Theo nhận định của giới chuyên gia, năm 2021, dự báo xuất khẩu thủy sản Việt Nam được đánh giá sẽ khả quan hơn rất nhiều so với năm 2020, nhờ những tác động tích cực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Thực tế, những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường có hiệp định thương mại tự do đã ghi nhận sự tăng trưởng tích cực và sẽ đóng vai trò đáng kể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 và những năm tới.
Xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 nhiều khởi sắc
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch COVID-19 kéo dài cả năm 2020 làm gián đoạn hoạt động thương mại thủy sản toàn cầu, làm thay đổi xu hướng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam cũng biến động theo xu hướng thị trường, dẫn đến xuất khẩu tôm chân trắng, tôm biển, cá biến, cua ghẹ tăng, trong khi xuất khẩu cá tra giảm sâu, cá ngừ, mực và bạch tuộc giảm nhẹ.
Cũng theo VASEP, dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu nhập khẩu thủy sản trên các thị trường. Tuy nhiên, các nước nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam như: EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ bị sụt giảm nhẹ từ 3-6%, trong khi thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ vẫn tăng đáng kể với mức tăng là 15%. Riêng thị trường EU, dù sụt giảm nhưng lại ghi nhận sự bứt phá đáng kể sau khi EVFTA có hiệu lực.
Ảnh minh họa
Năm 2021, tình hình thương mại thủy sản sẽ vẫn bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19, thậm chí đây là yếu tố chính chi phối xu hướng xuất nhập khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể duy trì thế mạnh cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu so với các nước khác. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam hồi phục ở một số thị trường. Sau một năm, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ có thêm kinh nghiệm và sự linh hoạt thích ứng với biến động và thay đổi nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Vì vậy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam những tháng đầu năm 2021 vẫn đạt kết quả tăng trưởng tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6/2021 tiếp tục tăng 20% so với so với tháng 6/2020, đạt 865 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt trên 4,1 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu từ VASEP cho thấy, xuất khẩu tôm Việt Nam đang đạt vị thế số một tại nhiều thị trường. Xuất khẩu tôm trong tháng 6/2021 đạt khoảng 402 triệu USD, tăng 15%, đưa tổng kim ngạch 6 tháng đầu năm lên 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tôm chân trắng chiếm 76% với trên 1,3 tỷ USD, tăng 23%; tôm sú chiếm 15%, đạt 257 triệu USD, giảm 10%; tôm biển các loại chiếm 9% đạt 154 triệu USD, giảm 16%. Những thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức đều đang gia tăng nhập khẩu tôm, do vậy, xuất khẩu sang các thị trường này đạt mức tăng trưởng tốt. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ đang có đà tăng trưởng hàng tháng 45-46%, Nhật Bản tăng 17%, Hàn Quốc tăng 10%, Đức tăng 60%, Anh tăng 15%. Trừ thị trường Mỹ và Trung Quốc, tôm Việt Nam đang đứng vị trí số một tại hầu hết các thị trường với kim ngạch nổi trội hơn so với các nước khác.
Bên cạnh tôm, xuất khẩu cá tra cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Sau khi tăng mạnh 39% trong tháng 5/2021, xuất khẩu cá tra tiếp tục tăng 35% trong tháng 6, đạt trên 150 triệu USD. Kết quả xuất khẩu cá tra nửa đầu năm 2021 đạt 788 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ và một số những thị trường nhỏ đang hồi phục rất mạnh mẽ, trong đó xuất khẩu sang Mỹ đang tăng khoảng trên 170%, chiếm 21%. Xuất khẩu sang Mexico, Brazil, Anh, Thái Lan, Hà Lan, Colombia, Nga đều đạt mức tăng trưởng 3 con số (từ 100 – 450%). Mỗi thị trường này chiếm khoảng 2,5-4% giá trị XK cá tra của Việt Nam, sẽ là những điểm đến tiềm năng cho cá tra Việt Nam, bù đắp sự sụt giảm tại Trung Quốc.
Xuất khẩu hải sản sang các thị trường cũng đạt nhiều tín hiệu lạc quan. Tính đến hết tháng 6/2021, xuất khẩu các sản phẩm hải sản Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16%. Riêng trong tháng 6, xuất khẩu hải sản đạt 312 triệu USD tăng 21%. Hải sản chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ chiếm 9% với 364 triệu USD trong nửa đầu năm, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 15% đạt 277 triệu USD, chiếm 7%; các loại cá khác chiếm 22% đạt 847 triệu USD, tăng 13%...
