ASEAN cùng nhau hợp tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19

08/02/2022 - 02:38 PM

Trong gần 2 năm kể từ khi chủng virus Corona xuất hiện trên toàn cầu, các quốc gia Đông Nam Á đã phải gồng mình chống chọi với các làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Theo thống kê trên trang Wikipedia, tính đến giữa tháng 11/2021, toàn khu vực ASEAN đã có gần 16 triệu trường hợp nhiễm Covid-19 và cướp đi sinh mạng của khoảng 277.000 người dân. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến hệ thống y tế của nhiều nước lao đao, nền kinh tế các quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái, hàng triệu người dân lâm vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói… Trước tình trạng đó, các nước thành viên ASEAN đã đoàn kết, cùng nhau hợp tác ứng phó với dịch bệnh.

Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện trong khu vực, các nước ASEAN đã tăng cường nỗ lực trong việc liên lạc và thường xuyên chia sẻ thông tin trong khối trong việc thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cải thiện năng lực y tế công cộng, quản lý thảm hoạ y tế; xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động để đảm bảo an sinh xã hội và sớm hồi phục kinh tế - sản xuất an toàn thông qua nền tảng Trung tâm ảo Biodiaspora của ASEAN (ABVC). Nội dung ứng phó Covid-19 và thúc đẩy phục hồi cũng luôn là vấn đề ưu tiên được các nước quan tâm thảo luận và đưa ra nhiều sáng kiến tại các hội nghị cấp cao trong khu vực trong thời gian qua.

Để có phản ứng kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, vào tháng 4/2020, các quốc gia thành viên đã nhất trí thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 với mục tiêu huy động các nguồn lực tài chính nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vắc-xin phòng chống Covid-19 và chuẩn bị cho các phản ứng khẩn cấp trong tương lai. Hơn 1 năm qua, Các nước thành viên ASEAN đã tích cực đóng góp Quỹ ASEAN ứng phó Covid với số tiền cam kết đóng góp tính đến tháng 9/2021 đạt hơn 25,8 triệu USD. Hiện ASEAN đã triển khai kế hoạch sử dụng 10,5 triệu đô-la Mỹ từ Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19 để mua vắc-xin cho các nước thành viên và phấn đấu có lô vắc-xin đầu tiên trong Quý IV/2021 hoặc Quý I/2022.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 (Hội nghị Summit 37) được tổ chức vào tháng 11/2020, ASEAN đã có nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố, trong đó có quyết định thành lập Kho Dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp và lập quỹ hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19 trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của các đối tác. Các nước thành viên sẽ tự nguyện đóng góp và bảo quản số lượng vật tư y tế đã cam kết tại nước đó và thực hiện chuyển số vật tư y tế cam kết tới nước cần sử dụng khi xảy ra dịch bệnh hoặc các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Sáng kiến này được các nước ASEAN và đối tác đánh giá cao và ủng hộ tích cực. Bên cạnh đó, Hội nghị Summit 37 đã thông qua triển khai sáng kiến thiết thực Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.

Cùng với những nỗ lực tăng cường hợp tác ứng phó Covid-19, tại Hội nghị Summit 37, các nước đã thông qua và tích cực triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) và Kế hoạch triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột Cộng đồng, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định đời sống kinh tế - xã hội ở các quốc gia. Khung phục hồi tổng thể ASEAN gồm 5 chiến lược rộng lớn (là tăng cường hệ thống y tế, tăng cường an ninh con người, tối đa hóa tiềm năng thị trường nội khối và hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, tăng tốc chuyển đổi số toàn diện, tiến tới một tương lai bền vững và kiên cường hơn), được đưa ra nhằm giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN, trong đó tập trung nâng cao năng lực y tế công cộng của khu vực, tối đa hóa các tiềm năng của thị trường nội khối và đẩy mạnh liên kết kinh tế, tận dụng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, làm đòn bẩy phục hồi toàn diện và bền vững. Tính đến tháng 8/2021, 40/185 sáng kiến trong Khung phục hồi tổng thể ASEAN đã hoàn tất, 134 sáng kiến đã và đang được triển khai, 11 sáng kiến tiếp tục được triển khai trong các năm tới.

