Những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND – UBND tỉnh, sự tham mưu tích cực của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các chính sách, chương trình và giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái được triển khai đồng bộ, hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Học sinh Trường Trung cấp Lục Yên thực hành nghề điện
Củng cố, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm thống nhất đầu mối và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tính đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 03 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp, 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện và 02 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp tinh gọn, chất lượng; phù hợp về quy mô, hợp lý về cơ cấu, đa dạng về ngành nghề, trình độ, loại hình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt, để phát triển các trường đào tạo nghề chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đầu tư sơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, phù hợp với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, phù hợp với định hướng phát triển ngành nghề đào tạo; có phân tầng chất lượng phù hợp với đặc thù các ngành, nghề đào tạo; ưu tiên thực hiện đối với trường chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm quốc tế, ASEAN và quốc gia; tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đào tạo thực hành cho người học.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề Yên Bái trong giờ thực hành
Giai đoạn 2021-2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh được phê duyệt xây dựng đầu tư 17 ngành nghề trọng điểm (gồm: 02 nghề trọng điểm quốc tế; 03 nghề trọng điểm ASEAN, 12 nghề trọng điểm quốc gia). Trường Cao đẳng nghề Yên Bái được đầu tư để trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao của cả nước đến năm 2025, từng bước trở thành một trong những trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao của khu vực. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, UBND tỉnh Yên Bái đã đầu tư cho 06 cơ sở đào tạo từ nguồn ngân sách thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và nguồn ngân sách địa phương với tổng kinh phí trên 48 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên cập nhật, bổ sung, điều chỉnh chương trình đào tạo đảm bảo theo quy định Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chương trình đào tạo được xây dựng đảm bảo đủ khối lượng kiến thức, kỹ năng, đáp ứng theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, cập nhật được những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới của ngành nghề đào tạo và phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Người dân huyện Văn Yên ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất thông qua
Chương trình đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2021-2023: Tỉnh Yên Bái đã mở trên 420 lớp đào tạo nghề và đã đào tạo cho 12.561 người (bình quân đào tạo trên 4.000 người/năm). Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã thực sự có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, trang bị những kiến thức cơ bản, nâng cao tay nghề cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn Tỉnh nói chung, chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn nói riêng, nhất là nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các em học sinh Yên Bái được tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại Ngày hội việc làm
Người dân được tiếp cận những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hoá trên một đơn vị diện tích sản xuất. Nhiều học viên sau các lớp học nghề điện dân dụng, cơ khí nông nghiệp, kỹ thuật xây dựng, gò hàn... đã tự thiết kế, tính toán, lắp đặt mạng điện trong gia đình, áp dụng các quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn, tăng tuổi thọ dụng cụ thiết bị sử dụng trong sinh hoạt, biết cách bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng thông thường cho các loại máy móc, công cụ phục vụ sản xuất. Đa số học viên sau khi học nghề đã tìm kiếm được việc làm mới hoặc tự tổ chức sản xuất, kinh doanh theo ngành nghề. Sau học nghề đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, cho thu nhập cao góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Người lao động tìm hiểu thông tin, cơ hội việc làm tại Hội chợ việc làm tỉnh Yên Bái
Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động
Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động liên kết với các Trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh tìm kiếm, định hướng và lựa chọn nghề nghiệp đào tạo sát với thực tế nông thôn miền núi; kết nối cung - cầu lao động, tư vấn và dự báo thông tin thị trường lao động. Trên cơ sở đó đã hình thành mô hình liên kết đào tạo, bám sát chuẩn đầu ra và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo hướng xã hội hóa, tạo nên những mô hình liên kết đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động khu vực nông thôn, nhiều hình thức liên kết đào tạo nghề được hình thành như: Đào tạo tập trung, đào tạo ngắn hạn, đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, địa phương... với các trình độ từ Sơ cấp đến Đại học nhằm kịp thời cung ứng đủ nguồn lao động và đáp ứng nhu cầu đa dạng ngành nghề đào tạo.
Hội thảo Hợp tác đào tạo và giải quyết việc làm giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái với các tổ chức, doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Nguyên
Nhờ có mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề rộng khắp, chất lượng được nâng cao, việc liên kết đào tạo nghề cho lao động nông thôn diễn ra thuận lợi, đúng đối tượng, đạt hiệu quả cao. Theo báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, mỗi năm khoảng 2% lao động nông nghiệp chuyển dịch sang phi nông nghiệp, tương ứng với gần 7.000 lao động; giải quyết việc làm cho 23.000 lao động, xuất khẩu 300 lao động. Hiện, Yên Bái còn 54% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống 51% vào năm 2025./.
Ngô Thanh Giang
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái