Xây dựng nông thôn mới tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ: Nhiều chuyển biến tích cực

03/01/2020 - 09:23 AM
Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), Đông Nam Bộ (ĐNB) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phát huy thế mạnh và đạt được nhiều thành tựu toàn diện và vững chắc, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp - nông thôn hai vùng lên một tầm cao mới.
 
Gia tăng các chỉ tiêu đạt chuẩn NTM

Tính đến tháng 8/2019, 2 vùng ĐNB và ĐBSCL có 874/1.731 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50,49%, tương đương với tỷ lệ bình quân chung của cả nước (50,8%). Trong đó, vùng ĐNB có tỷ lệ 70% số xã đạt tiêu chuẩn NTM (311/445 xã), vùng ĐBSCL có 44% xã đạt tiêu chuẩn NTM (563/1286 xã). Với kết quả này, ĐNB hiện đứng thứ 2 của cả nước (sau vùng đồng bằng sông Hồng 75,33%). Vùng ĐBSCL mặc dù có có 
tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước, nhưng xét về số tiêu chí bình quân mỗi xã đạt được, thì cả vùng ĐBSCL và ĐNB đều cao hơn. Cụ thể, số tiêu chí mỗi xã đạt được bình quân cả nước là 15,26, trong khi đó ĐNB là 17,10 và ĐBSCL là 15,43.
 
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ ĐÔNG NAM BỘ: NHIỀU CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Xét ở cấp huyện, cả hai vùng có 30 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, chiếm 33,7% của cả nước. Trong đó, ĐNB có 18 huyện, chiếm 20%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (13,4%); ĐBSCL có 12 huyện, chiếm 9,4% thấp hơn so với bình quân chung của cả nước. Cả hai vùng tiếp tục có 12 đơn vị cấp huyện của 08 tỉnh (Bình Phước, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh) đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019.

ĐNB hiện đang dẫn đầu cả nước về số tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, 02 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 100% số đơn vị cấp huyện tại Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tại vùng ĐBSCL, Cần Thơ đơn vị dẫn đầu, với 94% số xã đạt chuẩn, số tiêu chí bình quân đạt được ở mỗi xã là 18,69 tiêu chí/xã.

Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư xây mới và nâng cấp

Với chủ trương ưu tiên tập trung nguồn lực của các địa phương từ lúc bắt đầu thực hiện Chương trình NTM đến nay, hạ tầng nông thôn cả hai vùng đều có bước phát triển rõ rệt và được người dân đánh giá là thành tựu lớn của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tại ĐNB, hệ thống giao thông nông thôn đã phát triển toàn diện cả về số lượng và được nâng cấp rõ rệt về chất lượng. Đến nay, gần 100% số xã có đường giao thông đến huyện, đường trục xã; 98% đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa…, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn; đồng thời góp phần thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào khu vực nông thôn, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa.

Hệ thống thủy lợi vùng ĐNB cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây mới đã cơ bản hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của dân cư. Toàn vùng đã có trên 40% diện tích cây trồng được áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm, cao nhất cả nước (bình quân cả nước chỉ đạt 17%).

Hệ thống trường học các cấp được đầu tư hiện đại, khang trang. Với chủ trương xã hội hóa giáo dục hệ thống trường học các cấp ở nông thôn (thuộc các địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai) đã được xây dựng mới, nâng cấp với tốc độ nhanh (trên 99% số xã có trường mầm non, 98% có trường tiểu học, 90% có trường trung học cơ sở). Một số địa phương đã mở các điểm trường học ở các ấp (tỉnh Đồng Nai) tạo điều kiện thuận lợi để học sinh không phải đi xa, giảm tình trạng học sinh bỏ học, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư khang trang, đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân. Toàn vùng có trên 70% số xã có nhà văn hóa; trên 80% số thôn, ấp có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trong đó, trong đó, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, 100% số xã có nhà văn hóa.

Còn tại vùng ĐBSCL trong những năm qua cũng từng bước chú trọng đến nâng cấp, cải thiện hệ thống giao thông hiện hành. Đến nay, toàn vùng đã có trên 97% số xã có đường đến huyện, 96,5% đường trục xã được bê tông, nhựa hóa; trên 91% số xã có đường trục thôn được rải nhựa, bê tông; xây dựng, nâng cấp các cây cầu dân sinh bằng bê tông, thay thế “cầu khỉ”, đáp ứng được nhu cầu đi lại thuận lợi và phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân.

Hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai của vùng ĐBSCL bước đầu chuyển đổi đáp ứng nền nông nghiệp thích ứng BĐKH, đảm bảo tưới tiêu cho 90% diện tích lúa vụ Đông Xuân - Hè Thu, đồng thời phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất thủy sản và cây trồng cạn. Hình thành hệ thống đê ngăn mặn, kiểm soát triều cường, sóng cao và đang nâng dần khả năng chống chọi với nước dâng do lũ, từng bước phát huy tốt hiệu quả trong kiểm soát mặn. Các hoạt động xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển được triển khai; trong đó hướng dẫn thực hiện các giải pháp kỹ thuật xử lý khẩn cấp những đoạn sụt lún, sạt lở trọng điểm; bố trí ngân sách xây dựng công trình phòng chống sạt lở, ưu tiên 36 dự án xử lý cấp bách.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng mới trường học khang trang (như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh…), cải tạo các trạm y tế xã, củng cố và nâng cấp trụ sở ấp - nhà văn hoá ấp, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Có thể nói, sự thay đổi và dần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng nông thôn chính là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn hai vùng.
 
