60 năm: Thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào

14/07/2022 - 03:21 PM
Là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa Việt Nam và Lào đã được hình thành và tạo dựng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước luôn được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản quý giá. Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Lào, hai nước Kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2022), 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022). Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu mốc son sáng ngời, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.
 
Năm 1962, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai dân tộc. Trải qua chặng đường 60 năm, quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực, từ chính trị - đối ngoại, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội. Theo đó, đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của hai Đảng, hai Nhà nước trên trường quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới. Một số kết quả trong quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2017-2022:

Quan hệ chính trị, quốc phòng an ninh, đối ngoại tiếp tục được mở rộng và có vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể trong quan hệ hai nước

Việt Nam và Lào luôn khẳng định quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước là mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, cần được giữ gìn, bảo vệ, vun đắp và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau.

Hai bên đã phát huy những cơ chế hợp tác sẵn có, đồng thời triển khai những cơ chế hợp tác mới; phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề chiến lược; thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, nổi bật là các chuyến thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo cấp cao của hai quốc gia. Cùng ký kết nhiều văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Chính phủ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy quan hệ hợp tác; tập trung triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận và Tuyên bố chung được ký kết giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thỏa thuận.

Các ban của Đảng, bộ, ngành của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể và địa phương hai nước đều ký kết và tích cực triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác song phương và thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau; chia sẻ kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác mà hai bên cùng quan tâm.

 
60 năm: Thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào

Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Trong 5 năm qua, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ hai Đảng, hai Nhà nước với nhiều hoạt động phong phú, sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực, có sức lan tỏa rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân và các bộ, ban, ngành, địa phương; đặc biệt là việc tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (năm 2017). Nhân các ngày lễ quan trọng, lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước đều gửi thư, điện chúc mừng, thăm hỏi lẫn nhau. 

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dù bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc của mỗi Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội ở mỗi nước trong năm 2021; duy trì các chuyến thăm, các cuộc điện đàm và tiếp xúc cấp cao bằng nhiều hình thức linh hoạt. Hai bên cũng duy trì các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, trong đó có các Kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào.

Trong hợp tác đối ngoại, hai bên thiết lập và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế tham vấn thường niên cấp Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong các hoạt động tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), Tổ chức Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước.

Hai bên luôn phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau nhằm bảo đảm ổn định chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội ở mỗi nước; thực hiện tốt Nghị định thư hợp tác 05 năm và Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hai nước. Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi thông tin, hợp tác chặt chẽ nhằm bảo đảm an ninh, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định, phát triển toàn diện.

Hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học - kỹ thuật ngày càng đa dạng và có nhiều chuyển biến tích cực

Thời gian qua, Việt Nam và Lào tích cực triển khai các hiệp định giữa hai Chính phủ và thỏa thuận tại các kỳ họp của Ủy ban liên Chính phủ; tích cực triển khai Thỏa thuận về Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tiếp tục ký kết nhiều văn kiện hợp tác, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Tính đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD, tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Một số dự án đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, đã có doanh thu, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với các cơ quan nhà nước Lào và tạo ra việc làm ổn định cho hàng vạn lao động của Lào. Từ năm 2017 đến năm 2021, hai bên tích cực triển khai và đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ, trong đó có dự án trọng điểm như Bệnh viện Hữu nghị tại tỉnh Hủa-phăn và tỉnh Xiêng-khoảng của Lào. Đặc biệt, hai bên hoàn thành dự án công trình Nhà Quốc hội mới của Lào. Đây là món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Trong hợp tác thương mại, hai bên tiếp tục thúc đẩy, đàm phán và ký kết nhiều văn bản quan trọng, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thương mại (Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam - Lào, Đề án phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào…); chủ động, tích cực triển khai các văn kiện đã ký kết và cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Đen-xạ-vẳn, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại. 

Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đã có những bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng bình quân 4%/năm. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt trên 1,37 tỷ USD (tăng 33,3% so với năm 2020). Vốn đầu tư Việt Nam vào Lào đạt 112 triệu USD, tăng 27% so cùng kỳ năm 2020. Giai đoạn 2021-2025, hai nước phấn đấu tăng kim ngạch thương mại hai nước mỗi năm tăng 10%. 

4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai nước đạt 558,2 triệu USD (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 192,2 triệu USD, tăng 11,8% và nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 366 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, trong các lĩnh vực khác như: Giao thông vận tải, năng lượng điện, nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn… Việt Nam và Lào cũng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng truyền thống hợp tác và tập quán thương mại quốc tế. Theo đó, hai bên tiếp tục tập trung thực hiện Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về giao thông vận tải.