Cả mực, bạch tuộc và cá ngừ đều đang có đà tăng trưởng mạnh tại hầu hết các thị trường lớn. Trong vài tháng gần đây, thị trường Mỹ tăng nhập khẩu cá ngừ Việt Nam gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, do vậy nửa đầu năm xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng 23%. Mỹ đang tiêu thụ 43% xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Thị trường Mỹ mở cửa trở lại, tất cả các phân khúc sản phẩm cá ngừ đều có cơ hội gia tăng thị phần sang đây. Các thị trường xuất khẩu cá ngừ chủ lực khác dù chiếm tỷ trọng nhỏ hơn nhưng đều có những tín hiệu rất lạc quan, bởi mức tăng trưởng rất cao trong 6 tháng đầu năm: Italy tăng 122%, sang Israel tăng 37%, Canada tăng 62%.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc – thị trường lớn nhất (chiếm 41%) đang có xu hướng gia tăng với tăng trưởng 7-8%, sang Nhật Bản (chiếm 20%) cũng đang có chiều hướng tốt. Trong khi đó, xuất khẩu sang Italy đang tăng vọt 170% qua các tháng gần đây và tăng gần 70% trong nửa đầu năm. Đó là những tín hiệu để mặt hàng này tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng mạnh hơn trong những tháng tiếp theo.
Bộ Công Thương nhận định, những kết quả xuất khẩu rất khả quan trong nửa đầu năm 2021 cho thấy, mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 8,8-9 tỷ USD vào cuối năm 2021 là hoàn toàn khả thi.
Động lực từ các FTA
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những yếu tố giúp cho xuất khẩu đạt kết quả khởi sắc trong những tháng đầu năm 2021 là do một số ngành có lợi thế xuất khẩu từ các FTA. Năm 2020, Việt Nam có 3 FTA được ký kết và đi vào thực hiện, đó là: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Trong đó, EVFTA và RCEP là những Hiệp định có quy mô rất lớn và được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có tác dụng xúc tác, kích thích lớn nhất, góp phần tăng doanh số xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, hiệp định UKVFTA cũng đã tạo động lực tăng trưởng mới cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam với những thuận lợi về thương mại, ưu đãi thuế quan, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cho hàng loạt mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam sang thị trường này. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu thủy sản trong năm 2021.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam từ đầu năm 2021 đến nay đã phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19, chủ yếu do các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội thị trường vì nguồn cung nguyên liệu thủy sản trong nước ổn định, trong khi một số nguồn cung từ các thị trường khác bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Cụ thể, đối với thị trường Mỹ, tiêu thụ thủy sản tại thị trường này tăng mạnh ngay cả trong thời kỳ đại dịch và tiếp tục tăng mạnh nhờ chiến dịch tiêm chủng Covid-19 nhanh, cùng với gói kích thích kinh tế kịp thời của Chính phủ Mỹ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của nước này ở các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí… phục hồi. Đặc biệt, mặt hàng tôm luôn nằm trong nhóm sản phẩm thuỷ hải sản tiêu thụ hàng đầu của Mỹ, Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng thị phần tại thị trường Mỹ khi ngành thủy sản Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid bùng phát và xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc sang Mỹ vẫn bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại giữa 2 nước và do chính quy định kiểm soát dịch Covid-19 của nước này.
Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU cũng tăng mạnh khi nhu cầu thị trường này phục hồi và thủy sản Việt Nam có lợi thế với ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Mặc dù kinh tế EU phục hồi chậm hơn so với Mỹ, nhưng nhu cầu tiêu thụ thủy sản đang phục hồi khi dịch Covid-19 dần được khống chế, các nước trong khu vực đang từng bước mở cửa dịch vụ ăn uống ngoài gia đình và ngành du lịch.
Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường có FTA tiếp tục tăng mạnh, trong đó xuất khẩu sang Australia, Canada và Nga đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ Công Thương nhận định, trong nửa cuối năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi khi các doanh nghiệp đã thích nghi tốt với những biến đổi của thị trường dưới tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhu cầu từ các thị trường lớn tăng khi kinh tế phục hồi sau đại dịch và các ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực cũng là yếu tố hỗ trợ cho ngành thủy sản Việt Nam. Trong thời gian tới, khi các hiệp định được thực thi một cách đầy đủ hơn, toàn diện hơn cũng như khi các yếu tố về dịch bệnh có thể được đẩy lùi, cộng thêm việc đưa vaccine vào áp dụng đại trà trong năm 2021 và năm 2022 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Vì vậy, để tận dụng ưu đãi từ thị trường do các FTA mang lại, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cần tiếp tục tăng cường hàm lượng sản phẩm chế biến, có giá trị cao và phải tạo ra sự khác biệt rõ nét cho sản phẩm cả về chất lượng và hình thức. Cụ thể như sản phẩm chủ lực tôm xuất khẩu, khi khó giảm giá thành thì buộc phải tạo ra sự khác biệt về chất lượng để cạnh tranh với sản phẩm tương đồng đến từ các quốc gia phát triển nhanh như Ấn Ðộ, Indonesia. Hay như cá tra, cần đa dạng các sản phẩm chế biến sâu, phù hợp nhu cầu người tiêu dùng từng quốc gia, khu vực.../.
Tiến Long