Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý I năm 2025 gồm 6.330 doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra, số doanh nghiệp trả lời là 6.081 doanh nghiệp, chiếm 96,1% số doanh nghiệp được chọn mẫu.
Kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động SXKD của các doanh nghiệp quý I/2025 khó khăn hơn quý IV/2024 với 71,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định (24,1% tốt hơn và 47,1% giữ ổn định), 28,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Mặc dù vậy, đây vẫn là kết quả khả quan nhất trong các quý I của giai đoạn 2022-2025: chỉ số cân bằng chung (chỉ số cân bằng thể hiện số phần trăm doanh nghiệp nhận định tốt hơn hoặc tăng lên trừ đi số phần trăm doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn hoặc giảm đi) đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý I/2025 là -4,7%, cao hơn nhiều so với chỉ số tương ứng của quý I năm 2022; 2023 và 2024 (lần lượt là -7,4%; -14,2% và -13,0%).
Dự báo quý II/2025 khả quan hơn quý I/2025 với 85,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD (45,8% tốt hơn, 39,2% giữ ổn định), 15,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất
và tồn kho thành phẩm (%)
Về khối lượng sản xuất, quý I/2025 có 69,3% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý IV/2024 (25,2% tăng, 44,1% giữ nguyên), 30,7% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm[1]. Dự báo quý II/2025 so với quý I/2025 khả quan hơn với 86,0% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (45,1% tăng, 40,9% giữ nguyên), 14,0% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
Về số lượng đơn đặt hàng, có 70,7% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới quý I/2025 tăng và giữ nguyên so với quý IV/2024 (23,3% tăng, 47,4% giữ nguyên); 29,3% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm[2]. Dự báo quý II/2025 so với quý I/2025 tăng với 86,1% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (43,3% tăng, 42,8% giữ nguyên), 13,9% doanh nghiệp dự báo giảm.
Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 73,8% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2025 tăng và giữ nguyên so với quý IV/2024 (20,6% tăng, 53,2% giữ nguyên), tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm là 26,2%[3]. Dự báo quý II/2025 khả quan hơn với 86,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý I/2025 (37,8% tăng, 48,9% giữ nguyên); 13,3% doanh nghiệp dự báo giảm.
Về sử dụng lao động, có 11,9% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động quý I/2025 tăng so với quý IV/2024; 70,3% doanh nghiệp nhận định giữ nguyên và 17,8% doanh nghiệp nhận định giảm[4]. Dự báo sử dụng lao động quý II/2025 khả quan hơn quý I/2025 với 89,6% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (19,0% tăng, 70,6% giữ nguyên); 10,4% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.
Về tồn kho thành phẩm, có 19,2% doanh nghiệp nhận định khối lượng thành phẩm tồn kho quý I/2025 tăng so với quý IV/2024; 54,4% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 26,4% đánh giá giảm[5]. Dự báo quý II/2025 so với quý I/2025, có 17,4% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm tăng; 55,5% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên khối lượng tồn kho thành phẩm; 27,1% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm giảm.
Về tồn kho nguyên vật liệu, có 74,6% doanh nghiệp nhận định tồn kho nguyên vật liệu quý I/2025 so với quý IV/2024 tăng và giữ nguyên (17,2% tăng, 57,4% giữ nguyên), 25,4% doanh nghiệp nhận định giảm[6]. Dự báo quý II/2025 so với quý I/2025, có 17,2% doanh nghiệp đánh giá khối lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng, 57,3% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 25,5% doanh nghiệp dự kiến giảm khối lượng tồn kho nguyên vật liệu.
Về chi phí sản xuất, có 92,7% doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (25,3% tăng, 67,4% giữ nguyên); 7,3% doanh nghiệp nhận định giảm[7] so với quý IV/2024. Dự báo quý II/2025 so với quý I/2025, có 91,5% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (21,8% tăng, 69,7% giữ nguyên), 8,5% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm giảm.
Về giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý I/2025 so với quý IV/2024 tăng và giữ nguyên là 90,8% (15,2% tăng, 75,6% giữ nguyên), 9,2% doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm giảm[8]. Nhận định về giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý II/2025 so với quý I/2025, có 92,8% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (18,2% tăng, 74,6% giữ nguyên), 7,2% doanh nghiệp dự báo giảm.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, một số ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu quý I/2025 vẫn tiếp tục xu hướng khả quan từ các quý trước, cụ thể:
Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất, sử dụng lao động, đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu quý I/2025 tăng so với quý IV/2024 lần lượt là 41,7%; 34,9%; 37,5% và 34,2%.
Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất, sử dụng lao động, đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu quý I/2025 tăng so với quý IV/2024 lần lượt là 39,3%; 28,5%; 34,4% và 35,1%.