Trong lĩnh vực năng lượng điện, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán điện giữa hai nước đến năm 2030 và Hiệp định về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ; ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác mua bán điện từ các công trình điện gió…

Trong nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn, hai Bên đã thống nhất coi hợp tác trong lĩnh vực này là rất quan trọng, theo đó đã tăng cường trao đổi chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm nghèo, nâng cao năng lực thể chế, chính sách trong quản lý sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Hai bên đã phối hợp thực hiện tốt việc quản lý và bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn việc buôn bán-vận chuyển gỗ trái phép và lâm sản - thú rừng xuyên biên giới.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam – Lào đã tích cực triển khai Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 – 2020. Nhờ đó, đã tạo ra sự thay đổi tích cực đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực của Lào, trong đó điểm nhấn là việc triển khai xây dựng, sửa đổi các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao công tác quản lý, tiếp nhận, đào tạo du học sinh Lào, điều chỉnh các chế độ học phí, sinh hoạt phí, tạo điều kiện cho công tác đào tạo ngày càng hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về số lượng và chất lượng. Giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đào tạo cho Lào gần 30.000 người với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đào tạo khác nhau, trong đó diện Hiệp định gần 5.000 người. Năm học 2019-2020, tổng số lưu học sinh Lào học tập tại Việt Nam là 16.644 người. Việt Nam cũng đã cử 156 giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại các trường phổ thông, trường đại học và bồi dưỡng tiếng Việt cho cán bộ các bộ, ngành của Lào. Hiện nay, tiếng Việt đang được dạy trong 21 trường phổ thông tại 11 tỉnh của Lào. Trong giai đoạn 2011-2019, Lào đã tiếp nhận 395 sinh viên Việt Nam sang học tập, trong đó có 44 thạc sỹ, 289 đại học và 62 thực tập sinh tiếng Lào.

Đặc biệt, trong lĩnh vực thống kê, Tổng cục Thống kê Việt Nam (TCTK) đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thống kê cho cán bộ thống kê Lào. Từ năm 2004 đến nay TCTK đã đào tạo hơn 145 lượt cán bộ, công chức ngành Thống kê Lào với các nội dung nghiệp vụ Thống kê như: Phương pháp thống kê mô tả, Điều tra và điều tra chọn mẫu trong thống kê, các phương pháp phân tích thống kê cơ bản...

Ngoài ra, hai bên còn thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề thông qua cung cấp các trang thiết bị phục vụ cho việc dạy nghề của Lào; triển khai hợp tác hiệu quả trong tập huấn tay nghề cho các thí sinh Lào tham dự Hội thi tay nghề ASEAN hằng năm.

Trong lĩnh vực y tế: Công tác khám, chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân Lào tại Việt Nam, nhất là tại các tỉnh có chung đường biên giới và công tác phối hợp khám, chữa bệnh từ xa tiếp tục được quan tâm thúc đẩy; Việt Nam luôn tạo điều kiện giúp Lào đào tạo cán bộ y tế; phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ hợp tác đa dạng trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng an ninh, kinh tế, giáo dục, văn hóa-xã hội, y tế… Việt Nam và Lào còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban, bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, các đoàn thể, các địa phương và nhân dân hai nước. Theo đó, trong các chuyến thăm lẫn nhau, hai bên trao đổi kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; giúp đỡ lẫn nhau giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xóa nghèo, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tại các khu vực biên giới hai nước.

Hoạt động đối ngoại nhân dân được hai nước hết sức quan tâm, trong đó Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội của hai nước thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Hai bên luôn phối hợp tuyên truyền sâu rộng về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, nhất là trong thế hệ trẻ, nhân các sự kiện trọng đại trong quan hệ giữa hai nước; triển khai xây dựng một số công trình và tôn tạo các di tích lịch sử về quan hệ Việt Nam - Lào ở mỗi nước. Qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Lào ngày càng phát triển đi vào chiều sâu.

Có thể thấy, quá trình xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào đã trở thành cơ sở quan trọng để hai nước tiếp tục củng cố và tăng cường mối quan hệ, vì sự trường tồn và phát triển phồn vinh của hai dân tộc. Trong thời gian tới, hai Đảng, hai Nhà nước luôn xác định nhiệm vụ tiếp tục truyền thông, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai nước, với các hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả gắn với những kết quả hợp tác cụ thể trong đời sống, để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước thêm vững niềm tin, chung tay giữ gìn, vun đắp phát triển hơn nữa trong bất cứ hoàn cảnh, thời gian nào./.
Thu Hòa
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top