Xu hướng phát triển du lịch bền vững tại khu vực Đông Nam Á

11/04/2023 - 02:29 PM
Hơn 2 năm gián đoạn du lịch vì đại dịch Covid-19 dường như đã trở thành cơ hội hiếm có để nhiều chính phủ ở khu vực Đông Nam Á suy tính lại về ngành công nghiệp không khói, nhằm hướng tới một tương lai phát triển bền vững hơn.
 
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Đông Nam Á (ASEAN) là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng du lịch quốc tế nhanh nhất toàn cầu. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2019, Đông Nam Á đã tiếp đón 137 triệu lượt khách quốc tế và gần 1 tỷ lượt khách nội địa. Ngành du lịch chiếm 12,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á, khoảng 42 triệu người hoạt động trong ngành du lịch.

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã khiến ngành du lịch Đông Nam Á bị tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, đầu năm 2022, khi các quốc gia khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn trở lại, làn sóng du lịch bắt đầu khởi sắc và có sự phục hồi tích cực. Nhiều nước hoàn thành và vượt mục tiêu về đón lượng khách quốc tế.

 
 

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), báo cáo của ASEAN cho thấy, số lượt tìm kiếm khách sạn trong khu vực đã tăng 28% kể từ đầu năm 2022, trong khi tỷ lệ đăng lý lưu trú tại các khách sạn cũng tăng 57%. Niềm tin du lịch nhìn chung trên toàn khu vực tăng khoảng 40% tính từ đầu năm tới nay. Báo cáo nhấn mạnh, ASEAN là một điểm đến du lịch lý tưởng bởi đây là khu vực đoàn kết, với các quốc gia gần gũi về địa hình, phong phú về văn hóa, đa dạng về ẩm thực, địa danh lịch sử, cảnh đẹp thiên nhiên, du lịch sinh thái và cả các đô thị hiện đại cũng như những hoạt động trải nghiệm mạo hiểm.

Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), tổng lượng khách nước ngoài đến Thái Lan ước đạt 11,5 triệu lượt năm 2022, vượt mục tiêu 10 triệu lượt đề ra trước đó. Trong số này, nguồn khách du lịch nước ngoài hàng đầu của Thái Lan là Malaysia, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Singapore, Hàn Quốc, Việt Nam, Mỹ, Anh và Nga. Ngoài ra, Thái Lan xếp thứ 5 trong số các điểm đến du lịch y tế phổ biến nhất trên thế giới vào năm ngoái. Bởi vậy, nước này đã đưa ra khái niệm “Sức khoẻ để thịnh vượng” nhằm xây dựng sức mạnh kinh tế đất nước thông qua thúc đẩy du lịch chữa bệnh. Thái Lan đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trong năm 2023, tạo ra doanh thu 2.380 tỷ baht.

Theo Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno, quốc gia Đông Nam Á này đã đón tổng cộng 5,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2022, tăng 251,28% so với năm 2021. Có thể thấy, tốc độ phục hồi của lĩnh vực du lịch và kinh tế sáng tạo của“xứ sở vạn đảo” đã khá rõ ràng so với thời kỳ đại dịch Covid-19. Để vực dậy ngành công nghiệp không khói, chính phủ Indonesia sẽ giải ngân khoản ngân sách bổ sung trị giá 15.000 tỷ rupiah (963 triệu USD) để phát triển 5 điểm đến du lịch ưu tiên trong 2 năm tới. Indonesia đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là thu hút tới 7,4 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm 2023.

Tổng cục Du lịch Singapore ước tính, trong năm 2022, có 6,3 triệu lượt du khách đến đảo quốc sư tử, vượt mức dự báo của STB đưa ra trước đó là 4-6 triệu lượt, mang lại doanh thu 14 tỷ SGD (hơn 10 tỷ USD). 5 thị trường khách hàng đầu là Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Australia và Philippines, chiếm hơn một nửa tổng lượng khách. Singapore triển khai nhiều chương trình, sự kiện, dịch vụ du lịch phong phú, điều này hứa hẹn sẽ giúp quốc đảo này tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Trong khi đó, các nước ASEAN đóng góp lớn vào lượng khách du lịch quốc tế của Malaysia, chiếm 68,5% tổng lượng khách trước Covid-19. Theo Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Nancy Shukri, các nước ASEAN có thể hợp tác cùng nhau để tăng cường tiếp thị và quảng bá các dịch vụ du lịch của khu vực, điều này phù hợp với khẩu hiệu mới của du lịch ASEAN là “Điểm đến cho mọi giấc mơ”. Đưa ASEAN trở thành điểm đến du lịch chất lượng, mang đến trải nghiệm ASEAN đa dạng, độc đáo và cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, bao trùm và cân bằng, đóng góp đáng kể vào phúc lợi kinh tế-xã hội của người dân ASEAN.