Ở chiều ngược lại, hoạt động SXKD quý I/2025 của các doanh nghiệp trong một số ngành gặp khó khăn hơn trước, cụ thể:
Ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu quý I/2025 giảm so với quý IV/2024 lần lượt là: 38,8%; 37,0% và 35,0%, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý I/2025 tăng so với quý IV/2024 là 28,2%.
Ngành dệt có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng xuất khẩu quý I/2025 so với quý IV/2024 giảm lần lượt là: 36,6%; 36,1% và 32,7%.
Ngành sản xuất chế biến thực phẩm có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm và tồn kho nguyên vật liệu quý I/2025 tăng so với quý IV/2024 với tỷ lệ lần lượt là 30,2% và 29,3%, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý I/2025 giảm so với quý IV/2024 là 11,1%.
Khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp
Trong quý I/2025, 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là việc tìm kiếm và mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Cụ thể: có 51,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước vẫn ở mức thấp; 51,1% doanh nghiệp gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các hàng hóa trong nước ngày càng cao và 30,5% doanh nghiệp gặp khó khăn do nhu cầu hàng hóa tại các thị trường quốc tế vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Một số khó khăn có thay đổi lớn so với quý IV/2024 bao gồm: Về lao động, quý I/2025 có 23,8% doanh nghiệp gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động đáp ứng các yêu cầu về đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp, tăng 3 điểm phần trăm so với quý IV/2024, là yếu tố biến động cao nhất trong quý I/2025; Về nguyên, nhiên, vật liệu, quý I/2025 có 18,6% doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ SXKD, tăng 0,9 điểm phần trăm so với quý IV/2024.
Trong thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp SXKD hiệu quả hơn nữa, có 40,4% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay; 28,3% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có các biện pháp bình ổn giá nguyên vật liệu; 25,1% doanh nghiệp kiến nghị cần cải cách thủ tục hành chính đồng bộ hơn nữa và 24,0% doanh nghiệp mong có nguồn cung nguyên vật liệu ổn định. Một số kiến nghị nổi bật của các ngành bao gồm:
Ngành sản xuất chế biến thực phẩm có 46,8% doanh nghiệp kiến nghị được giảm lãi suất cho vay; 33,6% doanh nghiệp kiến nghị nhà nước hỗ trợ bình ổn giá nguyên vật liệu và 32,8% doanh nghiệp kiến nghị ổn định nguồn cung nguyên vật liệu. Một số địa phương có nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm như: TP.Hồ Chí Minh có tới 66,7% doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, 54,8% doanh nghiệp kiến nghị bình ổn giá nguyên vật liệu, 59,5% doanh nghiệp kiến nghị ổn định nguồn cung nguyên vật liệu; Đồng Tháp có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị lần lượt là: 69,1%; 23,8% và 31,0%; Cần Thơ có tỷ lệ doanh nghiệp kiến nghị lần lượt là: 52,6%; 55,3% và 55,3%.
Ngành dệt có 47,9% doanh nghiệp kiến nghị được giảm lãi suất cho vay; 26,9% doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ cắt giảm thủ tục vay vốn; 28,8% doanh nghiệp kiến nghị cắt giảm quy trình xử lý thủ tục hành chính; 30,1% doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ cải thiện chất lượng dịch vụ logistic và 30,1% doanh nghiệp mong muốn được tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng. Các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tập trung chủ yếu ở TP.Hồ Chí Minh 68,8%; Thái Bình 85,7%; Đồng Nai 50%.
[1] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: 79,3% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên (38,8% tăng; 40,5% giữ nguyên) và 20,7% doanh nghiệp nhận định giảm.
[2] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: 79,0% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên (35,5% tăng; 43,5% giữ nguyên) và 21,0% nhận định giảm.
[3] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: 78,1% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên (28,4% tăng; 49,7% giữ nguyên) và 21,9% nhận định giảm.
[4] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: 13,6% doanh nghiệp nhận định sử dụng lao động tăng, 72,7% giữ nguyên và 13,7% nhận định giảm.
[5] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: 19,0% doanh nghiệp đánh giá tồn kho thành phẩm tăng; 50,8% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên; 30,2% doanh nghiệp đánh giá giảm.
[6] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: 17,0% doanh nghiệp nhận định tồn kho nguyên vật liệu tăng; 53,9% nhận định giữ nguyên; 29,1% nhận định giảm.
[7] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: 92,6% doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (25,7% tăng; 66,9% giữ nguyên) và 7,4% nhận định giảm.
[8] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: 91,0% doanh nghiệp nhận định giá bình quân một một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (15,5% tăng; 75,5% giữ nguyên) và 9,0% giảm.
Phí Thị Hương Nga
Trưởng ban Ban Thống kê công nghiệp và xây dựng - Cục Thống kê