

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, nhằm nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Đồng thời, phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng; bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế; nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
Cụ thể hóa Nghị quyết 20, ngày 27/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 201 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu là xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y tế quốc gia phù hợp với yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính kế thừa, tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
 |
Quy hoạch đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 33 giường bệnh trên 10.000 dân, 15 bác sĩ trên 10.000 dân, 3,4 dược sĩ trên 10.000 dân và 25 điều dưỡng trên 10.000 dân; đến năm 2030 đạt 35 giường bệnh trên 10.000 dân, 19 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,0 dược sĩ trên 10.000 dân, 33 điều dưỡng trên 10.000 dân, tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15% tổng số giường bệnh. Đến năm 2050 phấn đấu đạt 45 giường bệnh trên 10.000 dân, 35 bác sĩ trên 10.000 dân, 4,5 dược sĩ trên 10.000 dân, 90 điều dưỡng trên 10.000 dân; tỉ lệ giường bệnh tư nhân đạt 25% tổng số giường bệnh.
Với kim chỉ nam là các chủ trương lớn cùng sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao hơn về chăm sóc y tế, khám chữa bệnh cho người dân. Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được củng cố và phát triển. Theo số liệu báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2025 của Bộ Y tế diễn ra vào tháng 12/2024, tính đến tháng 10/2024, cả nước có 1.645 bệnh viện (trong đó có 384 bệnh viện ngoài công lập), đã khám cho hơn 170 triệu lượt ngoại trú và điều trị nội trú cho hơn 17 triệu lượt người. Điều đáng nói là mạng lưới bệnh viện vệ tinh, khám chữa bệnh từ xa được mở rộng và phát triển; tăng cường đổi mới đào tạo nguồn nhân lực y tế; xây dựng và thực hiện các chuẩn năng lực đào tạo, quy định về đào tạo chuyên khoa đặc thù. Bên cạnh đó, hệ thống khám chữa bệnh triển khai áp dụng thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là ghép tạng, ghép đa tạng trên một người bệnh, can thiệp tim bào thai… và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số y tế.
Năm 2024 vừa qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, các vấn đề an ninh phi truyền thống tác động các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế. Song với những nỗ lực, phấn đấu không ngừng nỗ lực, ngành Y tế đã đạt và vượt toàn bộ 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao. Cụ thể, số bác sĩ trên 10.000 dân ước đạt 14, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 13,5; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34, trong khi chỉ tiêu là 32,5; tỉ lệ tham gia BHYT đạt 94,1%, bằng chỉ tiêu Quốc hội giao là 94,1%. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đạt và vượt 8/9 chỉ tiêu cụ thể được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01-NQ/CP năm 2024.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn mang tính toàn cầu và những thách thức trong nội tại hệ thống y tế, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ để bảo đảm mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới.
Trên bình diện toàn cầu, thách thức đó là sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và kỳ vọng về chất lượng dịch vụ y tế; tình trạng già hóa dân số; mối đe dọa ngày càng tăng của các bệnh dịch mới nổi và các tác nhân gây bệnh mới; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa; xu hướng chi phí y tế ngày càng tăng cao. Đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 đã qua đi nhưng những tác động tiêu cực để lại là rất lớn, khiến nhu cầu chăm sóc sức khoẻ gia tăng mạnh sau thời gian bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, trong khi nguồn cung hàng hóa phục vụ chăm sóc sức khoẻ trở nên khan hiếm hơn và có chi phí cao hơn do sự đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như các chính sách bảo hộ thương mại.
Cùng với đó là những thách thức nội tại, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả vận hành của hệ thống y tế. Đó là hệ thống cung ứng dịch vụ đang có sự phân mảnh và thiếu cân bằng; công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu và chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu bộc lộ rõ sự bất tương xứng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả sử dụng nguồn lực cho chăm sóc sức khoẻ. Hiện mạng lưới y tế cơ sở đã có độ bao phủ rộng nhưng chưa đủ khả năng chăm sóc sức khoẻ ban đầu hiệu quả theo mô hình mới (đảm bảo chăm sóc sức khoẻ lồng ghép, toàn diện theo suốt vòng đời); khả năng tiếp cận các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật của người dân ở một số khu vực còn hạn chế.
Trong khi đó, những thay đổi về dân số học (suy giảm tổng tỷ suất sinh, già hóa)… sẽ tạo ra gánh nặng chi phí chăm sóc sức khoẻ trong tương lai không xa. Ngoài ra là các vấn đề như: Hệ thống y tế và các chính sách liên ngành chưa theo kịp những thay đổi với tốc độ nhanh và phức tạp về nhân khẩu học, tốc độ già hóa được đánh giá nhanh hơn tốc độ cải thiện hệ thống chăm sóc sức khoẻ và an sinh xã hội cho người già. Hệ thống tài chính y tế chuyển đổi chưa thực hiện thật sự hiệu quả, bao gồm huy động nguồn lực (tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người thấp), phân bổ nguồn lực (đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở chưa bảo đảm) và sử dụng nguồn lực (phương thức chi trả chậm đổi mới).
Hơn nữa, chất lượng nhân lực y tế chưa đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế. Các chính sách phát triển nhân lực y tế phần nhiều mang tính ngắn hạn; các chính sách dài hạn mang tính hệ thống còn hạn chế. Công tác quản trị ngành Y tế ngày càng phức tạp, do hệ thống y tế có quy mô ngày càng lớn, cấu trúc phức tạp và tương đối thiếu linh hoạt…
Song đan xen cùng các thách thức trên là những cơ hội để phát triển một cách hiệu quả và bền vững hệ thống ngành Y tế. Đó là, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn coi công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những ưu tiên hàng đầu. Quy mô nền kinh tế đang mở rộng với tốc độ tương đối nhanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc gia tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế. Đồng thời, người dân có nhận thức tốt hơn về vai trò của sức khỏe và ý nghĩa thiết thực của các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Năm 2025, Bộ Y tế phấn đấu tiếp tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao. Trong đó, phấn đấu tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95%; đạt 15 bác sĩ/10.000 dân; đạt 34,5 giường bệnh/10.000 dân; tỷ số giới tính khi sinh đạt 111 bé trai/100 bé gái; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi đạt dưới 11,3 ca/1.000 trẻ sinh sống; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 18 ca/1.000 trẻ sinh sống; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 17%; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt trên 90%; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.
