Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia

28/05/2024 - 11:29 AM

Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Bắc Việt Nam, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi, song với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, thu hút mọi nguồn lực, khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, phát huy nhân tố con người, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là đối tượng phục vụ, Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội...


Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn giới thiệu với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang các sản phẩm của Yên Bái trưng bày tại Hội chợ Trung Quốc – Nam Á lần thứ 7 và Hội chợ xuất nhập khẩu Côn Minh lần thứ 27

Những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội

Bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, xung đột địa chính trị, đã tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Dưới dự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt nhiều kết quả quan trọng, thể hiện trên một số lĩnh vực, cụ thể: Giai đoạn 2021-2023, kinh tế tỉnh Yên Bái tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,11%; năm 2022 đạt 8,62%; năm 2023 đạt 6%; bình quân từ đầu nhiệm kỳ, tốc độ tăng GRDP đạt 7,28%/năm. Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững; tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp năm 2023 đạt 5,29%. Đến nay, toàn Tỉnh có 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 04/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn và ông Mun Hyun - Chủ tịch Quỹ Phát triển hạnh phúc (Hàn Quốc) ký thỏa thuận hợp tác về các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, giao lưu kinh tế, du lịch, y tế…

Lĩnh vực công nghiệp tiếp tục phát triển, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hạ tầng khu, cụm công nghiệp được quan tâm đầu tư. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2023 đạt 6,46%. Lĩnh vực dịch vụ, thương mại có bước phát triển khá, năm 2023, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 6%. Phát triển du lịch theo hướng “xanh, bản sắc, hấp dẫn”; xây dựng hình ảnh và thương hiệu “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”, “điểm đến an toàn, thân thiện, đặc sắc, hấp dẫn, ấn tượng”.

Về công tác cải cách hành chính: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh, đến nay, toàn Tỉnh có trên 3.230 doanh nghiệp, 730 hợp tác xã; thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế tiếp tục được quan tâm, toàn Tỉnh hiện có trên 624 dự án được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 106 nghìn tỷ đồng và 181 triệu USD; đã có trên 292 dự án đi vào hoạt động, chiếm 47% tổng số dự án. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, năm 2023 tổng vốn đầu tư phát triển đạt trên 20.000 tỷ đồng. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hằng năm vượt so với dự toán Trung ương giao, năm 2023 đạt 4.102,5 tỷ đồng.


Đoàn công tác tỉnh Yên Bái làm việc với Chính quyền thành phố Meabashi, tỉnh Gunma, Nhật Bản
về các lĩnh vực đầu tư, thương mại, đào tạo nghề

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được chăm lo phát triển; công tác an sinh xã hội được bảo đảm; giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được nâng lên; công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường, quốc phòng - an ninh được tăng cường.

Thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, chăm lo hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế

Từ năm 2021 đến nay, Đảng, Nhà nước đã có nhiều Chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Các chương trình, dự án, chính sách được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy được hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách tại địa phương, từ đó tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước. Kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tiếp tục có bước phát triển bền vững và đã đạt được những kết quả quan trọng, giáo dục và đào đạo được củng cố và nâng cao chất lượng; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng; chăm lo giải quyết việc làm cho người lao động, xoá đói giảm nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt.


Tỉnh Yên Bái trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư tại Hội nghị gặp mặt
doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu năm 2024

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái phối hợp với các đơn vị liên quan, tham mưu cho cấp có thẩm quyền phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành thực hiện, với tổng vốn Trung ương giao giai đoạn 2021-2023 là 2.082.930 triệu đồng. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng kinh phí đã giao năm 2022, năm 2023 là 1.195.503 triệu đồng, đã thực hiện vốn đầu tư 601.783 triệu đồng, đạt 99,78% kế hoạch; vốn sự nghiệp 221.179 triệu đồng, đạt 70,20% kế hoạch...

Từ nguồn vốn đầu tư thực hiện hỗ trợ các Dự án, tiểu Dự án đã làm mới 828 nhà ở cho hộ nghèo và đầu tư 222 công trình, trong đó: Hoàn thành 23 công trình nước sinh hoạt tập trung; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc tiểu số và miền núi 166 công trình (109 công trình đường, cầu, ngầm, kè; 20 công trình thuỷ lợi; 15 công trình trường học; 8 công trình chợ; 4 công trình điện; 7 công trình nhà văn hóa; 3 công trình sân thể thao); 18 công trình cho học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và các trường có học sinh bán trú; 13 công trình phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.


Nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng tại Yên Bái, góp phần nâng cao khả năng vận tải, giảm chi phí, thời gian đi lại giữa các khu vực trong tỉnh với đường cao tốc

Về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Tổng kinh phí đã giao năm 2022, năm 2023 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 434.144 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 364.310 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 69.834 triệu đồng. Kết quả vốn đầu tư giải ngân được 349.596 triệu đồng, đạt 96,0%, vốn sự nghiệp giải ngân được 29.315 triệu đồng, đạt 40,1%. Lũy kế hết năm 2023, tỉnh Yên Bái có 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 70,7% tổng số xã toàn Tỉnh (trong đó có 17 xã thuộc Khu vực III), đạt 84,1% so với mục tiêu của Trung ương; 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 82,2% so với mục tiêu của Trung ương; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 61% so với mục tiêu của Trung ương; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 80% so với mục tiêu của Trung ương (huyện Trấn Yên; thành phố Yên Bái; thị xã Nghĩa Lộ; huyện Yên Bình).


Lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ năm 2023

Về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Tổng kinh phí đã giao năm 2022, năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 453.283 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương là 413.388 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 206.839 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 206.549 triệu đồng); Vốn ngân sách địa phương 39.895 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 25.455 triệu đồng; vốn sự nghiệp 14.440 triệu đồng). Kết quả đã giải ngân được 241.347 triệu đồng/453.283 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 204.764 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 36.583 triệu đồng) đạt tỷ lệ 53,2%. Trong đó, từ đầu năm 2021 đến hết năm 2023, toàn Tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.176 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với kinh phí hỗ trợ 135,9 tỷ đồng.

Trong năm 2024, toàn Tỉnh dự kiến hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.424 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở, kinh phí hỗ trợ 69,97 tỷ đồng; Hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo (từ năm 2021 đến nay): 1.135.600 lượt đối tượng là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số trong vùng khó khăn, người dân trong vùng đặc biệt khó khăn, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi; Hỗ trợ tiền điện (từ năm 2021 đến thời điểm báo cáo) cho 95.171 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng số kinh phí hỗ trợ 61,6 tỷ đồng.


Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
tỉnh Yên Bái năm 2023

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025 Tỉnh dự kiến huy động các nguồn vốn khác để lồng ghép, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là 18.744.947 triệu đồng, trong đó: Vốn đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, các tổ chức và người dân 300.000 triệu đồng; Vốn tín dụng 6.000.000 triệu đồng; Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác (ngoài CTMTQG) 12.444.947 triệu đồng./. 

Đoàn Hữu Phung 
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái

 

 

 
 
 
 
 
 

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top