Xây dựng Thuận Thành phát triển theo hướng đô thị thông minh, năng động

28/03/2023 - 10:37 PM
Thuận Thành là huyện phía Nam tỉnh Bắc Ninh, ngày 13/2/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 723/NQ/UBTVQH15 về việc thành lập thị xã Thuận Thành và các phường thuộc thị xã Thuận Thành, có hiệu lực từ ngày 10/4/2023. Đây là Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt, tạo tiền đề và động lực để Thuận Thành tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của một đô thị năng động, hiện đại và văn minh với chức năng là trung tâm tiếp nhận, chuyển giao và lan tỏa công nghệ hiện đại của tỉnh Bắc Ninh.
 

Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp, đô thị,
mang lại diện mạo mới cho địa phương

 
 Sự cần thiết thành lập thị xã Thuận Thành
 
Huyện Thuận Thành là một vùng đất cổ - một trong những cái nôi của dân tộc Việt. Huyện có 117,83 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 197.053 người, có 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc bao gồm thị trấn Hồ và 17 xã: An Bình, Đại Đồng Thành, Đình Tổ, Gia Đông, Hà Mãn, Hoài Thượng, Mão Điền, Nghĩa Đạo, Ngũ Thái, Nguyệt Đức, Ninh Xá, Song Hồ, Song Liễu, Thanh Khương, Trạm Lộ, Trí Quả, Xuân Lâm. Nằm ở phía Nam của tỉnh Bắc Ninh, đô thị Thuận Thành được định hướng là đô thị dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; nằm trên hành lang kết nối 06 phân khu đô thị Bắc Ninh - Tiên Du - Từ Sơn - Quế Võ - Yên Phong - Thuận Thành và giữ vai trò liên kết giữa đô thị Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên thông qua những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng như: Tuyến quốc lộ 38 đi thành phố Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên; quốc lộ 17 đi thành phố Hà Nội; tuyến đường tỉnh 280 nối liền thị trấn Hồ với thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình và thị trấn Thứa, huyện Lương Tài;...
 

Trung tâm văn hóa Luy Lâu huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
 
Trong những năm gần đây, huyện Thuận Thành đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng đối với các khu, cụm công nghiệp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư, triển khai và sử dụng có hiệu quả các khu công nghiệp (KCN) hiện có như: KCN Thuận Thành I, KCN Thuận Thành II, KCN Thuận Thành III, KCN Khai Sơn,… đã tạo ra nhiều việc làm, thu hút nguồn lao động tại địa phương và các tỉnh đến làm việc và sinh sống. Đây cũng là ngành kinh tế chủ lực chiếm phần lớn trong tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện.
 

Khu Công nghiệp Thuận Thành II
 
Thuận Thành còn là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng. Theo danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, huyện có 126 điểm di tích, trong đó có 72 di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận và xếp hạng, gồm: 20 di tích cấp quốc gia, 02 di tích quốc gia đặc biệt, 06 bảo vật quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh và cùng với đó là hàng trăm tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị khai thác nhằm phát huy truyền thống và phát triển du lịch, tiêu biểu như: đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Linh Ứng, thành cổ Luy Lâu, chùa Tổ Mẫu Tứ Tháp,… Phần lớn các công trình này đều đã có từ lâu đời, mang nét đẹp tâm linh và nét kiến trúc cổ xưa. Bên cạnh đó, huyện còn có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc như làng tranh dân gian Đông Hồ, làng gốm Luy Lâu. Những di tích lịch sử này, hằng năm đã thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan du lịch và chiêm bái, góp phần mang lại những nguồn lợi kinh tế để Thuận Thành nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung phát triển mạnh mẽ ngành thương mại - dịch vụ, du lịch trong thời điểm hiện tại và tương lai.
 

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thuận Thành
 
Không những được định hướng trở thành đô thị dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh; mà huyện Thuận Thành còn giữ vai trò là trung tâm tổng hợp (kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch, dịch vụ), đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Nam sông Đuống và khu vực lân cận. Bên cạnh việc tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện Thuận Thành đã bám sát lộ trình phát triển theo Quy hoạch, Kế hoạch và Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, Đồ án quy hoạch chung đô thị Hồ và vùng phụ cận, đặc biệt thực hiện đúng quy hoạch các phân khu chức năng đô thị,… tạo nên những chuyển biến rõ nét về kiến trúc cảnh quan. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Các công trình phúc lợi công cộng, đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật, công viên, cây xanh,... được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới.
 

Lễ hội Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương
 
Bên cạnh đó, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của chính quyền và Nhân dân địa phương, đến nay 17/17 xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thuận Thành đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019. Với những nỗ lực không mệt mỏi, ngày 30 tháng 12 năm 2020 đô thị Hồ mở rộng (đô thị Thuận Thành) được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV, đây là tiền đề, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, tạo động lực thu hút được các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư mở rộng sản xuất cũng như đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nói chung và của huyện Thuận Thành nói riêng.
 

