Xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô nhiều dư địa phát triển

25/02/2025 - 01:41 PM

Kim ngạch xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam đang có xu hướng tăng. Năm 2025 dự báo xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô hứa hẹn sẽ tiếp tục khởi sắc và là ngành đem lại giá trị xuất khẩu cao trong số các nhóm ngành tỷ USD của Việt Nam.

 Xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô nhiều dư địa phát triển

Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây kim ngạch xuất khẩu phụ tùng ô tô của Việt Nam giữ được nhịp độ tăng trưởng hai con số là do đã có sự chuyển dịch sản xuất hợp lý từ các thị trường lớn như Trung Quốc sang các thị trường nhỏ hơn nhưng có tiềm năng tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có nhiều đổi mới bắt nhịp dần với nhu cầu sản xuất quy mô lớn và ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh lớn trong sản xuất dây điện cho ô tô và là quốc gia xuất khẩu đứng thứ 3 thế giới về mặt hàng này, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện có khoảng 350 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, trong số đó trên 60% là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác xuất khẩu linh kiện với nhiều quốc gia sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Đức…

Ngoài ra, các trung tâm ô tô lớn như: Nhật Bản, Mỹ, EU và Thái Lan đang nhập khẩu dây cáp điện ô tô từ Việt Nam. Điều này đã khẳng định vị thế mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng vật tư lắp ráp ô tô toàn cầu của Việt Nam.

 Xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô nhiều dư địa phát triển 1

Đánh giá về thị trường phát triển ngành sản xuất và xuất khẩu linh kiện của các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dư địa thị trường để phát triển ngành này khá tiềm năng nếu các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội. Để nâng cao năng lực xuất khẩu linh kiện ô tô trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy liên kết, kết nối các doanh nghiệp với nhau và với các doanh nghiệp lớn trên thế giới để tạo dựng thị trường và tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định FTA. Đặc biệt, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, đến năm 2030: Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trên cơ sở bảo đảm về mục tiêu, hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội; hướng mục tiêu tới việc tiếp cận và chủ động về công nghệ sản xuất các chi tiết máy; đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường và xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và năng lượng xanh, tăng cường khả năng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia vào chuỗi giá trị ô tô toàn cầu, có giá trị xuất khẩu lớn./.

PV


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top