khoản vay Việt Nam có thể huy động trên thị trường vốn hiện tại. Đồng thời, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và IPG để huy động và hỗ trợ huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân, tùy thuộc vào khả năng huy động nguồn tài chính công xúc tác của các quốc gia thành viên IPG.
 
Với những cam kết từ JETP, Việt Nam có thêm giải pháp giúp tiếp cận các nguồn lực cần thiết để triển khai hiệu quả lộ trình phát triển các-bon thấp, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu trong nỗ lực chung chuyển đổi năng lượng toàn cầu; đồng thời phát triển các cơ hội kinh tế mới để hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu chuyển đổi xanh, hướng tới tương lai phát thải ròng bằng 0.
 
Sau 1 năm thông qua Tuyên bố JETP, tại COP28 diễn ra tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) vào tháng 12/2023, Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập JETP cùng với Nhóm IPG. Với việc trở thành quốc gia đầu tiên công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP, Việt Nam đã thể hiện tâm thế sẵn sàng và hành động mạnh mẽ để khơi thông nguồn tài chính từ JETP và chuyển hóa thành các dự án mang tính đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.

Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng
 
Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP của Việt Nam được xây dựng trên cơ sở nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án triển khai Tuyên bố JETP và đề xuất của các đối tác trong nước và quốc tế. Chính vì vậy, Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP của Việt Nam được triển khai thực hiện với quan điểm huy động tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng năng lượng và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, địa phương. Đồng thời, thúc đẩy thực hiện định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và NDC của Việt Nam. Quá trình chuyển đổi năng lượng được đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và có sự đồng thuận rộng rãi giữa các bên có liên quan, bao gồm các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm dân cư chịu ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi năng lượng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng.

Bên cạnh đó, nguồn đầu tư tư nhân được xác định có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng; trong khi đó, nguồn lực nhà nước và từ Nhóm IPG sẽ dẫn dắt quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, năng lượng sạch thay thế; nguồn lực từ GFANZ và các định chế tài chính khác đầu tư trực tiếp cho các doanh nghiệp, không thông qua bảo lãnh Chính phủ.

 
Theo đó, thay vì cũng cấp 15,5 tỷ USD như Tuyên bố, Kế hoạch đưa ra thông tin chi tiết về khoản tài chính 15,8 tỷ USD (cao hơn so với mức 15,5 tỷ USD được cam kết tại JETP); trong đó IPG cung cấp 8,08 tỷ USD (cao hơn so với mức 7,75 tỷ USD) và GFANZ cung cấp 7,75 tỷ USD. Nguồn vốn công của IPG sẽ được cung cấp thông qua các công cụ và cơ chế tài chính khác nhau, như: Các khoản tài trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi và các công cụ chia sẻ rủi ro,…
 
Việt Nam đề ra danh mục các dự án cụ thể để huy động tài chính từ các đối tác IPG, GFANZ và các nhà tài trợ khác, tập trung vào 08 nhóm nhiệm vụ: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; (2) Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; (3) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo; (4) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (5) Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh, phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; (6) Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong ngành giao thông vận tải; (7) Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; (8) Bảo đảm công bằng.
 
Các dự án hỗ trợ kỹ thuật và dự án đầu tư đưa ra phù hợp với các mục tiêu nêu tại JETP, đặc biệt chú trọng khía cạnh“công bằng” trong chuyển đổi năng lượng. Ngoài danh mục các dự án đầu tư được tổng hợp từ Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, còn có danh mục 181 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực: Chuyển đổi điện than; phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; truyền tải điện và lưu trữ năng lượng; hiệu suất năng lượng; chuyển đổi năng lượng trong ngành giao thông vận tải; và đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ, được Nhóm đối tác quốc tế, các ngân hàng và các tổ chức phát triển đề xuất bổ sung để đáp ứng các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.
 