Chùa Dâu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nơi khởi nguồn của đạo Phật. 
Đây là một trong những điểm du lịch tâm linh tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh, thu hút rất nhiều khách du lịch
trong và ngoài nước đến hành hương, tìm hiểu về giá trị lịch sử

 
Cùng với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển, lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp đã kéo theo lực lượng lao động từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng như: Nhà ở, giao thông, y tế,… đồng thời tạo ra những khó khăn, áp lực nhất định trong công tác quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội, trật tự xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp thoát nước, điện, nhà ở xã hội, quản lý về kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, thương mại - du lịch, hộ khẩu và các thiết chế xã hội,… đối với bộ máy quản lý hành chính Nhà nước được tổ chức theo mô hình chính quyền nông thôn hiện nay của huyện. Từ thực tế đó, việc thành lập thị xã Thuận Thành là cần thiết, nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp để quản lý, giải quyết những bất cập do sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hiện nay.
 
Nằm soi mình bên bờ đê sông Đuống, chùa Bút Tháp, Thuận Thành đã và đang trở thành một điểm du lịch,
một địa chỉ hành hương của phật tử thập phương đến với vùng đất Kinh Bắc

Thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho huyện Thuận Thành hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, việc thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Thuận Thành phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh, Quy hoạch chung đô thị Hồ và phụ cận huyện Thuận Thành, Chương trình phát triển đô thị Thuận Thành. Đồng thời, việc thành lập thị xã Thuận Thành không làm mất đi vị thế chiến lược của huyện mà còn củng cố hơn nữa cho Thuận Thành trong thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trong tương lai, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài của đô thị. Đây cũng là cơ hội thuận lợi giúp khơi dậy và phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có để huyện Thuận Thành bứt phá vươn lên, phát triển bền vững, vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, điều kiện cuộc sống đô thị cho người dân địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Hiện đại, văn minh, hài hòa và bền vững”. Do đó, việc thành lập thị xã Thuận Thành là thực sự cần thiết; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung và huyện Thuận Thành nói riêng.
 
Định hướng phát triển thị xã Thuận Thành trong thời gian tới
 
Xây dựng kế hoạch phát triển đô thị Thuận Thành nhằm cụ thể quá trình thực hiện quy hoạch đô thị, các quy hoạch chuyên ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phát triển đô thị phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội gắn với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Nâng cao chất lượng sống của Nhân dân, thông qua tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, kiến trúc cảnh quan môi trường đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đô thị để xây dựng đô thị Thuận Thành ngày càng văn minh, hiện đại. Góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh và sớm đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn đến năm 2030./.
 
Theo kế hoạch Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập và đón nhận thị xã Thuận Thành sẽ được tổ chức trang trọng vào ngày 5/4  với các hoạt động chính như: Chương trình nghệ thuật đặc sắc và tổ chức bắn pháo hoa 15 phút


Một số chỉ tiêu chủ yếu Thuận Thành giai đoạn 2021-2025
 
Địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của Nhân dân gắn liền với bảo vệ  môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả,… phấn đấu đạt được những chỉ tiêu cụ thể như sau:
I. Các chỉ tiêu về kinh tế:
1. Tổng sản phẩm địa phương (so với giá 2010) giữ vững tốc độ tăng trưởng 10,2% trong đó: Nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,8%; Công nghiệp và xây dựng tăng 9,5%; Khu vực dịch vụ tăng 12,6 %.
2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 7%; Công nghiệp và xây dựng chiếm 51% (công nghiệp chiếm 45%); Dịch vụ chiếm 42%.
3. Thu nhập bình quân đầu người tăng 8-10%/năm.
4. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 10%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 30% GRDP hằng năm.
5. Kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD, nhập khẩu 85 triệu USD.
II. Các chỉ tiêu về văn hóa - xã hội và hạ tầng kỹ thuật:
6. 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia và 100% phòng học kiên cố; 100% giáo viên, nhân viên quản lý giáo dục đạt chuẩn (trong đó, trên chuẩn đạt 97%).
7. Duy trì đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.
8. Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên đạt 1,5%; tỷ suất sinh giảm 1%/năm.
9. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%.
10. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn dưới 1,0%.
11. Tỷ lệ thôn, khu phố văn hóa đạt 95%.
12. 98% gia đình văn hóa và 95% cơ quan đạt danh hiệu văn hóa.
13. Tỷ lệ hộ dân cư được cấp nước đạt 100%.
14. Tỷ lệ chiếu sáng đường chính đạt 100%; tỷ lệ chiếu sáng ngõ xóm đạt 100%.
15. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 50%...
Trọng Nghĩa
                                                                                                                                              
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top