Năm 2024, nhiều giải pháp đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tích cực, đem lại sự hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong kết nối, khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước. Qua đó, xúc tiến thương mại khẳng định là yếu tố then chốt, tạo xung lực cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vượt qua thách thức, tiến bước bứt phá và đạt thành tựu ấn tượng.
Từ khóa: Xúc tiến thương mại, xuất khẩu, hàng hóa, Việt Nam…
Abstract: In 2024, many innovative solutions for trade promotion activities will be actively implemented, providing effective support for businesses in connecting, exploiting, expanding export markets and developing domestic markets. Thereby, trade promotion is affirmed as a key factor, creating momentum for Vietnamese goods exports to overcome challenges, make breakthroughs and achieve impressive achievements.
Keywords: Trade promotion, export, goods, Vietnam...
Xung lực mạnh mẽ thúc đẩy hàng hóa Việt Nam chinh phục thị trường thế giới
Năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức và các diễn biến khó lường, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Mặc dù, xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng của các yếu tố khách quan như suy thoái kinh tế toàn cầu, giá nguyên liệu thô tăng cao và tình hình chính trị bất ổn tại một số khu vực, nhưng nhờ các giải pháp, chiến lược xuất khẩu mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp của hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả, xuất khẩu Việt Nam đã từng bước khôi phục và tăng trưởng ấn tượng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm đạt mức cao nhất từ trước đến nay với kỷ lục 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%. Có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%.
Xúc tiến thương mại góp phần tích cực vào kết quả ấn tượng của kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2024
Hoạt động xúc tiến thương mại đã có đóng góp không nhỏ trong thành tựu xuất khẩu vượt bậc của Việt Nam năm 2024 kể trên với nhiều kết quả nổi bật. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong năm 2024, hoạt động phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xúc tiến thương mại nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Theo đó, Nghị định số 128/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại đã đơn giản hóa 10 thủ tục hành chính về hoạt động khuyến mại và hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại và dự kiến giảm tới hơn 100 nghìn lượt hồ sơ thủ tục hành chính về khuyến mại mỗi năm và cắt giảm trên 90% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Trong năm, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại tham gia và hưởng lợi; tổng giá trị hợp đồng được ký kết trực tiếp tại các sự kiện thương mại quốc tế đạt gần 100 triệu USD; doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, mua sắm.
Đáng chú ý, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mới lần đầu tiên được triển khai đã hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu trong các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa kênh xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài. Điển hình như: Triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam lần thứ nhất - VIATT 2024, Lễ hội Trái cây Việt Nam tại Trung Quốc, Hội chợ thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 3 tại Trung Quốc, Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu - OCOPEX…
Đặc biệt, phát triển thương hiệu quốc gia cũng tích cực được đẩy mạnh. Theo đó, tại kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia lần thứ 9 năm 2024, đã có 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, tăng 10,5% về số lượng sản phẩm và 10,5% về số lượng doanh nghiệp so với kỳ xét chọn lần thứ 8. Qua đó có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến công tác phát triển thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Xúc tiến thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế xanh được quan tâm, triển khai thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024) với chủ đề “Kiến tạo Tương lai xanh”, Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”, Lễ Công bố các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh”… nhằm nâng cao nhận thức và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi xanh cũng như góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội để hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: CPTPP, EVFTA, hay RCEP, nhu cầu thúc đẩy xuất khẩu càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, xúc tiến thương mại giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vượt qua những rào cản về thị trường, tiêu chuẩn kỹ thuật, và bảo vệ thương hiệu trên các thị trường quốc tế. Đem lại cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn thông tin về xu hướng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, từ đó điều chỉnh chiến lược sản xuất và marketing phù hợp.
Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 vẫn tồn tại khó khăn như: Nguồn lực ngân sách nhà nước cấp cho công tác xúc tiến thương mại hiện vẫn còn hạn chế, cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động xúc tiến thương mại, chưa được cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc triển khai. Ngoài ra, mô hình tổ chức về cơ quan xúc tiến thương mại ở các địa phương trong cả nước chưa thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan xúc tiến thương mại ở cả trung ương đến địa phương trong phối hợp, liên kết triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng…
Đẩy mạnh giải pháp trọng tâm trong năm 2025
Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 xác định mục tiêu năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7,0% và phấn đấu khoảng 7,0 - 7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD Mỹ;…
Dự báo năm 2025, nền kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều biến động, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực, những yếu tố về giá nguyên liệu thô và tình hình chính trị thế giới phức tạp vẫn có khả năng ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu. Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm và vấn đề bảo vệ thương hiệu trên các thị trường quốc tế cũng là những thách thức lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt.
Tuy nhiên, với những thành tựu đạt được trong năm qua, xuất khẩu của Việt Nam vẫn được kỳ vọng là một trong những động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, xúc tiến thương mại tiếp tục đóng vai trò then chốt, không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu Việt Nam bứt phá trong giai đoạn mới.
Theo Cục Xúc tiến thương mại, để phát huy những kết quả hoạt động xúc tiến thương mại đã đạt được trong năm 2024 và là tiền đề để nâng tầm hoạt động xúc tiến thương mại đảm bảo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua triển khai một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành liên quan trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.
Hai là, tăng cường xúc tiến xuất khẩu khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.
Ba là, chú trọng xúc tiến nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu đảm bảo nguồn cung đầu vào phục vụ phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, hỗ trợ địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước tiếp nhận chuyển giao công nghệ, từng bước làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia chuỗi cung ứng quốc tế bền vững.
Bốn là, tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin cập nhật về thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu. Qua đó, góp phần tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế.
Năm là, tiếp tục nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo kỹ năng xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thiết kế sinh thái, kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, cần tiếp tục thúc đẩy hoàn thiện môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính; đồng thời cung cấp các chính sách ưu đãi, tín dụng xuất khẩu, hỗ trợ chi phí xúc tiến thương mại. Xác định rõ tầm trong trọng trong cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin, mở rộng thị trường.
Các chiến lược xúc tiến thương mại sáng tạo và hiệu quả, kết hợp với chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội và đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Qua đó, xuất khẩu Việt Nam không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2024, Tổng cục Thống kê.
2. Báo cáo về công tác xúc tiến thương mại năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương
Thu Hiền