Để đạt được kết quả trên trong giai đoạn phát triển mới, hệ thống Y tế cần nhận diện, tận dụng tốt những cơ hội và giải quyết hiệu quả những thách thức của môi trường bên ngoài cũng như bên trong mà hệ thống y tế đang đối mặt. Điều đó sẽ giúp ngành Y tế thực hiện tốt đồng thời cả 3 vai trò: là trụ cột vững chắc về an sinh xã hội và phát triển con người; là lá chắn tin cậy đảm bảo an ninh y tế và là ngành dịch vụ đặc biệt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Với hành trình 70 năm hình thành và phát triển (27/2/1955 - 27/2/2025) cùng những thành tựu đạt được, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần nâng cao y đức trong cán bộ y tế. Mỗi thầy thuốc, bác sĩ, cán bộ công nhân viên ngành y tế ngoài làm thật tốt chuyên môn, cần nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ tính mạng, sức khỏe bệnh nhân; đối xử công bằng, không phân biệt “nhân thân” người bệnh; tôn trọng quyền và nhân phẩm của bệnh nhân; trung thực, khách quan trong thực hành công việc; luôn học tập nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn; thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, để thực sự là “mẹ hiền” trong con mắt bệnh nhân và gia đình người bệnh.

Cùng với đó, ngành Y tế cần nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cho trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; bảo đảm y tế cơ sở có đủ bác sĩ và nhân viên y tế có trình độ, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa; không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ y tế để thu hút người dân khám chữa bệnh tại địa phương thay vì đổ dồn lên bệnh viện tuyến trên. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả của các chương trình tiêm chủng và y tế dự phòng, mở rộng độ bao phủ của chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tất cả trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh nhiệm vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân, ngành cần nâng cao các biện pháp phòng bệnh, các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu để hạn chế bệnh tật.
Thực hiện các biện pháp giảm tải bệnh viện tuyến trên và phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến Trung ương cho bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; đầu tư phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu tại các địa phương để giảm áp lực cho bệnh viện lớn. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong khám chữa bệnh, giúp bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận bác sĩ chuyên khoa; xây dựng hệ thống tư vấn sức khỏe trực tuyến để hỗ trợ chẩn đoán ban đầu; mở rộng các hình thức hợp tác công - tư và mở rộng không gian cho tư nhân tham gia đầu tư xây dựng cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm điều dưỡng... khuyến khích phát triển các bệnh viện, dịch vụ y tế ngoài khu vực nhà nước.
Đồng thời chú trọng thúc đẩy nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức y tế quốc tế để đào tạo bác sĩ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến; tạo điều kiện để bác sĩ tham gia hội nghị khoa học, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia nước ngoài để không ngừng nâng cao trình độ, kinh nghiệm.
Ngành cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế để hỗ trợ người yếu thế, bảo đảm các nhóm yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có bảo hiểm y tế toàn diện; đồng thời cải thiện danh mục chi trả bảo hiểm y tế để giảm bớt gánh nặng tài chính cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ngành xây dựng chiến lược tổng thể chăm sóc sức khỏe con người, sức khỏe cộng đồng. Ngành y tế cần sớm hoàn thiện các quy định về quản lý dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe; phòng, chống dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng; quản lý thuốc, sinh phẩm và thiết bị y tế; bảo hiểm y tế và an sinh xã hội; quyền và nghĩa vụ của người bệnh và nhân viên y tế...
Nhằm bắt nhịp cùng bước đi chung của thế giới, ngành Y tế Việt Nam cần tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quản lý và khám chữa bệnh, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý y tế; triển khai bệnh án điện tử, đồng bộ dữ liệu sức khỏe giữa các bệnh viện và cơ sở y tế; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) trong chẩn đoán, điều trị bệnh và phân tích xu hướng dịch bệnh, đồng thời đầu tư phát triển các phần mềm hỗ trợ bác sĩ trong việc ra quyết định điều trị, tăng độ chính xác trong chẩn đoán bệnh; tăng cường ứng dụng AI trong chẩn đoán thông minh; ghép tạng; phát triển công nghệ tế bào gốc; kỹ thuật Gen trị liệu; phẫu thuật Robot; công nghệ in 3D nhằm cá nhân hóa thiết bị y tế cho y học cá thể hóa...
Để tăng cường năng lực kiểm soát và ứng phó với dịch bệnh, trong chữa trị bệnh là một phần quan trọng trong chiến lược y tế toàn cầu, ngành Y tế cần tập trung vào chia sẻ thông tin dữ liệu dịch tế; hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghiệp y tế; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, hợp tác trong sản xuất, phân phối thuốc, vaccine…
Để đạt được mục tiêu xây dựng một nền y tế hiện đại, công bằng và hiệu quả, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần có sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế đóng vai trò nòng cốt; huy động tổng thể các nguồn lực, từ việc hoàn thiện chính sách, cải thiện hệ thống y tế cơ sở, thu hút và đãi ngộ nhân lực y tế, đến việc ứng dụng công nghệ số và đẩy mạnh y tế dự phòng.
Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, cùng với sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế, tin tưởng ngành y tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, thịnh vượng và phát triển./.
Bích Ngọc
|