Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp là một trong ba cuộc Tổng điều tra thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê, được thực hiện theo chu kỳ 10 năm/lần vào các năm có số lẻ là 5. Đây là cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp lần thứ 6 được tổ chức tại Việt Nam và sẽ được tiến hành trên phạm vi cả nước vào ngày 01/7/2025. Để chuẩn bị triển khai TĐT, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã xây dựng hệ thống tổ chức thực hiện TĐT trên phạm vi cả nước.
Thành lập Ban Chỉ đạo các cấp
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập BCĐ cấp tỉnh. Mỗi BCĐ cấp tỉnh khoảng 10 thành viên do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm Trưởng ban; Cục trưởng hoặc Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố làm Phó trưởng ban thường trực và Lãnh đạo các Sở, ngành có liên quan làm ủy viên. Tổng số thành viên BCĐ cấp tỉnh hiện nay là 675 người.
Có 511/610 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đã thành lập BCĐ cấp huyện. Mỗi BCĐ cấp huyện do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch cấp huyện làm Trưởng ban; Chi cục trưởng hoặc Phó Chi Cục trưởng Chi Cục thống kê cấp huyện/Chi Cục Thống kê khu vực làm Phó Trưởng ban thường trực và Lãnh đạo các phòng, ban, ngành có liên quan làm ủy viên. Tổng số thành viên BCĐ cấp huyện hiện nay là 4131 người.
Có 5600/8121 phường, xã, thị trấn đã thành lập BCĐ cấp xã. Mỗi BCĐ cấp xã do Chủ tịch hoặc một Phó Chủ tịch cấp xã làm Trưởng ban; công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã làm ủy viên thường trực; công chức các cơ quan liên quan làm ủy viên.

Hội nghị toàn quốc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ
Nguyễn Hòa Bình chủ trì
BCĐ trung ương quy định chỉ thành lập BCĐ đối với quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh, các phường và thị trấn có tỷ lệ hộ tham gia hoạt động nông, lâm, thủy sản chiếm trên 30% tổng số hộ dân cư.
Đối với quận, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh, phường và thị trấn không thành lập Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND cùng cấp trực tiếp chỉ đạo; Lãnh đạo Chi cục Thống kê cấp huyện, công chức Văn phòng - Thống kê xã, phường, thị trấn làm nhiệm vụ thường trực.
Thành lập Tổ thường trực các cấp
Có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Tổ thường trực giúp việc cho BCĐ cấp tỉnh. Tổng số thành viên Tổ thường trực cấp tỉnh là 1130 người. Có 484/610 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đã thành lập Tổ thường trực giúp việc cho BCĐ cấp huyện. Tổng số thành viên Tổ thường trực cấp huyện là 4338 người.
Xác định nội dung Tổng điều tra
TCTK xác định nội dung TĐTNN 2025 dựa trên nhu cầu thông tin đáp ứng các yêu cầu hệ thống thông tin về:
- Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia: Đáp ứng các chỉ tiêu thống kê quốc gia theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12/11/2021;
- Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam theo Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thu thập các thông tin để tính chỉ tiêu SDG tổng hợp có mã số 2.4.1 - Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả.
- Ngoài ra, thu thập các thông tin mới đáp ứng bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh (Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT ngày 01/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư); hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số (Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư); các thông tin đánh giá về nông thôn và cư dân nông thôn.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành và tổ chức trong nước và quốc tế, TCTK đã rà soát, hoàn thiện các nội dung cơ bản cần thu thập trong TĐTNN 2025. Theo đó, 271 chỉ tiêu thống kê đầu ra của TĐTNN 2025 sẽ được tính toán phục vụ biên soạn các kết quả của TĐTNN 2025./.
PV