Phát triển kinh tế và đổi mới hình thức sản xuất

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung có qui mô lớn, thứ hạng cao không chỉ trong nước mà vươn tầm thế giới.

Vùng ĐNB nổi bật là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - công nghệ sinh học trên quy mô lớn (TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai); thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lớn vào chế biến nông sản (Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh), chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả (cây có múi, sầu riêng, bơ…), xuất hiện những mô hình nông nghiệp sinh thái khép kín tuần hoàn (trồng trọt - chăn nuôi), hình thành các vùng nông nghiệp ven đô (tập trung vào rau, hoa, cây kiểng, cá kiểng) phát triển mạnh với giá trị cao (giá trị sản xuất nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đạt 502 triệu đồng/ha năm 2018, cao nhất cả nước, gấp hơn 5 lần bình quân cả nước); nhiều vùng tập trung cây trồng có giá trị cao như hồ tiêu (Đồng Nai, Bình Phước), xoài (Đồng Nai), sầu riêng (Đồng Nai, Tây Ninh), bưởi (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai), điều (Bình Phước), cao su (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước).

Toàn vùng đã hình thành 404 chuỗi cung ứng nông sản an toàn (chiếm 32,3% tổng số chuỗi cung ứng nông sản an toàn của cả nước) với 160 sản phẩm; có 48 thương hiệu nông sản (trong đó có 5 thương hiệu nông sản có chỉ dẫn địa lý, 32 sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu tập thể, 26 sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận). Đồng Nai là tỉnh đứng đầu trong cả nước về diện tích xoài (trên 12.000 ha), diện tích chuối (gần 10.000 ha), diện tích sầu riêng (khoảng 5.000 ha). Hình thành nhiều vùng chăn nuôi tập trung, như bò sữa ở TP. HCM (với 76.000 nghìn con, chiếm 24%, đứng đầu cả nước), lợn ở Đồng Nai (2,1 triệu con lợn, chiếm gần 8%, đứng đầu cả nước).

Vùng ĐBSCL chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo đúng hướng “thuỷ sản - trái cây - lúa”, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực gắn với chế biến, nâng cao giá trị gia tăng. Từ 2010 đến 2018, các địa phương vùng ĐBSCL đã giảm hơn 60.000 ha trồng lúa để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Năm 2018, ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây (sản lượng lúa 24,5 triệu tấn, chiếm 56% sản lượng cả nước; sản lượng tôm 0,623 triệu tấn, chiếm 70%; sản lượng cá tra 1,41 triệu tấn, chiếm 95%; sản lượng trái cây 4,3 triệu tấn, chiếm 60%).

Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao giống mới, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất thích ứng hơn với BĐKH được đẩy mạnh; các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC được tăng cường áp dụng. Công nghiệp chế biến nông sản, bảo quản sau thu hoạch đạt được nhiều kết quả, góp phần phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn và ổn định kinh tế - xã hội; tỷ lệ chế biến tăng cao trong ngành thủy sản, đặc biệt là cá tra. Hình thành nhiều vùng nuôi tôm tập trung (Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng), cá tra (An Giang, Đồng Tháp) với quy mô lớn theo phương pháp thâm canh hiện đại, áp dụng công nghệ cao và từng bước bền vững về môi trường sinh thái, đạt giá trị sản xuất trên 10 tỷ đồng/ha.

Toàn vùng ĐBSCL có 200 chuỗi cung ứng nông sản an toàn (chiếm 16% tổng số chuỗi cung ứng nông sản an toàn của cả nước) với 336 sản phẩm; có 206 thương hiệu nông sản, chiếm 24,2% và đứng thứ hai của cả nước, sau khu vực miền núi phía Bắc.

Vùng ĐBSCL đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của BĐKH theo hướng “thuận thiên” như: Mô hình lúa - tôm (Kiên Giang, Bạc Liêu); mô hình tôm - rừng sinh thái ở vùng ven biển (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng); mô hình đa canh kết hợp lúa - màu - chăn nuôi trên các vùng giồng cát ven biển, vùng nước lợ (Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), mô hình trồng dứa thích ứng với xâm nhập mặn (Hậu Giang); mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao (Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tp. Cần Thơ)...

Bên cạnh đó, việc đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp cũng được chú trọng, phát triển: Đến hết tháng 12/2018, toàn vùng ĐNB có khoảng 512 Hợp tác xã nông nghiệp, tăng 105 HTX so với năm 2015, trong đó chủ yếu là HTX tổng hợp (46,1%), HTX trồng trọt chiếm 30,9%. Hầu hết các HTX đã chủ động xây dựng liên kết tiêu thụ gắn với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho xã viên và người dân trên địa bàn.

