Ngày 05/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam. Việc xây dựng, vận hành và phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế có tính cạnh tranh tại Việt Nam sẽ góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam theo đề nghị của Bộ Tài chính. Chính phủ giao nhiệm vụ Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng tiếp thu đầy đủ, hợp lý ý kiến các thành viên Chính phủ, ý kiến của các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ báo cáo theo yêu cầu; bảo đảm tuân thủ đúng kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 259/NQ-CP ngày 31/12/2024; chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản có liên quan; chịu trách nhiệm về các nội dung báo cáo, kiến nghị.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, Việt Nam đang là điểm sáng về phát triển và tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nằm trong số những thị trường dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng các công nghệ tài chính tương lai, có thể tạo được lợi thế cạnh tranh, hình thành các sản phẩm “đặc thù” cho Trung tâm tài chính ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đang dần hội tụ các yếu tố cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành Trung tâm tài chính có khả năng liên kết với các Trung tâm tài chính trong khu vực và trên thế giới.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết để hình thành Trung tâm tài chính khu vực, quốc tế thành công; giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam là hết sức cần thiết để hình thành
Trung tâm tài chính khu vực, quốc tế thành công; giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu
Đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, bắt kịp chuẩn mực quốc tế; góp phần phát triển bền vững kinh tế đất nước, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó, bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa và góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trước đó, ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 47-TB/TW “về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam”, đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam với một số nội dung chủ yếu:
Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng.
Lựa chọn phát triển các Trung tâm tài chính có ranh giới địa lý nhất định và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng nhưng không “biệt lập”; theo mô hình “kết hợp” với các chính sách đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Thành lập các cơ quan để quản lý Trung tâm tài chính, gồm: Cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc thành lập các cơ quan này triển khai thực hiện theo đúng quy định và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Cơ bản đồng ý chủ trương cho phép áp dụng các chính sách xây dựng Trung tâm tài chính và lộ trình thực hiện: Từ nay đến năm 2030, ban hành và tổ chức thực hiện ngay 8 nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay; đồng thời, thí điểm 6 nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam. Từ năm 2030 đến năm 2045, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Ngày 31/12/2024, Chính phủ cũng đã ký Nghị quyết số 259/NQ-CP ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thống báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024 của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam./.
B.N