Tuyên bố khẳng định vai trò của các công cụ tiêu chuẩn hóa trong việc thúc đẩy thương mại và nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thuế để xây dựng một hệ thống thuế quốc tế tiên tiến, ổn định và hiệu quả hơn; nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu và thông tin trong việc ra quyết định hiệu quả.
Tuyên bố chung nêu rõ các nhà lãnh đạo kêu gọi trao vai trò lớn hơn cho các nước Nam Bán cầu trong việc góp phần đưa ra những quyết định toàn cầu; đồng thời đề cập đến việc các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách cấu trúc tài chính quốc tế để đối phó với các thách thức toàn cầu, đảm bảo tính toàn diện và công bằng hơn cho các quốc gia thành viên.
Các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh lợi ích của việc sử dụng các công cụ thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng và chi phí thấp, đồng thời khuyến khích việc sử dụng đồng tiền địa phương trong các giao dịch giữa các quốc gia BRICS và đối tác thương mại. Tuyên bố chung cũng bày tỏ quan ngại về những vấn đề liên quan đến tình hình xung đột ở Trung Đông, cuộc xung đột Nga-Ukraine và ghi nhận các đề xuất về trung gian hòa giải nhằm đạt được giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao.
Tuyên bố chung cũng đề cập tới phòng ngừa đại dịch trong tương lai và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
BRICS ngày nay không còn chỉ là một liên minh kinh tế mà đang khẳng định mình là một giải pháp thay thế khả thi cho trật tự thế giới do các nước phương Tây xây dựng. Bằng cách hình thành các liên minh chiến lược, BRICS với tiềm lực hơn 45% dân số thế giới, 35% kinh tế toàn cầu và sở hữu thị trường khổng lồ với hơn 3 tỷ người không chỉ tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình mà còn cung cấp một nền tảng thay thế cho các nước đang phát triển, những nước thường cảm thấy bị gạt ra ngoài lề trong các tổ chức Bretton Woods truyền thống như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng Thế giới (WB). |
Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng BRICS và cộng đồng quốc tế để hiện thực hóa ý tưởng "cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”
Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị BRICS mở rộng diễn ra từ ngày 23-24/10.
Chiều tối 23/10 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Lễ đón các trưởng đoàn và chiêu đãi trọng thể chào mừng các đoàn tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và BRICS mở rộng do Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024 chủ trì.
Toàn cảnh Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga. (Ảnh: RUPTLY)
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm nhìn, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện và đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, chia sẻ chung trách nhiệm để giải quyết thách thức chung chưa từng có.
Để cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất 5 kết nối chiến lược để cùng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng:
Một là, kết nối nguồn lực, theo đó BRICS cần đi đầu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh thông tin.
Hai là, kết nối hạ tầng chiến lược, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm.
Ba là, kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, mở rộng không gian phát triển cho mọi quốc gia.
Bốn là, kết nối con người với con người thông qua hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân giữa BRICS và các nước để xây dựng một không gian văn hóa "thống nhất trong đa dạng"; nơi mà các giá trị khác biệt được tôn trọng, điểm đồng được nhân lên, nơi vẻ đẹp của tình hữu nghị và hợp tác được nuôi trồng, vun đắp, như Đại văn hào Nga Dostoevsky nhấn mạnh "Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới".
Năm là, kết nối trong cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng liên kết, chia sẻ, cân bằng, bình đẳng, hiệu quả, bao trùm, toàn diện để phát triển nhanh, bền vững. BRICS cần đấu tranh mạnh mẽ hơn trong chống lại xu hướng bảo hộ và chính trị hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chia sẻ bài học phát triển của Việt Nam về "kết nối, hội nhập, cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn", Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 3 quan điểm lớn.
Một là, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Hai là, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Ba là, chính sách quốc phòng "4 không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).
Trên tinh thần thúc đẩy hoà bình, đối thoại, hợp tác, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng BRICS sẽ đoàn kết hơn nữa, phát huy sức mạnh nội sinh để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Các nhận định, cách tiếp cận và đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bài phát biểu được lãnh đạo và đại biểu các nước hoan nghênh, đánh giá cao, đóng góp thiết thực vào kết quả chung của Hội nghị.
Chuyến công tác tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 của Thủ tướng Chính phủ đã đạt những kết quả quan trọng, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với các nỗ lực chung toàn cầu. Cùng với việc chủ động tham gia, đóng góp tích cực tại ASEAN, Liên Hợp Quốc, các cơ chế APEC, G7, G20… và các cơ chế đa phương khác, qua Hội nghị, Việt Nam đã thể hiện rõ tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Chuyến công tác của Thủ tướng cũng đề cao tinh thần hợp tác và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
B.N