Số lượng HTX nông nghiệp vùng ĐBSCL đến hết năm 2018 có khoảng 1.803 HTX, chiếm 13% số HTX nông nghiệp của cả nước. Tính từ năm 2015 đến nay, ĐBSCL là một trong các vùng có số lượng các HTX nông nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước, với 564 HTX. Tỷ lệ HTX trồng trọt chiếm tới 63%, cao nhất cả nước. Đặc biệt, mô hình “Hội quán” của tỉnh Đồng Tháp, hoạt động theo phương thức liên kết tự nguyện của người nông dân nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh bước đầu phát huy hiệu quả và đã được nhiều địa phương học tập và phát triển (Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Long...). Các HTX vùng ĐBSCL đang từng bước phát huy vai trò hỗ trợ hiệu quả cho nông dân thông qua việc chủ động liên kết với doanh nghiệp, dưới hình thức doanh nghiệp cung ứng đầu vào, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm
nông nghiệp.

Những kết quả đạt được trong quá trình xây dựng NTM đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. So với mặt bằng chung cả nước, các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo của cả 2 vùng được thực hiện khá tốt. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn vùng ĐNB khoảng 51,26 triệu đồng (tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010), vùng ĐBSCL khoảng 36,7 triệu đồng (tăng 2,4 lần so với năm 2010 và tăng 1,1 lần so với năm 2016), cao hơn của cả nước (35,88 triệu đồng).
 
Tỷ lệ hộ nghèo của hai vùng đều thấp hơn so mới cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều khu vực nông thôn năm 2018 của vùng ĐNB dự kiến còn khoảng 0,3% (giảm 0,5% so với năm 2016), trong đó, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai áp dụng chuẩn nghèo riêng của địa phương với định mức và yêu cầu cao hơn nhiều so với tiêu chí chung của cả nước. Vùng ĐBSCL còn khoảng 3,3% (giảm khoảng 3,4% so với năm 2016).

Công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan nông thôn có sự chuyển biến vượt bậc

Công tác quản lý chất thải rắn (CTR) đã được quan tâm đầu tư, trong đó, vùng ĐNB đi đầu trong cả nước về tỷ lệ thu gom và công nghệ xử lý chất thải. Điển hình như tỉnh Đồng Nai, lượng CTR sinh hoạt thu gom, xử lý khoảng 1.838 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 98,1% (cao nhất trên cả nước); tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt chỉ còn 43% (thấp nhất trong cả nước); tỉnh Bình Dương, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng 1.600 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt gần 96%.

Toàn bộ 13 tỉnh của vùng ĐBSCL đã lập và phê duyệt quy hoạch quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn. Toàn vùng có 10 nhà máy xử lý CTR với công suất thiết kế đáp ứng được khoảng 30%.

Công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề cũng được đặc biệt chú trọng. Trong danh mục 47 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi toàn quốc, tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ chỉ có 2 làng (làng nghề chế biến cá khô xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre và làng nghề chế biến thuỷ sản tại huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) và đều đã có các biện pháp, công trình xử lý chất thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, một số địa phương đã chỉ đạo các xã tập trung xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”, hình thành các khu dân cư nổi bật về cảnh quan đường làng, ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp” để triển khai nhân rộng, giao cho các đoàn thể chính trị - xã hội và vận động người dân trồng cây xanh tạo bóng mát hoặc cây hoa (như Đồng Nai, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang…). Một số huyện đã có tỷ lệ các tuyến đường nông thôn trồng cây xanh - hoa đạt trên 50% như Châu Thành A, thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), huyện Thoại Sơn (An Giang), huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú (Đồng Nai).

Ngoài ra, đời sống văn hoá tinh thần của người dân được nâng cao, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Nhiều tỉnh vùng ĐNB và ĐBSCL đã thí điểm thành công mô hình tích hợp thiết chế văn hóa, thể thao với thiết chế học tập cộng đồng thành Trung tâm Văn hóa, thể thao học tập cộng đồng, từ đó phát huy tốt hiệu quả hoạt động, đa dạng hóa các loại hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, học tập cộng đồng…

Xây dựng NTM là chương trình tổng thể xuyên suốt có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, để nông thôn ở cả hai vùng ĐNB và ĐBSCL tiếp tục phát huy những thế mạnh, ngày càng giàu đẹp, hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân và cả doanh nghiệp chung sức trên con đường xây dựng NTM./.



Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng trọng điểm phía Nam, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vùng ĐNB là đầu tàu kinh tế năng động, đóng góp hõn 40% thu ngân sách và 45% GDP của cả nước; có thị trýờng tiêu thụ lớn và là cửa ngõ giao lưu với vùng ĐBSCL, các nước trong khu vực và thế giới. Vùng ĐBSCL có nhiều hệ thống sông ngòi, kênh rạch thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, thủy hải sản, giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 50% sản lượng lương thực, 90% sản ợng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.
 

Thu Hường
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top