Các nước thành viên trong khu vực đồng thời thông qua Tuyên bố xây dựng ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) trong Hội nghị Summit 37 và chính thức thông qua Khung thỏa thuận này tại Hội nghị Summit 38 được tổ chức vào tháng 11/2021 nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, bảo đảm tuân thủ các quy định y tế của khu vực và từng quốc gia thành viên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 của ASEAN. Để khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN đạt hiệu quả, các nước đồng thời tích cực xem xét khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vắc-xin điện tử cho người dân.

Trong nỗ lực ứng phó với đại dịch, cuối năm 2020, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã khởi động tiến trình thành lập Trung tâm ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED). Tại Hội nghị Summit 38, các nước tiếp tục thúc đẩy việc thành lập và đề nghị sớm đưa Trung tâm ACPHEED đi vào vận hành hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực y tế dự phòng, kiểm soát và ứng phó của ASEAN, đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong tương lai.

Tại Hội nghị Summit 38, các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN còn thông qua Khuôn khổ Toàn diện ASEAN về nền kinh tế chăm sóc nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng phức tạp và các thách thức ngày càng gia tăng. Đồng thời, các nước thành viên cùng nhau nâng cao năng lực của hệ thống y tế công cộng, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế trong tương lai thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, cùng với ứng dụng các công nghệ mới để vừa chống đại dịch Covid-19 thành công, vừa phục hồi bền vững.

 Thể hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên ASEAN, thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực cùng các nước trong khu vực đề ra và triển khai các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hợp tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tại Hội nghị Summit 38, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố danh mục vật tư y tế trị giá hàng triệu USD của Việt Nam cam kết đóng góp Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN. Thủ tướng đồng thời đề xuất nhiệm vụ trọng tâm ASEAN cần tập trung trong thời gian tới để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đó là, ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch Covid-19 với sự tham gia của “cả Cộng đồng”, hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần“lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”. ASEAN cần chuyển sang chiến lược mới để quản lý sự thay đổi với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Để thực hiện hiệu quả, cần nâng cao hiệu quả các cơ chế phối hợp, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chủ động về vaccine, thuốc điều trị và đề cao ý thức của nhân dân. Bên cạnh đó, ASEAN cần đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trong thời gian tới, các nước ASEAN sẽ tiếp tục đóng góp và vận động thêm các nguồn hỗ trợ cho Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19; đẩy nhanh tiến độ mua vắc-xin cho các nước thành viên, đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân trong khu vực; đồng thời khuyến khích các nước xem xét chia sẻ vắc-xin cho nhau trên cơ sở tự nguyện để hỗ trợ những nước có nhu cầu và khó khăn trong tiếp cận vắc-xin. ASEAN cũng hướng tới hình thành chuỗi cung ứng và tự cường vắc-xin trong khu vực. Hiện Thái Lan, Xin-ga-po và Việt Nam là 3 quốc gia duy nhất của ASEAN đang tự chủ nghiên cứu, phát triển vắc-xin. ASEAN cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với các Đối tác trong ứng phó COVID-19 và nhận được nhiều cam kết hỗ trợ về cung cấp vắc-xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin để nâng cao năng lực phòng chống dịch.

Có thể nói, hơn bao giờ hết, các quốc gia thành viên ASEAN đang có sự quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tối đa công dân khu vực trong trận chiến với dịch bệnh Covid-19. Điều này đã và đang mang đến một thông điệp rõ nét: Đoàn kết chính là cơ sở hợp tác, là chìa khóa cho những thành công của ASEAN và là nguyên liệu chính để xây dựng nên mái nhà chung ASEAN, giúp các quốc gia thành viên cùng nhau vượt qua cơn bão đại dịch Covid-19./.

Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top