Tóm tắt
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu “Phát triển bền vững lấy con người làm trọng tâm” trên cơ sở khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững...
Chính vì vậy, việc nghiên cứu Xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển con người để tạo cơ sở cho việc thu thập, tổng hợp thông tin thống kê phản ánh toàn diện về phát triển con người, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững là một giải pháp cần thiết và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Đề tài “Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển con người ở Việt Nam: Giải pháp hướng tới sự phát triển bền vững” sẽ đưa ra kết quả nghiên cứu, cũng như căn cứ quan trọng để cấp có thẩm quyền ban hành Hệ thống chỉ tiêu phát triển con người Việt Nam, tạo cơ sở quan trọng đối với việc lập, quản lý và đánh giá thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển của đất nước.
Từ khóa: Phát triển con người, hệ thống chỉ tiêu thống kê, phát triển bền vững.
Giới thiệu
Con người là tài sản quý giá nhất của một quốc gia. Mục tiêu cơ bản của phát triển là tạo ra một môi trường thuận lợi cho con người được hưởng cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa hơn. Điều này có vẻ đơn giản nhưng nó thường bị lãng quên trong mối quan tâm trước mắt là các lợi ích kinh tế.
Tuy nhiên, đến nay nhiều quốc gia nhận ra rằng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cao không thể giảm bớt tình trạng kém phát triển cho một bộ phận đáng kể dân số đất nước họ. Ngay cả các quốc gia phát triển cũng nhận ra rằng thu nhập cao không đồng nghĩa với việc giúp họ miễn nhiễm khỏi các vấn đề xã hội như: Tình trạng bạo lực, giảm sút niềm tin và sự rạn nứt các mối quan hệ gia đình truyền thống. Trong khi đó, một số quốc gia có thu nhập thấp đã chứng minh họ có thể đạt được mức độ phát triển con người cao nếu biết cách tận dụng các nguồn lực sẵn có để mở rộng năng lực cơ bản của con người. Phát triển con người chính vì thế trở thành mục tiêu được ưu tiên hàng đầu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Riêng ở Việt Nam, phát triển con người luôn được coi là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu rất quan trọng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định mục tiêu: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Để đạt được mục tiêu trên, cần có các chỉ tiêu thống kê phù hợp để đo lường và đánh giá sự phát triển của con người. Mặc dù trên thế giới và ở Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu về giải pháp đo lường phát triển con người. Nhưng nhìn chung các nghiên cứu mới cung cấp các chỉ tiêu thống kê đơn lẻ, chưa mang tính hệ thống. Điều này gây khó khăn cho việc theo dõi và đánh giá thực trạng phát triển con người của quốc gia.
Nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển con người (sau đây viết tắt là: Hệ thống chỉ tiêu PTCN) là một giải pháp phù hợp cung cấp một công cụ hiệu quả để đo lường phát triển con người, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định đúng đắn, góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Hệ thống chỉ tiêu này sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện và cụ thể hơn về tình trạng phát triển con người ở Việt Nam.
Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
Quan điểm và khái niệm về phát triển con người
Quan điểm về phát triển con người có lịch sử khá dài và mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ khác nhau, các quan điểm đó đều được bổ sung và hoàn thiện. Nhưng điểm cốt lõi chung vẫn là con người là của cải của một quốc gia, sự phát triển của quốc gia là để phục vụ cho sự phát triển của con người. Việc đánh giá mức độ phát triển của một quốc gia, một cộng đồng không chỉ dựa vào quy mô nền kinh tế hay tốc độ tăng trưởng GDP mà là khả năng tạo ra môi trường thuận lợi để con người được hưởng cuộc sống độc lập, tự do và hạnh phúc.
Phát triển con người được định nghĩa là "sự phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi để con người phát huy hết tiềm năng làm gia tăng các giá trị về tinh thần, đạo đức, tâm hồn, trí tuệ, thể chất và sức khỏe để con người có được cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc phù hợp với nhu cầu và lợi ích của mình nhưng cũng hài hòa với môi trường sống tự nhiên”.
Các tiêu chí phản ánh phát triển con người
Tiêu chí phản ánh phát triển con người là tập hợp các quy tắc hoặc tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường sự phát triển con người theo các chiều cạnh khác nhau.
Đối với một cá nhân, các tiêu chí cơ bản thường dùng để đánh giá năng lực phát triển gồm: Đạo đức, học vấn, sức khỏe, thu nhập, địa vị xã hội, sự an toàn và những đóng góp của họ cho cộng đồng, xã hội, môi trường.
Đối với một cộng đồng, một quốc gia, các tiêu chí đánh giá phát triển con người về cơ bản không thay đổi, chỉ khác là cùng một tiêu chí, người ta sử dụng nhiều chỉ số khác nhau để đánh giá. Ngoài ra, các tiêu chí đánh giá trên phạm vi quốc gia mang tầm khái quát hơn, bao gồm: Văn hóa, giáo dục, y tế, kinh tế, các vấn đề về an ninh, an toàn, các chính sách đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, các chính sách bảo vệ môi trường sinh thái.
