Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới xây dựng NTM thông minh là một nội dung mới đang được huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang tích cực triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng.
Xín Mần đạt nhiều kết quả quan trọng về chuyển đổi số trong NTM
Tuổi trẻ huyện Xín Mần tiên phong trong chuyển đổi số
Xác định chuyển đổi số là trụ đỡ xây dựng NTM nâng cao, hướng đến xây dựng NTM thông minh, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo, Ban điều hành chuyển đổi số Huyện đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo quyết liệt; sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, các xã, thị trấn và sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp cùng sự ủng hộ của người dân, nhờ vậy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn huyện tiếp tục có nhiều bước phát triển mới.
Theo báo cáo kết quả thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của huyện Xín Mần cho thấy, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số đã góp phần tiết kiệm thời gian giao dịch hành chính, giảm giấy tờ, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính Nhà nước cũng như công tác phối hợp thông tin giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Từ đó, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.
Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, huyện Xín Mần đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 420 người với thành phần là các thành viên của Ban Chỉ đạo (BCĐ) các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 huyện; lãnh đạo, chuyên viên các phòng ban; cán bộ Văn phòng NTM huyện và cấp xã, thôn. Nội dung tâp huấn tập chung vào 10 chuyên đề như: Quan điểm và lợi ích chuyển đổi số; Lợi ích chuyển đổi số trong nông nghiệp; Kinh tế số; Xã hội số; Chính quyền số và chuyên đề thực hành; Phổ biến các văn bản của Trung ương và tỉnh Hà Giang; Các vấn đề về xây dựng NTM cấp thôn, bản; Quy hoạch và đầu tư, xây dựng, sử dụng hạ tầng NTM; Chuyển đổi số trong xây dựng NTM; Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong xây dựng NTM. Ngoài ra, tập huấn tại tỉnh có 21 người, thành phần là BCĐ cấp huyện, cấp xã và Ban phát triển thôn.
Công tác truyền thông được BCĐ các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện thường xuyên triển khai với việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số, gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền chuyển đổi số trong xây dựng NTM và trong triển khai các hoạt động của Chương trình MTQG.
Về thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu và các phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng NTM, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang đã triển khai ứng dụng phần mềm đánh giá theo Bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.
Phát triển du lịch nông thôn, huyện duy trì hoạt động website du lịch huyện Xín Mần, qua đó cung cấp những thông tin liên quan và cần thiết đến lĩnh vực du lịch, giới thiệu các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh của huyện tới du khách trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, homestay chủ động vào cuộc ứng dụng phầm mềm khai báo khách lưu trú, ứng dụng các phần mềm đặt phòng, trực tuyến như https://www.booking.com, https:www.vntrip.vn.
Về xây dựng mô hình thôn/xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử, Huyện phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 01 thôn NTM thông minh nổi trội theo các lĩnh vực kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa… Trong đó, chú trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức khảo sát đánh giá các tiêu chí theo quy định để tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Về công tác phát triển chính quyền số, hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị của huyện, UBND xã, thị trấn được kết nối và sử dụng Internet. Hệ thống phần mềm hòm thư công vụ được cán bộ, công chức, viên chức sử dụng.
100% các cơ quan, đơn vị, xã thị trấn tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, gửi thư điện tử, trao đổi công việc thuận tiện, mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động các cơ quan nhà nước. Tỷ lệ văn bản đi có ứng dụng chữ ký số được phát hành trên phần mềm đạt 99,59%.
Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến có 06 điểm tại trung tâm huyện và 18 điểm cầu hội nghị trực tuyến tại 18 xã, thị trấn. Huyện thực hiện kết nối và dùng chung mạng truyền số liệu của Tỉnh. Hệ thống hội nghị giao ban trực tuyến duy trì ổn định đồng bộ từ huyện đến các xã, thị trấn.
Thống kê kết quả Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đến ngày 15/6/2024 cho thấy: Chỉ số tổng hợp của huyện đạt 87,41 điểm, xếp loại xuất sắc; Tiến độ giải quyết hồ sơ: 99,35%; Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến: 69,9%; Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến: 98,28%; Số hóa hồ sơ: 69,8%; Mức độ hài lòng 100%; Công khai, minh bạch 100%.
100% cán bộ tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cấp xã, huyện được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Về xây dựng và phát triển kinh tế số, huyện Xín Mần đã triển khai đến các hợp tác xã và hộ gia đình tham gia hợp tác xã sản xuất chế biến các nông sản địa phương cập nhật trên phần mềm 5 nhóm cây trồng chính có tiềm năng thế mạnh, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện.
Đẩy mạnh việc quảng bá các sản phẩm của địa phương trên Trang thông tin điện tử của huyện và trên môi trường mạng. Công tác triển khai đăng ký tham gia tài khoản giao dịch thương mại điện tử cho các hộ sản xuất nông nghiệp, Hợp tác xã được 7/45 doanh nghiệp, hợp tác xã đạt 15%.
Triển khai các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3-4 sao cấp huyện, tỉnh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Sàn thương mại Voso.vn. PostMap.vn, Smartgap.vn,... có tổng 9/27 sản phẩm như: Miến dong Gia Long, Trà shan tuyết Chế Là, Trà Tuấn Băng, Lộc trà thiên nhiên Tuấn Băng trà, Hồng trà thiên nhiên Tuấn Băng trà, Mật ong hoa thảo quả, Gạo nếp Quảng Nguyên, Gạo tẻ Già Dui Xín Mần, Trà khổ qua rừng (túi lọc)...
Các HTX, hộ kinh doanh cập nhật đầy đủ thông tin về quá trình trồng và chăm sóc, chế biến sản phẩm, phục vụ cho việc quản lý của HTX và truy xuất nguồn gốc phục vụ cho việc bầy bán trên các sàn giao dịch điện tử.
Về xây dựng và phát triển xã hội số, huyện Xín Mần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các lĩnh vực của đời sống xã hội như: Y tế, Giáo dục, An ninh trật tự, Môi trường, Văn hóa. Tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Bảo hiểm.
Kết quả thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ: Tổ chuyển đổi số cộng đồng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân đăng ký, tạo tài khoản công dân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; đăng ký tài khoản thanh toán điện tử; cài đặt ứng dụng VNeID trên điện thoại di động. Kiện toàn Tổ công nghệ số cộng đồng các thôn, tổ dân phố.
Hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn thôn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”, “shopee.vn”, “lazada.vn”, “tiki.vn”… để mua, bán, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa trên mạng; tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như: Y tế, giáo dục, chính sách xã hội... tuyên truyền cho người dân biết sử dụng các nền tảng số.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả về chuyển đổi số trong xây dựng NTM, huyện Xín Mần đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: Thường xuyên ứng dụng CNTT đối với cán bộ công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, ban, ngành từ huyện đến cơ sở làm việc trên môi trường mạng; Cử cán bộ, công chức, viên chức phụ trách CNTT, chuyển đổi số các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện tham gia đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số do tỉnh tổ chức; Tiếp tục đầu tư hạ tầng CNTT đồng bộ đảm bảo việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị địa phương; Tăng cường công tác tuyên truyền về chuyển đổi số cho cán bộ, đảng viên; Nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trên địa bàn huyện; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng NTM và thực hiện đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn...; Tiếp tục hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt; Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của Tổ công nghệ số cộng đồng và thực hiện tốt các chỉ tiêu về chuyển đổi số năm 2024; Xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện 01 thôn nông thôn mới thông minh nổi trội theo các lĩnh vực kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa.
Minh Thư