Mặc dù có sự phục hồi và tăng trưởng với tốc độ nhanh nhưng ngành du lịch Đông Nam Á cũng đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường. Chẳng hạn, giai đoạn 2011-2017, số lượng du khách đến địa điểm du lịch nổi tiếng đảo Boracay của Philippines tăng 160%. Hệ thống thoát nước và quản lý chất thải trên đảo quá tải khiến đảo Boracay phải đóng cửa nửa năm trong năm 2018, tạm ngừng tiếp đón du khách để giúp môi trường nghỉ ngơi. Năm 2018, Thái Lan cũng phải đóng cửa vịnh Maya ở quần đảo Phi Phi trên biển Andaman, để đối phó với những vấn đề nghiêm trọng mà du lịch đã gây ra đối với môi trường nơi đây, khi các đoàn khách du lịch liên tiếp đã làm hư hại 80% rạn san hô trong vịnh…

ASEAN nhận thức được tầm quan trọng trong việc phát triển bền vững và khả năng chống chọi trước các cuộc khủng hoảng của ngành du lịch. Do vậy, tầm nhìn của "Kế hoạch chiến lược du lịch ASEAN 2016-2025" là đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao. ASEAN cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy rộng rãi phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, bao trùm và cân bằng, đóng góp quan trọng vào phúc lợi kinh tế-xã hội của người dân Đông Nam Á.

Để hiện thực hóa tầm nhìn, Chiến lược đã đề ra 2 định hướng lớn, bao gồm: Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch ASEAN với tư cách là điểm đến chung và đảm bảo phát triển bền vững và toàn diện. Mười chương trình hành động đã được xác định cụ thể để hướng đến các mục tiêu đề ra.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, đóng góp GDP của ngành Du lịch ASEAN tăng từ 12% lên 15%; đóng góp về số lượng việc làm tăng từ 3,7% lên 7%; chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 877 USD lên
1.500 USD; thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 6,3 đêm lên 8 đêm. Số lượng đơn vị được nhận các giải thưởng theo các tiêu chuẩn ASEAN tăng từ 86 lên 300.

Chiến lược Marketing Du lịch ASEAN giai đoạn 2021- 2025 đã được xây dựng với ba trụ cột chiến lược chính: Xây dựng câu chuyện về Thương hiệu du lịch Đông Nam Á hấp dẫn hơn: Xác định mục tiêu của thương hiệu, đồng bộ hóa thương hiệu trên các kênh quảng bá chung, xây dựng các video quảng bá… Tập trung vào một nhóm các thị trường và đối tượng phù hợp, hướng đến các thị trường nói tiếng Anh gồm Mỹ, Ấn Độ, Anh, Úc.

Trong nỗ lực tập thể nhằm hiện thực hóa tầm nhìn nói trên, đầu năm 2023, các Bộ trưởng Bộ Du lịch ASEAN đã thông qua Khung phát triển du lịch bền vững giai đoạn hậu Covid-19 nhằm định hướng cho chương trình phát triển du lịch của ASEAN. Theo đó, du lịch bền vững được coi là yếu tố then chốt giúp các điểm đến duy trì xây dựng danh tiếng và thương hiệu cạnh tranh, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng địa phương, du khách và các bên liên quan khác.

Với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Khung phát triển du lịch bền vững của ASEAN xác định các lĩnh vực trọng tâm và tìm giải pháp tận dụng các công việc đang được ngành du lịch và các ngành liên quan khác của cộng đồng ASEAN triển khai, nhất là trong khoảng thời gian trước và sau năm 2025./.
Thu Hường
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top