Xây dựng nông thôn mới ở Đại Lai: Khi ý Đảng thuận lòng dân

08/11/2024 - 12:26 PM
 “Có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đi qua hơn thập kỷ vẫn còn “sức nóng” trên từng làng quê, từ đó ngày càng có thêm những miền quê NTM nâng cao, kiểu mẫu với không gian sống thân thiện, hài hòa, yên bình, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng lên. Mỗi nơi mỗi cách làm, xã Đại Lai, huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) trở thành một điểm sáng tiêu biểu khi ý Đảng thuận lòng dân đã biến thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi nguồn tiềm năng cho miền quê thuần nông trỗi dậy.

Đổi thay trên vùng đất thuần nông

Tháng Mười hai năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Lai vui mừng phấn khởi tổ chức lễ công bố quyết định xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Sau khi về đích NTM, Đại Lai được huyện Gia Bình chọn làm xã điểm xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, từ một xã thuần nông, chỉ chưa đầy 10 năm, xã Đại Lai đã "thay da đổi thịt" ngoạn mục, hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao.

Về Đại Lai những ngày này có thể dễ dàng nhận thấy bộ mặt NTM của Xã đã có nhiều khởi sắc. Những con đường đất lầy lội ngày nào, nay đã được thay thế bằng những con đường bê tông trải dài, sạch đẹp. Những ngôi nhà tranh vách đất đã nhường chỗ cho những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Trường học, trạm y tế được xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. 

 
Xây dựng nông thôn mới ở Đại Lai: Khi ý Đảng thuận lòng dân
Những con đường trải bê tông nhựa thênh thang ở Đại Lai
 
Hiện nay, cơ cấu kinh tế của xã Đại Lai đang chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Theo đó, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ của Xã đang phát triển khá mạnh. Hiện trên địa bàn Xã có 24 tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh; 700 hộ gia đình, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh dịch vụ, vận tải trên các lĩnh vực, doanh thu hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, thay đổi tỉ trọng nền kinh tế. Đối với ngành nông nghiệp, nông dân xã Đại Lai hướng đến việc đầu tư, sản xuất các sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao, thiết lập các vùng trồng chuyên canh để hướng tới sản phẩm xuất khẩu, như cà rốt, dưa các loại. 

Từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, hiện nay Xã đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Các hình thức kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác được khuyến khích phát triển để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Trên khắp các cánh đồng, bờ bãi, sắc xanh tràn ngập, nhiều mô hình kinh tế sáng tạo, hiệu quả dần hiện hữu như quy hoạch các khu chăn nuôi ngoài khu dân cư; quy hoạch vùng chuyên canh cây màu, đưa cây có giá trị kinh tế cao vào trồng thử nghiệm, hiệu quả. Ở Đại Lai đã xuất hiện các vùng trồng chuyên canh để hướng tới sản phẩm xuất khẩu, như cà rốt, dưa các loại, với diện tích đất tích tụ đầu tư lên đến 200ha cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

 
Xây dựng nông thôn mới ở Đại Lai: Khi ý Đảng thuận lòng dân 1
Mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đại Lai
(Ảnh: Báo Bắc Ninh)

 
Ngoài chú trọng tập trung phát triển kinh tế, Đại Lai còn đặc biệt quan tâm đến bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa. Xã đã triển khai hiệu quả kế hoạch phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình bằng công nghệ vi sinh IMO, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường "sáng - xanh - sạch - đẹp"; các di tích lịch sử, văn hóa được quan tâm, trùng tu, tôn tạo, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Điều dễ nhận thấy nhất khi tiếp xúc với người dân Đại Lai đó là sự thay đổi trong nhận thức và cách làm của người dân. Họ không còn trông chờ ỷ lại mà đã chủ động tham gia vào quá trình xây dựng NTM, từ việc hiến đất làm đường, đóng góp ngày công đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế.

Khi ý Đảng thuận lòng dân

Xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, là sự hòa hợp giữa “ý Đảng, lòng dân”, được đại bộ phận nhân dân ủng hộ. Chương trình xây dựng NTM ở Đại Lai lan tỏa mạnh mẽ không chỉ bởi cách làm hay, có nhiều sáng tạo của chính quyền cơ sở, mà còn vì nội hàm ý nghĩa lớn lao từ mục tiêu của Chương trình đã khơi dậy tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân. Có những câu chuyện thật đẹp về những gương điển hình trong xây dựng NTM, như việc người dân tự nguyện tháo dỡ công trình phụ, chặt cây hiến đất và ủng hộ kinh phí cho địa phương xây dựng hạ tầng. Nhờ vậy, đời sống văn hoá, tinh thần, thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt; môi trường sống sạch sẽ, thân thiện. Ngoài việc đóng góp “sức người, sức của” của người dân trên địa bàn, nhiều doanh nghiệp, người con quê hương thành đạt cũng tích cực hỗ trợ tài chính để các thôn, xóm bê tông hóa đường giao thông, xây dựng cổng an ninh trật tự, hệ thống thu gom, xử lý nước thải... Nhờ thế mà tình làng, nghĩa xóm thêm khăng khít, bền chặt trong những làng quê ngày càng hiện đại, văn minh.

 
Xây dựng nông thôn mới ở Đại Lai: Khi ý Đảng thuận lòng dân 2
Đoàn đại biểu tỉnh Phú Thọ về thăm quan, học tập kinh nghiệm mô hình xây dựng NTM nâng cao
tại xã Đại Lai
 
Thành công của Đại Lai cũng đến từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của Nhân dân. Bên cạnh đó, Xã cũng đã phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân, huy động nguồn lực trong Nhân dân, kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và được thực hiện thường xuyên, liên tục, giúp người dân hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của người dân trong việc chung tay xây dựng NTM trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. 

Câu chuyện thành công của Đại Lai là minh chứng sống động cho thấy sức mạnh của việc đoàn kết, đồng lòng; là sự hòa quyện giữa ý Đảng - lòng dân. Để xây dựng NTM thành công, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia tích cực của người dân, kết hợp với việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa.

Hiện tỉnh Bắc Ninh đang nỗ lực phấn đấu để đến hết năm 2025 có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 50 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu. Từ câu chuyện xây dựng NTM ở Đại Lai, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho các địa phương khác trong Tỉnh qua đó góp phần xây dựng một Bắc Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.
Minh Châu

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top