Yên Bái: Tích cực, chủ động, triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia

20/05/2024 - 02:52 PM
Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, so với mặt bằng chung của cả nước, tình hình kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vẫn còn nhiều khó khăn. Khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản so với các vùng miền khác còn khá lớn và chậm được rút ngắn. Toàn tỉnh hiện có 137/173 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có 42 xã thuộc khu vực III, 2 xã thuộc khu vực II và 93 xã thuộc khu vực I. Đặc biệt, Yên Bái vẫn còn 2 huyện nằm trong 74 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước là Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
 
Theo đó, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn, tập trung mũi nhọn vào phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS&MN được quan tâm, thực hiện.


                 Điệu xòe là nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Thái tại Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ
 
Nhờ đó, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023: Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân 5%, trong đó, huyện Mù Cang Chải giảm 9,83%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%; Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông đạt 100%; Số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 50% và số thôn là 92,5% (thuộc xã khu vực I, II hoàn thành nông thôn mới); Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,6%; Tỷ lệ đồng bào được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 93,5% (vượt 3,5%); Tỷ lệ đồng bào được xem truyền hình và được nghe đài phát thanh đạt 99,4%.
 
Về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn I (2021-2025). Giai đoạn 2021-2023, tổng kinh phí được Trung ương giao là 1.195.503 triệu đồng (vốn đầu tư: 603.057 triệu đồng và vốn sự nghiệp: 592.446 triệu đồng).


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh Chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo
các Chương trình MTQG tỉnh Yên Bái

 
Tính đến hết năm 2023, vốn đầu tư thực hiện đạt 100% kế hoạch, đã khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng 168/222 công trình bao gồm các dự án thành phần như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (hoàn thành 828 nhà cho hộ nghèo và 17/23 công trình nước sinh hoạt tập trung); Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc tiểu số và miền núi (127/168 công trình); Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, xóa mù chữ cho người dân vùng DTTS&MN (15/18 công trình); Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS&MN gắn với phát triển du lịch (9/13 công trình); Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN, rà soát đề xuất thiết lập 76 điểm hỗ trợ đồng bào ứng dụng công nghệ thông tin theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định với tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 8.500 triệu đồng.
 

Yên Bái nỗ lực phát triển theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”
 
Về thực hiện vốn sự nghiệp, đến hết năm 2023 đã phân bổ 315.088 triệu đồng/592.446 triệu đồng, bằng 53% vốn Trung ương giao, trong đó 09 dự án thành phần thực hiện giải ngân 226.954/315.088 triệu đồng đạt 72,02% kế hoạch đã giao, cụ thể: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch… Các chính sách chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn cũng được tiển khai rất tích cực.
 

Phụ nữ xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chăm sóc bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc H’Mông
 
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều điểm mới trong bộ tiêu chí và cao hơn khá nhiều so với giai đoạn 2016-2020. Giai đoạn 2021-2023, được Trung ương bố trí tổng kinh phí là 444.344 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển là 364.310 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 80.034 triệu đồng).
 
Đến hết năm 2023; toàn Tỉnh có 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới (17 xã thuộc khu vực III), đạt 84,1% so với mục tiêu của Trung ương; 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 82,2% so với mục tiêu của Trung ương; 11 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 61% so với mục tiêu của Trung ương; 75 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới, 191 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Yên Bình), đạt 80% so với mục tiêu Trung ương giao cho tỉnh giai đoạn 2021-2025.
 
Ông Trần Văn Nguyên, sinh năm 1954, dân tộc Cao Lan (thôn Ngòi Giàng, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình)
là Người uy tín tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình

 
Nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của Nhân dân; nhiều mô hình trong sản xuất, chăn nuôi đã đem lại hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo; chất lượng giáo dục, y tế, công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân được cải thiện; đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển; phát huy được sức mạnh to lớn của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn.
 

Nhiều công trình giao thông nông thôn được triển khai thi công làm thay đổi diện mạo
hạ tầng giao thông vùng cao, miền núi tỉnh Yên Bái

Về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025: Giai đoạn 2021-2023, được Trung ương bố trí tổng kinh phí là 484,821 tỷ đồng, Yên Bái đã nỗ lực tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, riêng năm 2023 đã đạt được một số kết quả như sau: Thực hiện cho vay đối với 25.237 hộ gia đình với tổng doanh số cho vay trên 1.400 tỷ đồng từ chương trình tín dụng ưu đãi; đóng bảo hiểm y tế cho 357.924 đối tượng với tổng kinh phí là 294 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 30.952 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội với tổng kinh phí 20,64 tỷ đồng; thực hiện các chính sách hỗ trợ giáo dục cho 286.343 lượt học sinh, kinh phí thực hiện trên 367 tỷ đồng; hỗ trợ làm mới và sửa chữa 2.100 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; tiếp nhận, thẩm định và giải quyết 6.752 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp xã hội (hiện có 31.303 đối tượng đang được hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng).
 
Những nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đi đôi với tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho công tác giảm nghèo của các Sở, ngành, địa phương trong Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương. Theo kết quả sơ bộ, trong năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái giảm 8.221 hộ nghèo, tương ứng với tỷ lệ giảm nghèo ước đạt 3,76%, giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN đạt 5%.
 

Phụ nữ dân tộc Dao, tỉnh Yên Bái bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình thông qua giữ gìn
tiếng nói, chữ viết và trang phục truyền thống


 
Phát huy những thành quả đã đạt được, trong 2 năm về đích của giai đoạn I (2021-2025), Yên Bái tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh đối với vùng đồng bào DTTS&MN. Ưu tiên tập trung cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, thực hiện nghiêm túc việc công khai các chính sách, chương trình, dự án, vốn đầu tư... tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS&MN được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, góp phần phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái./.
                                          Nguyễn Thế Phước
                                            Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
                                               Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái

 
 
 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top