Mặc dù đã có những cam kết tích cực và nỗ lực hành động mạnh mẽ, song quá trình thực thi các cam kết và chuyển dịch năng lượng công bằng của Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Để đạt mức phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam cần chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế, theo hướng xanh, tuần hoàn và ít phát thải carbon, với chi phí đầu tư rất lớn. Ví dụ điển hình là khoản đầu tư cần thiết cho riêng việc phát triển ngành điện của Việt Nam đến năm 2030 đã lên tới 134,5 tỷ USD. Như vậy, nguồn tài chính của JETP chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu tài chính cho chuyển đổi năng lượng giai đoạn đến năm 2030 tại Việt Nam. Ngoài ra còn có một số thách thức phát triển cần giải quyết về giảm nghèo, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ…
 
Tuy nhiên, nguồn tài chính từ JETP được kỳ vọng sẽ góp phần khai thông và huy động thêm lượng tài chính lớn hơn từ các thành phần tư nhân trong nước và tư nhân quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh đó, kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập JETP đã thúc đẩy Việt Nam tiến thêm một bước nữa hướng tới việc đạt được các mục tiêu được thống nhất trong Tuyên bố Chính trị. Từ đó tạo cơ sở thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng, góp phần thực hiện mục tiêu tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; đồng thời hỗ trợ đắc lực cho thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành nước có thu nhập cao và phát triển bền vững đất nước./.
 
 
Cùng với Tuyên bố chính trị JETP, Kế hoạch thực hiện Tuyên bố chính trị JETP của Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo trên thế giới. Trong đó:
 
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Việc triển khai Kế hoạch Huy động Nguồn lực là một cột mốc quan trọng trong việc thực hiện JETP, thể hiện sự tiên phong của Việt Nam trong việc mở đường cho một tương lai năng lượng sạch. EU tự hào là một phần của JETP và chúng tôi cam kết hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ những cải cách cần thiết nhằm đẩy nhanh đầu tư quan trọng vào năng lượng tái tạo và nền kinh tế xanh.”
 
Thủ tướng Anh Rishi Sunak: “Kế hoạch huy động nguồn lực sẽ khai mở nguồn tài chính quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch của Việt Nam từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch. Kế hoạch này sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu kinh tế và khí hậu tham vọng, đồng thời đảm bảo rằng các cộng đồng và người lao động không bị bỏ lại phía sau - nhằm đem lại quá trình chuyển dịch phát thải ròng bằng 0 công bằng và công lý. Anh Quốc tự hào là một đối tác hỗ trợ quá trình chuyển dịch này”.
 
Thủ tướng Canada Justin Trudeau: “Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP của Việt Nam thể hiện cam kết của Việt Nam xây dựng nền kinh tế năng lượng sạch của thế kỷ 21. Canada tiếp tục hỗ trợ vì năng lượng sạch hơn và sự xóa bỏ dần than đá ở Việt Nam và hướng đến tương lai, nơi mà JETP sẽ đóng góp như một di sản toàn cầu về thực thi năng lượng có trách nhiệm và thịnh vượng được chia sẻ”.
 
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron: “Sự kiện công bố Kế hoạch huy động nguồn lực là cột mốc quan trọng mở ra con đường chuyển đổi năng lượng công bằng mà không ai bị bỏ lại phía sau. Nó thể hiện nỗ lực tập thể của chúng ta giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng và tăng tốc sự dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch. Pháp sẵn sàng là một phần của đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng này nhằm đảm bảo tương lai bền bỉ và thịnh vượng cho người dân Việt Nam, thông qua giảm thiểu các hậu quả ô nhiễm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm; và tham chiếu nguyên tắc được soi rọi trong Hiệp ước Paris về Con người và Hành tinh, đó là không một đất nước nào cần phải lựa chọn giữa cuộc chiến chống đói nghèo và cuộc chiến vì hành tinh”.
 
Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry: “Sự kiện công bố Kế hoạch huy động nguồn lực hôm nay thể hiện một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng sạch và cam kết của Việt Nam trong việc đẩy mạnh các nỗ lực giảm phát thải và đạt các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong sự nỗ lực quan trọng này nhằm tạo nền tảng và môi trường đầu tư cho một nền kinh tế xanh, năng động và công bằng, vì tương lai sạch hơn cho người dân Việt Nam”.


Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 1009/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng.
  2. Kế hoạch thực hiện Tuyên bố chính trị JETP (Việt Nam), 2023, https://climate.ec.europa.eu/system/ files/2023-12/RMP_Viet%20Nam_Eng_%28Final%20to%20publication%29.pdf
  3. Tuyên bố chung về việc ra mắt Kế hoạch thực hiện Tuyên bố chính trị về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng với Việt Nam, ngày 01/12/2023, https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/statement_23  _6243
Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top