Xã Hưng Khánh được xác định là trung tâm phát triển phía Tây của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, trở thành trung tâm kinh tế - xã hội và là động lực phát triển cho cả một vùng rộng lớn gồm các xã: Hưng Thịnh, Lương Thịnh, Hồng Ca… Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của huyện Trấn Yên, với lợi thế có Cụm công nghiệp Hưng Khánh, kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng xã Hưng Khánh có sự phát triển mạnh mẽ và đúng hướng. Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã tạo nên diện mạo mới cho xã, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao…
Đồng chí Trần Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh
Nỗ lực bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội
Nhận thức được những khó khăn do hạn chế về trình độ quản lý kinh tế; điểm xuất phát của nền kinh tế của địa phương còn thấp; suy giảm kinh tế trong nước; ảnh hưởng về thời tiết, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến khó lường đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của Nhân dân... Xã Hưng Khánh đã tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn mới”, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các phong trào ở địa phương. Nhờ đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững; cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền; đoàn kết cùng nhau ra sức thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị hằng năm do Ban chấp hành Đảng bộ xã đề ra.
Mô hình sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính
Năm 2023, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi của địa phương có bước chuyển đổi về cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống có giá trị kinh tế cao. Tổng sản lượng lương thực có hạt 1.909 tấn, đạt 115,5% KH. Tổng diện tích cây chè 117,4 ha; Diện tích chè chuyên canh 87,4 ha; sản lượng 800 tấn; Trồng mới 30 ha chè chất lượng cao. Diện tích cây ăn quả có múi 99,1 ha (Trong đó, diện tích chuyên canh 80 ha, sản lượng quả đạt 539,5 tấn; Diện tích trồng mới và cải tạo 3 ha). Lĩnh vực chăn nuôi: Tổng đàn gia súc chính 2.727 con (Trong đó, đàn trâu 171 con; đàn bò 226 con; đàn lợn 2.330 con; đàn gia cầm 56.970 con). Sản lượng thịt hơi xuất chuồng 391,8 tấn (Trong đó, gia súc chính 271,9 tấn; Gia cầm 119,8 tấn).
Lĩnh vực trồng rừng và bảo vệ rừng: Trồng rừng sản xuất 180,6 ha; Trong đó, trồng rừng tập trung 107,6 ha (quế 43,6 ha, cây nguyên liệu giấy 15 ha, tre bát độ 49 ha). Trồng rừng phân tán 73 ha (quế 67 ha, cây nguyên liệu 5 ha, tre bát độ 1 ha). Giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên, sản xuất 18,4 ha. Trồng mới và khai thác: Diện tích tre bát độ 343,7 ha; Diện tích chăm sóc 293,7 ha, sản lượng măng thương phẩm 1.000 tấn; Diện tích trồng mới 50 ha.
Mô hình nuôi lợn mán đem lại hiệu quả kinh tế cao
Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ có nhiều khởi sắc: Trên địa bà xã Hưng Khánh có 5 doanh nghiệp (trong đó, 2 doanh nghiệp xăng dầu, 2 doanh nghiệp chế biến chè, 01 doanh nghiệp vận tải); 3 công ty TNHH (01 công ty chế biến chè, 01 công ty xăng dầu, 01 công ty chế biến măng); 14 xưởng chế biến gỗ, 3 cơ sở sản xuất gạch bê tông. Số hộ sản xuất công nghiệp, buôn bán, kinh doanh 209 hộ. Đặc biệt, thành lập mới: 03 HTX (01 HTX dịch vụ tổng hợp, 01 HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp, 01 HTX quế) đạt 300 % KH; Thành lập mới 1 doanh nghiệp (Công ty TNHH Thịnh Len).
Lĩnh vực văn hoá - xã hội từng bước phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân được cải thiện. Năm 2023, thu nhập đạt 47,2 triệu đồng/người/năm; Giảm hộ nghèo từ 35 hộ xuống còn 26 hộ, chiếm 0,46%. Hộ cận nghèo giảm từ 44 hộ xuống còn 30 hộ, chiếm 1,7%. Duy trì xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở mức độ 3; duy trì 4 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I; duy trì trường tiểu học đạt chuẩn mức độ II. Duy trì xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97,5%. Số thôn bản đạt tiêu chuẩn văn hóa 11/11 thôn, đạt 100%; số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa 1.746/1.718 hộ, tỷ lệ hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa đạt 96%. Tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quân sự, quốc phòng địa phương được củng cố tăng cường.
Mô hình trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân
Thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Năm 2017, Hưng Khánh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Không dừng lại ở đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Xã đã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực để củng cố, nâng cao chất lượng và hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao. Đồng thời, duy trì 5 thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Tập trung xây dựng 3 thôn thực hiện các tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu (Khe Ngang, Ngọn Đồng, Đát Quang), trong đó có 2 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu và được công nhận trong năm 2023 (thôn Khe Ngang và Đát Quang). Phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được Nhân dân Xã hưởng ứng tích cực, nhất là việc làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, tu sửa, xây dựng nhà văn hóa, cổng làng văn hoá được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng và cơ sở hạ tầng như trường học, trạm y tế xã, nhà làm việc của công an xã, các thiết chế văn hóa... được quan tâm đầu tư xây dựng. Năm 2023, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, xã Hưng Khánh được UBND tỉnh Yên Bái công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Lễ công bố xã Hưng Khánh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023
Ông Trần Văn Tam, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết: Thời gian tới, UBND xã tiếp tục lãnh đạo Nhân dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới"; thường xuyên củng cố, duy trì và phát huy các tiêu chí làng văn hóa, cơ quan văn hóa và các tiêu chí chuẩn quốc gia trong trường học, trạm y tế và tiêu chí về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận chuyên môn thuộc UBND xã. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai không xa./.
Trọng nghĩa