Mới đây, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 6082/VPCP-NN gửi tới các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu.
Tại Thông báo vừa nêu, Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với Cơ chế CBAM, bao gồm việc xây dựng và triển khai Đề án ứng phó với Cơ chế СВАМ.
Chính phủ giao Bộ Công Thương là đầu mối xây dựng và triển khai Đề an ứng phó cơ chế CBAM
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các Bộ ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ thuộc nhóm giải pháp về đàm phán, hợp tác quốc tế. Thông báo cũng nhấn mạnh việc tiếp tục chủ động, tích cực đối thoại với EU, Vương quốc Anh trong khuôn khổ WTO, EVFTA, UKVFTA... để làm rõ sự phù hợp của CBAM với các cam kết quốc tế.
Bên cạnh đó, nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi áp dụng của CBAM, đặc biệt là các sản phẩm nông lâm nghiệp; nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ, miễn trừ phù hợp cho Việt Nam; tiếp tục theo dõi các diễn biến tại các nước đối tác như Hoa Kỳ, Canada về việc áp dụng CBAM. Nghiên cứu, đàm phán, gia nhập các diễn đàn, khuôn khổ quốc tế song phương và đa phương để tăng cường khả năng hợp tác và công nhận của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, quy định của Việt Nam liên quan đến giá carbon.
Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu kinh nghiệm về giải pháp ứng phó của các nước cùng chịu tác động của CBAM, như: Indonesia, Nam Phi, Colombia… Tăng cường tham vấn, phối hợp lập trường với các nước đang và sẽ chịu tác động của CBAM tại các khuôn khổ song phương và đa phương như WTO, ASEAN...
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động thuộc nhóm giải pháp vệ phổ biến, tuyên truyền, chẳng hạn tổ chức các khóa tập huấn cho các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp... về CBAM. Bao gồm thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo đúng yêu cầu của cơ chế này. Việc bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để triển khai các hoạt động này thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Hiệp hội ngành hàng triển khai các hoạt động thuộc nhóm giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp để thích ứng với các yêu cầu của CBAM. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các Bộ ngành liên quan đánh giá, thẩm định các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài liên quan đến CBAM.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (The EU's Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM) sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Theo đó, thép, nhôm, xi măng, phân bón là 4 ngành hàng của Việt Nam được dự báo sẽ chịu nhiều tác động khi EU áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) vào ngày 1/1/2026, trong đó, thép là ngành chịu tác động nhiều nhất. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang EU đạt khoảng 580 triệu USD. Những ngành hàng kể trên đang đứng trước thách thức khi buộc phải thực hiện “chuyển đổi xanh” hoặc sẽ phải chịu một mức thuế carbon theo quy định của CBAM khi xuất khẩu vào EU. |
Theo Thông báo số 6082/VPCP-NN, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu việc xây dựng, áp dụng các chính sách liên quan đến giá carbon phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tương thích với các chính sách liên quan đến giá carbon trên thế giới, để áp dụng vào thời điểm thích hợp, bao gồm: Việc xây dựng, phát triển và vận hành thị trường carbon trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mua bù tín chỉ carbon để được miễn, giảm chi phí mua chứng chỉ CBAM khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ ngành triển khai các giải pháp tín dụng xanh, trong đó có tín dụng cho các dự án đáp ứng yêu cầu của CBAM thuộc Danh mục phân loại xanh.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan nghiên cứu phương án sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, EVFTA, UKVFTA nhằm giảm thiểu các tác động của CBAM đối với Việt Nam và đánh giá các mặt mạnh, yếu của Việt Nam về pháp lý.
Việc xây dựng Đề án ứng phó với cơ chế CBAM được cho là kịp thời và kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam tham gia sâu và bền vững vào chuỗi cung ứng hàng hóa với châu Âu trong bối cảnh các yêu cầu thương mại ngày càng thắt chặt./.
T.H