Xuất khẩu thủy sản tháng Tám tiếp đà tăng trưởng mạnh

10/09/2024 - 08:50 AM
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng Tám năm 2024, xuất khẩu thủy sản tiếp nối đà phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng khá cao, đạt 14,7% so với cùng kỳ năm 2023 với trị giá xuất khẩu đạt 983 triệu USD. Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 6,3 tỷ USD, tăng trưởng 9,0% so với cùng kỳ năm trước.
 
Nguồn cung trong nước sẵn sàng cho nhu cầu xuất khẩu
 
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng Tám năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác, nuôi trồng tăng khá đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, sản lượng thủy sản tháng Tám ước đạt 862,3 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá ước đạt 561,0 nghìn tấn, tăng 2,4%; tôm ước đạt 176,3 nghìn tấn, tăng 2,7%; thủy sản khác ước đạt 125,0 nghìn tấn, tăng 2,6%.
 
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng Tám ước đạt 522,4 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 293,0 nghìn tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 165,7 nghìn tấn, tăng 2,8%.
 
Sản lượng cá tra tháng Tám ước đạt 148,2 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu duy trì ổn định ở mức giá cao nên hộ nuôi cá và doanh nghiệp tăng sản lượng nuôi, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Tính đến ngày 21/8/2024, giá cá tra nguyên liệu kích cỡ 800gr-1,1kg mua tại ao dao động từ 26-26,5 nghìn đồng/kg.
 
Xuất khẩu thủy sản tháng Tám tiếp đà tăng trưởng mạnh
Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 6,3 tỷ USD, tăng trưởng 9,0% so với cùng kỳ năm trước
 
Sản lượng tôm tháng Tám tăng so với cùng kỳ năm trước do hoạt động xuất khẩu tăng và là thời điểm tận thu sản lượng thủy sản trong đó có tôm nước lợ. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 119,6 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 30,0 nghìn tấn, tăng 1,7%.
 
Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 339,9 nghìn tấn, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 268,0 nghìn tấn, tăng 0,1%; tôm đạt 10,6 nghìn tấn, tăng 1,0%; thủy sản khác đạt 61,3 nghìn tấn, tăng 2,5%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 314,6 nghìn tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Tính chung 8 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 6.090,1 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 4.321,3 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 877,2 nghìn tấn, tăng 3,9%; thủy sản khác 891,6 nghìn tấn, tăng 2,2%.
 
Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh 
 
Với nguồn cung, uy tín, chất lượng, thương hiệu đảm bảo và ngày càng được nâng cao, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam liên tiếp ghi nhận tín hiệu tích cực. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trừ mặt hàng mực, bạch tuộc có doanh số xuất khẩu giảm 15% trong tháng Tám, tất cả các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực khác đều có tăng trưởng 2-3 con số. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 30%, cá tra tăng 18%, cá ngừ tăng 13% và các loại cá biển khác tăng 12%.
 
Tính đến hết tháng Tám, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm chân trắng đạt khoảng 1,75 tỷ USD, tăng 8%, xuất khẩu tôm sú vẫn thấp hơn 7% so với cùng kỳ, đạt gần 290 triệu USD. Riêng tôm hùm vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong tháng Tám, do vậy kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm cao hơn 140% so với cùng kỳ năm 2023.
 
VASEP cho biết, ngoài những thách thức là thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá, thì xuất khẩu tôm đang có chiều hướng tích cực, mức tăng trưởng trong những tháng gần đây đều ổn định. Sau Triển lãm thủy sản Vietfish tháng Tám vừa qua, xuất khẩu có thể có tín hiệu tốt hơn.
 
Bên cạnh đó, dự đoán sản lượng từ Trung Quốc, Ecuador và Ấn Độ đều sẽ giảm trong năm nay, khiến sản lượng toàn cầu giảm khoảng 260 nghìn tấn (tương đương giảm 5%) xuống còn 4,89 triệu tấn. Mức tiêu thụ tôm bắt đầu tăng ở châu Âu, thị trường Mỹ cũng đã hồi phục nhẹ. Với dự báo sản lượng tôm toàn cầu năm 2024 giảm trong khu nhu cầu có xu hướng tăng cũng sẽ tác động làm tăng giá tôm xuất khẩu.
 
Trong khi đó, xuất khẩu cá tra trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự hồi phục của thị trường Mỹ được cho là đòn bẩy cho sự tăng trưởng xuất khẩu cá tra, nhất là trong bối cảnh nhập khẩu từ Trung Quốc không mấy lạc quan. Theo đó, 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi XK sang Trung Quốc vẫn giảm 3%. Thông qua các chương trình mời thầu của Bộ Nông nghiệp nước Mỹ, dự kiến quốc gia này vẫn tiếp tục có nhu cầu mua các loài cá thịt trắng. Cụ thể, ngày 29/8/2024, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố sẽ mua thêm cá tuyết Thái Bình Dương, còn gọi là cá tuyết, phi lê cá mú và các sản phẩm từ cá da trơn. USDA cho biết đã trả 6,5 triệu đô la cho 1,5 triệu pound cá da trơn.
 
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tính tới cuối tháng Tám đạt 652 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Xu hướng chung thị trường vẫn có nhu cầu đối với sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo nhận định của VASEP, những tháng tới xuất khẩu cá ngừ khó giữ được đà tăng trưởng tốt như từ đầu năm tới nay do khả năng cao thiếu nguyên liệu. Nhất là sau khi Nghị định quy định kích thước tối thiểu cho cá ngừ vằn được triển khai, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tìm mua được cá ngừ theo đúng quy định kích thước đó. Điều đó dẫn đến khả năng cao không đủ nguyên liệu trong nước để sản xuất cá ngừ hộp, cũng như sản phẩm xuất khẩu khác.
 
Ngoài ra, các sản phẩm mực, bạch tuộc bị tác động rõ rệt nhất bởi thẻ vàng IUU khi việc làm xác nhận, chứng nhận khai thác cho sản phẩm này gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp không có nguyên liệu đảm bảo đủ giấy tờ xuất khẩu. Do vậy, tính tới cuối tháng 8/2024, xuất khẩu mực bạch tuộc vẫn giảm 2% so với cùng kỳ đạt 402 triệu USD.
 
Theo nhận định chung, kết quả xuất khẩu thủy sản trong những tháng vừa qua tại các thị trường đều ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan hơn nhờ sự phục hồi về nhu cầu và giá xuất khẩu. Với đà tăng trưởng xuất khẩu của những tháng qua, Việt Nam có thể kỳ vọng tăng trưởng kim ngạch thủy sản năm 2024 có thể về đích, thậm chí vượt mục tiêu kỳ vọng. Tuy nhiên, việc cơn bão số 3 với tên gọi YAGI vừa đổ bộ và gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định… nguồn cung thủy sản có thể bị ảnh hưởng lớn do thiệt hại từ các lồng bè nuôi thủy sản. Dó đó, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cần sớm cập nhật tình hình, chủ động phương án để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các đơn hàng./.
 
                                                                                                        Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top