Trong những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tình hình thế giới có nhiều biến động làm giá cả một số vật tư thiết yếu tăng cao,…song với sự quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành Nông nghiệp, nền sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tỉnh Yên Bái luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Mỗi năm xã Đại Minh, huyện Yên Bình thu về hàng trăm tỷ đồng từ cây bưởi đặc sản
Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, năm 2023 đạt 5,29%, đứng thứ 3 trong khu vực 14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ và đứng thứ 10 so với toàn quốc. Tỷ trọng ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng, năm 2023 chiếm 22,12% trong cơ cấu GRDP của Tỉnh; Giá trị xuất khẩu hàng hóa nông, lâm sản của tỉnh Yên Bái năm 2023 đạt 155 triệu USD, chiếm 44% giá trị xuất khẩu của tỉnh; Các chỉ tiêu Nhà nước chủ yếu của ngành Nông nghiệp hằng năm đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân Yên Bái
Thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp
Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, trong những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái đã tích tham mưu với Tỉnh thực hiện các nội dung cơ cấu lại ngành hàng và lĩnh vực sản xuất, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế hiện có để tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, việc xây dựng thương hiệu, tổ chức sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hết sức quan trọng trong chiến lược cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.
Việc thay đổi sản xuất quế theo hướng hữu cơ của huyện Trấn Yên giúp tăng giá trị cho sản phẩm
Để cụ thể hóa và triển khai thực nhiệm vụ này, trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho Tỉnh ban hành các đề án, chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, nhằm đáp ứng theo yêu cầu của thì trường và phù hợp với từng loại hình sản phẩm. Đến nay, hầu hết các sản phẩm nông sản chủ lực của Tỉnh đã và đang áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng như: Lúa, cây ăn quả VietGAP, Chăn nuôi VietGAP, nuôi trồng thủy sản VietGAP hay chứng nhận Quế hữu cơ và cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC…
Cùng với việc thực hiện sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn chất lượng thì tỉnh Yên Bái đã tập trung đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và cấp mã số vùng trồng… cho sản phẩm hàng hóa nông sản. Từ đó, đã từng bước xây dựng được thương hiệu, quảng bá hình ảnh và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Nhiều sản phẩm đã xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài.
Sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái được bày bán tại Siêu thị Big C Hà Nội
Một số kết quả nổi bật khi thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái có thể kể đến: Đã từng bước xây dựng được các vùng sản xuất nguyên liệu theo hướng chuyên canh, hàng hóa như: Vùng quế trên 82.700 ha, Sơn tra trên 9.300 ha, cây ăn quả 10.108 ha, Dâu tằm trên 1.000 ha; diện tích rừng trồng nguyên liệu trên 90.000 ha; tre măng Bát độ trên 5.900 ha;... Các sản phẩm đặc sản, bản địa cũng được định hướng phát triển như: Lúa nếp đặc sản xã Tú Lệ, chè Shan hữu cơ; vịt bầu Lâm Thượng và lợn đen bản địa....; năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm được nâng lên; các hình thức tổ chức sản xuất không ngừng được đổi mới theo tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ổn định. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của khu vực Trung du miền núi phía Bắc; diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tỉnh thần của người dân vùng nông thôn không ngừng được nâng lên.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái và Lãnh đạo các Sở, ban, ngành của Tỉnh tham gia bê tông hóa
đường giao thông nông thôn cùng Nhân dân xã Động Quan, huyện Lục Yên
Xây dựng Nông thôn mới gắn với phát triển sản phẩm OCOP
Xây dựng NTM là một trong 3 Chương trình MTQG được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân, đặc biệt người dân vùng nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho khu vực nông thôn tỉnh Yên Bái trong giai đoạn mới. Chỉ tiêu năm 2023, toàn Tỉnh có 07 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 05 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, toàn Tỉnh đã có 106 xã/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 70,67% tổng số xã trên toàn tỉnh); có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Yên Bình).
Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP: Đến hết năm 2023, toàn Tỉnh có 113 sản phẩm được đánh giá và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP năm 2023. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, toàn Tỉnh có 237 sản phẩm OCOP, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao, 212 sản phẩm đạt 3 sao.
Xã Nga Quán, huyện Trấn Yên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023
Nhìn lại chặng đường hơn 12 năm nỗ lực, phấn đấu Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu xuất sắc, làm thay đổi diện mạo nông thôn, mang lại những gam màu tươi sáng cho bức tranh nông thôn mới của Tỉnh./.
Đinh Đăng Luận
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PNTN tỉnh Yên Bái