Phương pháp nghiên cứu
Đề tài áp dụng phương pháp tổng quan tài liệu và phân tích tổng hợp để thực hiện rà soát đánh giá thực trạng về các chỉ tiêu thống kê liên quan đến phát triển con người hiện tại. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp để xây dựng một hệ thống đầy đủ và toàn diện hơn.
Sau khi xây dựng hệ thống chỉ tiêu, đề tài cũng sử dụng phương pháp thực nghiệm để tính toán một số chỉ tiêu đề xuất làm cơ sở đánh giá tính thực tiễn và khả thi của hệ thống.
Rà soát các chỉ tiêu thống kê hiện tại về phát triển con người
Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp phân tích để đánh giá các hệ thống chỉ tiêu thống kê đã được ban hành ở Việt Nam để xác định các chỉ tiêu thống kê có thể được sử dụng để phản ánh thực trạng phát triển con người.
Kết quả phân tích cho thấy, các chỉ tiêu thống kê liên quan đến phát triển con người của Việt Nam khá phong phú và đa dạng, được quy định ở nhiều hệ thống chỉ tiêu thống kê ban hành kèm theo các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Thống kê, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thống kê, Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ và các Thông tư của Bộ, ngành.
Tuy nhiên, đến nay, các chỉ tiêu phản ánh thực trạng phát triển con người còn nằm rải rác trong các hệ thống chỉ tiêu thống kê khác nhau. Và hiện vẫn chưa có hệ thống để kết nối các chỉ tiêu với nhau tạo nên bức tranh toàn diện và đầy đủ về các khía cạnh phát triển con người ở Việt Nam.
Đề xuất xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển con người
Sau khi nghiên cứu, phân tích, đề tài đề xuất danh mục chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển con người của Việt Nam gồm 06 nhóm với 40 chỉ tiêu.
Nhóm 01. Sức khỏe: 06 chỉ tiêu;
Nhóm 02. Tri thức: 08 chỉ tiêu;
Nhóm 03. Việc làm và tiếp cận nguồn lực: 06 chỉ tiêu;
Nhóm 04. Môi trường: 08 chỉ tiêu;
Nhóm 05. Văn hóa, thể thao: 06 chỉ tiêu;
Nhóm 06. Tổng hợp: 06 chỉ tiêu;
Thử nghiệm tính toán và phân tích kết quả
Nghiên cứu đã chọn ra 3 chỉ tiêu để tính thử nghiệm nhằm đánh giá tính thực tiễn và khả thi của hệ thống. Các chỉ tiêu được lựa chọn tính thử nghiệm gồm:
Chỉ số phát triển con người điều chỉnh theo bất bình đẳng; Chỉ số bất bình đẳng giới; Chỉ số phát triển giới.
* Thử nghiệm tính Chỉ số phát triển con người điều chỉnh theo bất bình đẳng (IHDI)
X1 đến Xn là thành tựu đạt được trong lĩnh vực sức khỏe, giáo dục và thu nhập của 63 tỉnh được tính thông qua các chỉ tiêu: Tuổi thọ trung bình từ lúc sinh; số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng và thu nhập quốc dân khả dụng (GNI) bình quân đầu người).
Kết quả tính chỉ số phát triển con người và chỉ số phát triển con người điều chỉnh theo bất bình đẳng từ năm 2019 đến năm 2023 của Việt Nam được trình bày ở Bảng 1.
Bảng 1: Chỉ số phát triển con người và Chỉ số phát triển con người điều chỉnh
theo bất bình đẳng, giai đoạn 2019-2023
Kết quả tính Chỉ số phát triển con người Việt Nam từ năm 2019 đến năm 2023 cho thấy tồn tại sự bất bình đẳng trong phát triển con người giữa các tỉnh trong toàn quốc. Tuy nhiên, chỉ số phát triển con người sau khi điều chỉnh bất bình đẳng tương đương khoảng 90% chỉ số ban đầu, thể hiện sự bất bình đẳng giữa các tỉnh, thành phố không quá lớn. Ngoài ra, sau 5 năm, khoảng cách bất bình đẳng này đang dần được rút ngắn.
* Thử nghiệm tính Chỉ số bất bình đẳng giới (GII)
GII nhận giá trị trong khoảng từ 0 đến 1 (0 ≤ GII ≤ 1). GII bằng 1, thể hiện xã hội không có sự bình đẳng giới. GII bằng 0 thể hiện trình độ phát triển con người bình đẳng giới ở mức lý tưởng.
Dựa vào phần lý thuyết đã được trình bày và tổng hợp số liệu tại Bảng 2, đề tài đã tính toán thử nghiệm chỉ tiêu này ở cấp toàn quốc cho năm 2009 và 2019.
Bảng 2: Các chỉ tiêu để tính toán chỉ số bất bình đẳng giới (GII)
Kết quả tính toán cho thấy, chỉ số bất bình đẳng giới GII năm 2009 và năm 2019 tương ứng là 0,298 và 0,308. Chỉ số bất bình đẳng giới gần ở mức 0, chứng tỏ vị thế và vai trò của phụ nữ Việt Nam đã được khẳng định. Tuy nhiên, chỉ số này năm 2019 cao hơn đôi chút so với năm 2009, cho thấy rào cản định kiến và bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, đặt ra nhiều thách thức trong việc thực hiện Chiến lược bình đẳng giới ở quốc gia này.
