Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III, dự báo quý IV năm 2021

01/10/2021 - 11:13 AM
Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý bao gồm 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành chế biến, chế tạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng số doanh nghiệp trả lời trong kỳ điều tra quý III/2021 là 5.663 doanh nghiệp (chiếm 87,1% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra).
 
Trong quý III/2021, dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang gánh chịu nhiều tác động tiêu cực. Báo cáo Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III và dự báo quý IV năm 2021 cho biết:
 
Chỉ có 38,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt lên và giữ ổn định (13,2% tốt lên và 25,4% giữ ổn định)[1], trong khi 61,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
 
Về chỉ số đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản phẩm sản xuất cho thấy tình trạng khó khăn tương tự. Trong bối cảnh khó khăn chung nhưng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất trang phục vẫn có kết quả hoạt động SXKD tốt hơn quý trước.
 
Dự báo quý IV/2021, tình hình khả quan hơn nhiều so với quý III/2021 khi có tới 73,7% doanh nghiệp nhận định tình hình SXKD của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định (43,4% tốt hơn, 30,3% giữ ổn định), tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 26,3%.
 
Nhận định về tình hình SXKD của các doanh nghiệp tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19
 
Tại thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 9,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định (2,1% tốt hơn và 7,6% giữ ổn định); 90,3% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 khả quan hơn quý III/2021 với 49,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và giữ ổn định (26,6% tốt hơn, 22,8% giữ ổn định), 50,6% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
 
Tại Bình Dương, đánh giá khả quan hơn với 50,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn và giữ ổn định (10,7% tốt hơn, 40,0% giữ ổn định), 49,3% khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021, có 87,2% doanh nghiệp dự báo tốt hơn và giữ ổn định (47,3% tốt hơn, 39,9% giữ ổn định) và 12,8% khó khăn hơn.
 
Tại Đồng Nai, chỉ có 0,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD quý III/2021 so với quý II/2021 tốt hơn, 9,3% đánh giá giữ ổn định và 90,3% đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 lạc quan hơn với 75,8% tốt hơn và giữ ổn định (69,1% tốt hơn và 6,7% giữ ổn định), 24,2% khó khăn hơn.
 
Tại tỉnh Long An không có doanh nghiệp nào đánh giá tình hình SXKD của doanh nghiệp quý III/2021 tốt hơn quý II/2021, 28,1% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định và 79,9% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 lạc quan hơn với 56,1% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 33,4% giữ nguyên và chỉ còn 10,5% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
 
Một số nhận định chung về hoạt động sản xuất kinh doanh Quí III và dự báo Quí IV năm 2021
 
1. Các yếu tố ảnh hưởng đến SXKD
 
 Nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp trong quý III/2021: có 50,9% doanh nghiệp lựa chọn nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp; 46,0% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; 35,0% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính; 33,0% doanh nghiệp cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 24,2% doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 23,9% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu; 18,8% doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao; 18,1% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 15,1% doanh nghiệp đánh giá do thiết bị công nghệ lạc hậu; 11,5% doanh nghiệp đánh giá do chính sách pháp luật của nhà nước; 4,8% doanh nghiệp cho rằng không có khả năng tiếp cận vốn vay và thiếu năng lượng là nhân tố ít ảnh hưởng đến SXKD của doanh nghiệp với 1,9% doanh nghiệp lựa chọn.
 
2.  Số lượng đơn đặt hàng
 
Số lượng đơn đặt hàng mới không lạc quan như các quý trước. Theo kết quả khảo sát quý III/2021, chỉ có 44,6% số doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (12,8% tăng và 31,8% giữ nguyên), trong khi 55,4% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng mới giảm[2].
 
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 29,1%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 24,7%; ngành sản xuất trang phục 19,3%... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn đặt hàng quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 71,4%; ngành sản xuất xe có động cơ 68,2%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 61,9%....
 
Dự báo số lượng đơn hàng mới quý IV/2021 so với quý III/2021 khả quan hơn với 75,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (39,2% tăng và 36,5% giữ nguyên), chỉ có 24,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới giảm.
 
3. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới
 
Trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát, có 48,8% doanh nghiệp đánh giá số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý III/2021 tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (11,7% tăng và 37,1% giữ nguyên); tỷ lệ doanh nghiệp dự báo có đơn hàng xuất khẩu mới giảm là 51,2 %[3].
 
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 26,3%; ngành sản xuất đồ uống 20,8%; ngành sản xuất trang phục 18,5%... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng xuất khẩu quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 66,7%; ngành sản xuất giường tủ bàn ghế 62,4%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 61,7%... .
 
Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý IV/2021 khả quan hơn với 77,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý III/2021 (34,6% tăng và 43,0% giữ nguyên); 22,4% doanh nghiệp dự báo giảm.
 
4. Sử dụng lao động
 
Lao động trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2021 giảm so với quý II/2021. Cụ thể, chỉ có 5,7% doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III/2021 so với quý II/2021 tăng; 58,1% doanh nghiệp đánh giá giữ nguyên và 36,2% doanh nghiệp đánh giá giảm[4].
 
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 15,8%; ngành sản xuất trang phục 11,6%; ngành sản xuất thuốc lá 11,1%... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá số lượng lao động quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thiết bị điện 44,8%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 44,0%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 42,6%... .
 
Dự báo sử dụng lao động ở quý IV/2021 so với quý III/2021 khả quan hơn với 84,3% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (22,2% tăng và 62,1% giữ nguyên), 15,7% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.
 
5. Chi phí sản xuất
 
Theo nhận định của các doanh nghiệp về chi phí sản xuất, có tới 89,8% số doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm chính quý III/2021 so với quý II/2021 tăng và giữ nguyên (39,2% tăng và 50,6% giữ nguyên); 10,2% doanh nghiệp đánh giá giảm.
 
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất thuốc lá 50,0%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 48,4%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 45,5%... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế 15,2%; ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 15,0%; ngành sản xuất thiết bị điện và ngành sản xuất xe có động cơ 13,8%... .
 
Dự báo quý IV/2021 so với quý III/2021 có tới 87,2% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên (26,7% tăng và 60,5% giữ nguyên); chỉ có 12,8% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm.
 
6. Khối lượng sản xuất
 
Kết quả khảo sát quý III/2021, có 42,6% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý II/2021 (15,0% tăng và 27,6% giữ nguyên); 57,4% doanh nghiệp đánh giá giảm[5].
 
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học 30,8%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 27,5%; ngành sản xuất trang phục 21,0%... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất xe có động cơ 67,8%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu 64,2%; ngành sản xuất đồ uống 63,6%... .
 
Khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo quý IV/2021 so với quý III/2021, có 76,1% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (43,5% tăng và 32,6% giữ nguyên); 23,9% doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất giảm.
 
7.  Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm
 
Giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý III/2021 của nhiều doanh nghiệp vẫn tương đương với quý II/2021[6]. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên là 88,4% (20,5% tăng và 67,9% giữ nguyên), 11,6% doanh nghiệp nhận định giảm.
 
Theo ngành kinh tế, một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định giá bán bình quân một đơn vị sản xuất quý III/2021 tăng so với quý II/2021 như: ngành sản xuất kim loại 33,1%; ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị 31,0%; ngành sản xuất thiết bị điện 28,5%... Một số ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giá bán bình quân một đơn vị sản phẩm quý III/2021 giảm so với quý II/2021 như: ngành sản xuất xe có động cơ 23,0%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường tủ, bàn ghế) 15,5%; ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế 15,2%...
 
Tỷ lệ doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân trên một đơn vị sản xuất quý IV/2021 so với quý III/2021 tăng và giữ nguyên là 91,3% (19,8% tăng và 71,5% giữ nguyên), có 8,7% doanh nghiệp dự báo giá bán bình quân giảm./.
                            (Trích Báo cáo Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý III, dự báo quý IV năm 2021
 Nguồn: Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng – TCTK)
 
 

 
[1] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 31,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD khó khăn hơn, 68,2% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt lên và giữ ổn định (30,5% tốt lên và 37,7% giữ ổn định).
[2] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 70,0% doanh nghiệp đánh giá đơn hàng mới tăng và giữ nguyên (29,6% tăng; 40,4% giữ nguyên) và 30,0% đánh giá giảm.
[3] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 70,7% doanh nghiệp đánh giá đơn hàng xuất khẩu mới tăng và giữ nguyên (27,0% tăng; 43,7% giữ nguyên) và 29,3% đánh giá giảm.
[4] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 11,9% doanh nghiệp đánh giá lao động tăng, 67,5% giữ nguyên và 20,6% đánh giá giảm.
[5] Chỉ số tương ứng của quý I/2021: Có 68,0% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên (31,0% tăng; 37,0% giữ nguyên) và 32,0% doanh nghiệp đánh giá giảm.
[6] Chỉ số tương ứng của quý II/2021: Có 91,2% doanh nghiệp nhận định giá bình quân một một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên (18,3% tăng; 72,9% giữ nguyên) và 8,8% giảm.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top