Bắc Kạn: Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

09/02/2021 - 06:35 PM
Bắc Kạn là tỉnh có tỷ lệ dân cư sinh sống ở nông thôn và làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp rất cao (trên 80%). Do đó, để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững, từ nay đến năm 2025 tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung thu hút các nguồn lực để tạo ra sự phát triển đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng sản xuất an toàn, gắn sản xuất với tiêu thụ tạo chuỗi liên kết và ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
 
Bắc Kạn: Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Gian hàng giới thiệu nông sản Bắc Kạn Tuần lễ giới thiệu sản phẩm bí xanh thơm, gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch Bắc Kạn tại Hà Nội năm 2020

Những chuyển biến tích cực

Xác định nông - lâm nghiệp là ngành sản xuất quan trọng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.

 
Bắc Kạn: Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp 1

Phát triển nông nghiệp bền vững cần gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ. (Trong ảnh: Người dân Hà Nội mua nông sản sạch Bắc Kạn  tại Tuần lễ giới thiệu sản phẩm sản sạch của tỉnh Bắc Kạn năm 2020

Qua 5 năm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bắc Kạn đã hình thành một số nông sản đặc thù được sản xuất hàng hoá như: gạo nếp Khẩu nua lếch (huyện Ngân Sơn), gạo Bao thai (huyện Chợ Đồn)... Các sản phẩm này được cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể và có hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp. Bắc Kạn đã có 13 tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn theo hình thức tập trung, trong đó có 2 doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị với giống ngoại thuần chủng cho hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, với sự tích cực của Kiểm lâm các cấp, rừng tự nhiên được khoanh nuôi, bảo vệ, độ che phủ rừng đạt 72,9% (năm 2020). Diện tích rừng trồng mới trong giai đoạn là 34 nghìn ha, trong đó cây gỗ lớn là 17,8 nghìn ha, sản lượng khai thác trên 220 nghìn m3 (năm 2020).
 
Bắc Kạn: Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp 2

Trồng rừng nguyên liệu gắn với chế biến các sản phẩm từ gỗ sẽ là định hướng phát triển của nông nghiệp Bắc Kạn trong giai đoạn tới
 
Để góp phần nâng cao giá trị nông sản, Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch và phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2018 – 2020 và triển khai xuống đến từng thôn, bản. Qua quá trình tuyên truyền vận động, người dân thay đổi nhận thức về làm nông nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Làm ra sản phẩm tốt, chất lượng chỉ là bước đầu tiên.

Để được thị trường chấp nhận, sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn cần được hỗ trợ để thiết kế lại bao bì, kiểu dáng phù hợp, chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định. Qua việc xây dựng sản phẩm OCOP, nhiều nông sản Bắc Kạn đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 107 sản phẩm OCOP, trong đó 99 sản phẩm 3 sao, 8 sản phẩm 4 sao. Trong đó 56 sản phẩm được đăng bán trên các sản giao dịch điện tử uy tín lớn tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso… 9 sản phẩm có hợp đồng tiêu thụ tại siêu thị BigC và 01 sản phẩm được xuất khẩu.

 
Bắc Kạn: Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp 3

Trồng cây dược liệu là lợi thế của Bắc Kạn. (Trong ảnh: Trồng nghệ theo quy trình sản xuất an toàn gắn với chế biến sâu cho hiệu quả kinh tế rất cao được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh)

 
Đón đầu xu hướng nông nghiệp hữu cơ

Mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn vẫn còn có một số hạn chế mang tính cố hữu như: tăng trưởng dựa vào quy mô, giá trị gia tăng trong sản xuất thấp, sản xuất vẫn manh mún, các chuỗi giá trị gắn kết với thị trường xây dựng được thương hiệu chưa nhiều… Trong khi tỉnh Bắc Kạn có triển vọng lớn để sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các lợi thế về đất sạch, nước sạch, không khí sạch, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước.

 
Bắc Kạn: Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp 4

Cây chè được tỉnh Bắc Kạn khuyến khích, định hướng và hỗ trợ để nhân dân sản xuất theo hướng hữu cơ
 
Để khắc phục những khó khăn và phát huy hết lợi thế, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tại Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/12/2019, với mục tiêu chính là đến năm 2025 có 40% các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy suất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGap, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hoặc FSC; 30% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ; 100% diện tích cây ăn quả phải được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó ít nhất 50% được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm hữu cơ. Hiện nay, Tỉnh đang xem xét, bổ sung các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ.

 
Bắc Kạn: Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp 5

Nhờ sự thay đổi trong tư duy và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, bức tranh nông thôn Bắc Kạn có nhiều khởi sắc. (Trong ảnh: đường giao thông được cứng hoá ở xã xã Yên Đĩnh, huyện Chợ Mới
 
Trên thực tế, Bắc Kạn đã có một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ như: Hợp tác xã Hương Ngàn đã xây dựng được vùng nguyên liệu xả chanh tại xã Kim Lư (huyện Na Rì) với diện tích gần 20 nghìn m2 và đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, một số đề tài/dự án khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp có nội dung sản xuất theo hướng hữu cơ được triển khai có hiệu quả như: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn”, “Xây dựng mô hình phục tráng bí xanh thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt” có nội dung xây dựng mô hình sản xuất bí xanh theo hướng hữu cơ tại xã Yến Dương (Ba Bể)… Tuy chặng đường phát triển nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng tỉnh Bắc Kạn đang quyết tâm phát huy tiềm năng sẵn có để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững./.
Trịnh Long
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top