* Thử nghiệm tính Chỉ số phát triển giới (GDI)
Chỉ số phát triển giới (GDI) cung cấp thông tin chi tiết về sự chênh lệch về phát triển con người theo giới tính. Giá trị của GDI càng lớn thì sự chênh lệch giới tính trong phát triển con người càng thấp.
Dựa vào phần lý thuyết đã được trình bày, đề tài đã nghiên cứu tính toán thử nghiệm chỉ tiêu GDI cho năm 2023, trên phạm vi toàn quốc (xem Bảng 3).
Bảng 3: Các chỉ tiêu và nguồn số liệu tính thử nghiệm chỉ tiêu phát triển giới (GDI), năm 2023
Việc tính chỉ số phát triển giới của toàn quốc cho ra kết quả GDI năm 2023 là 0,9639. Đây là chỉ số phát triển khá cao, thể hiện thành công của Việt Nam trong nỗ lực xóa bỏ khoảng cách giới trong nhiều năm qua.
Tóm lại, kết quả tính thử nghiệm cho thấy, các chỉ tiêu được đề xuất đều mang tính khả thi. Các chỉ tiêu này cùng với chỉ tiêu HDI sẽ phản ánh toàn diện hơn, đa sắc màu hơn về bức tranh phát triển con người ở Việt Nam.
Đánh giá tính khả thi và hiệu quả của chỉ tiêu đề xuất
Sau khi tính thử nghiệm, đề tài tiến hành đánh giá tính hiệu quả và tính khả thi của các chỉ tiêu đã đề xuất trong hệ thống (đặc biệt là các chỉ tiêu tổng hợp được chọn để tính thử nghiệm). Đề tài cũng đánh giá những hạn chế trong quá trình tính toán các chỉ tiêu này và đề xuất những giải pháp để nâng cao chất lượng số liệu khi các chỉ tiêu được hoàn thiện và triển khai áp dụng trong thực tiễn.
Kết luận
Tóm lại, đo lường thực trạng phát triển con người là nhu cầu thiết yếu để theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu đã xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển con người về cơ bản đã góp phần đáp ứng nhu cầu trên. Nghiên cứu này sẽ làm cơ sở tiền đề để cung cấp căn cứ trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển con người Việt Nam, tạo cơ sở để thiết lập những bằng chứng quan trọng có hệ thống nhằm phục vụ công tác quản lý và điều hành hướng tới sự phát triển bền vững./.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai
Phó Vụ trưởng - Vụ Thống kê Dân số và Lao động - TCTK
Tài liệu tham khảo
-
Báo cáo Quốc gia năm 2001 và năm 2006 về Phát triển con người Việt Nam do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với một cơ quan biên soạn.
-
Báo cáo “Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020” do Tổng cục Thống kê chủ trì thực hiện.
-
Đề tài “Xây dựng, phát triển con người Việt Nam - chủ thể của quá trình phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới” do PGS, TS Vũ Thị Phương Hậu làm Chủ nhiệm.
-
UNDP: Human Development Report 1990, https://hdr.undp.org/system/files/documents/ hdr1990encompletenostatspdf.pdf
-
UNDP: Human Development Report 2015, https://hdr.undp.org/system/files/documents/hdr15standaloneoverviewenpdf.pdf.
-
UNDP: Human Development Report 2019, https://hdr.undp.org/system/files/documents/hdr2019pdf. pdf.
-
UNDP: Human Development Report 2020, https://www.undp.org/turkiye/publications/2020-human- development-report.
-
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024), Thông tư số 18/2024/TT-BGDĐT ngày 18/3/2024 ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục.
-
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Thông tư số 06/2023/TT-BKHĐT ngày 02/10/2023 quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành thống kê.
-
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2018), Thông tư số 06/2018/TT-BKHĐT ngày 11/12/2018 ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ASEAN.
-
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Thông tư số 10/2019/TT-BKHĐT ngày 30/7/2019 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia.
-
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019 quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam.
-
Bộ Khoa học và Công nghệ (2018), Thông tư số 03/2018/TT-BKHCN ngày 15/5/2018 ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ và phân công thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học và công nghệ.
-
Bộ Nội vụ (2018), Thông tư số 11/2018/TT-BNV ngày 14/9/2018 ban hành bộ chỉ tiêu thống kê về thanh niên Việt Nam.
-
Bộ Y tế (2019), Thông tư số 20/2019/TT-BYT ngày 31/7/2019 quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê cơ bản ngành Y tế.
-
Bộ Y tế (2019), Thông tư số 37/2019/TT-BYT ngày 30/12/2019 quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Y tế.
-
Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023), Thông tư số 22/2023/TT-BTNMT ngày 15/12/2023 quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê và chế độ báo cáo ngành tài nguyên và môi trường.
-
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2021), Thông tư số 11/2021/TT-BVHTTDL ngày 06/10/2021 quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
-
Chính phủ (2022), Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phầm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
-
Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.