Hoạt động SXKD của các doanh nghiệp xây dựng quý I/2025 được nhận định khó khăn hơn quý IV/2024 với 18,8% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn; 39,4% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 41,8% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn. Dự báo quý II/2025 so với quý I/2025 khả quan hơn với 30,8% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 40,7% nhận định giữ ổn định và 28,5% dự báo khó khăn hơn.
Chỉ số cân bằng xu hướng SXKD ngành xây dựng (thể hiện số phần trăm doanh nghiệp nhận định tốt hơn hoặc tăng lên trừ đi số phần trăm doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn hoặc giảm đi) quý I/2025 so với quý IV/2024[1] là -23,0% (18,8% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD thuận lợi hơn và 41,8% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD khó khăn hơn). Dự báo quý II/2025 so với quý I/2025 khả quan hơn với với chỉ số cân bằng là 2,3% (30,8% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn và 28,5% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn).
CHỈ SỐ CÂN BẰNG XU HƯỚNG SXKD NGÀNH XÂY DỰNG (%)

Hợp đồng xây dựng mới quý I/2025 được nhận định giảm so với quý IV/2025 với 61,0% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng và không đổi so với quý IV/2024 (17,8% doanh nghiệp nhận định tăng; 43,2% doanh nghiệp nhận định không đổi); có 39,0% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm[2]. Quý II/2025, các doanh nghiệp dự báo hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý I/2025 với 78,0% doanh nghiệp nhận định tăng và không đổi (32,0% doanh nghiệp nhận định tăng; 46,0% doanh nghiệp nhận định không thay đổi); 22,0% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Về vốn cho SXKD, trong quý I/2025 có 77,7% doanh nghiệp vay vốn cho hoạt động SXKD[3], trong đó có 75,8% doanh nghiệp vay ngân hàng. Trong số các doanh nghiệp có vay vốn ngân hàng, chỉ có 38,2% doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi; 61,8% doanh nghiệp không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi. Nhận định về tình hình vay vốn cho hoạt động SXKD, có 15,6% doanh nghiệp nhận định vay vốn quý I/2025 thuận lợi hơn quý IV/2024, 58,6% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 25,8% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn. Dự báo quý II/2025, có 18,8% doanh nghiệp nhận định vay vốn thuận lợi hơn quý I/2025, 60,6% doanh nghiệp nhận định không thay đổi, 20,6% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn.
Khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng
Quý I/2025 diễn ra kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, bên cạnh đó nhiều dự án, đặc biệt các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước phải chờ quyết định giao vốn hoặc quyết định chuyển giao vốn từ năm trước đã ảnh hưởng một phần đến việc ký kết các hợp đồng xây dựng mới. Theo kết quả khảo sát quý I/2025, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp là “không có hợp đồng xây dựng mới” với 50,7% số doanh nghiệp nhận định, thứ hai là “giá nguyên vật liệu tăng cao” có ảnh hưởng tới 47,1% doanh nghiệp. Ngoài ra, các yếu tố khác ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp như sau:
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG SXKD CỦA DOANH NGHIỆP XÂY DỰNG QUÝ I/2025 (%)

Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động SXKD, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể: (1) Có 48,2% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên, vật liệu xây dựng; (2) 43,5% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho SXKD như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; (3) 43,0% doanh nghiệp đề nghị công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu; (4) 35,7% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; (5) 27,6% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động SXKD; (6) 27,2% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng sạch đúng kế hoạch để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết.
Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương:
Thứ nhất, giá nguyên vật liệu xây dựng quý I/2025 diễn biến phức tạp với xu hướng tăng so với thời điểm cuối năm 2024 và tiếp tục được dự đoán sẽ tăng trong quý II/2025. Vì vậy, doanh nghiệp xây dựng mong muốn có biện pháp để bình ổn giá nguyên vật liệu;
Thứ hai, tình trạng thiếu hợp đồng xây dựng mới khiến nhiều nhà thầu xây dựng sẵn sàng giảm giá gói thầu để trúng thầu, mặc dù dự toán gói thầu được các chủ đầu tư căn cứ trên đơn giá, định mức bám sát thị trường. Với việc giảm giá gói thầu dẫn tới chất lượng công trình bị giảm, nhà thầu bỏ dở công trình làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công công trình. Vì vậy, cần có giải pháp để hạn chế hiện tượng phá giá để trúng thầu, tạo môi trường đấu thầu lành mạnh, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp xây dựng;
Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã được cải thiện rất đáng kể. Tuy nhiên, doanh nghiệp xây dựng vẫn mong muốn việc cải cách phải thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh đất nước đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Nguồn: Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng - Cục Thống kê
[1] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: 3,6% (29,9% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn và 26,3% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn).
[2] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: có 78,3% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng và không đổi (25,5% doanh nghiệp nhận định tăng; 52,8% doanh nghiệp nhận định không đổi); có 21,7% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
[3] Chỉ số tương ứng của quý IV/2024: 76,1% doanh nghiệp vay vốn phục vụ SXKD.