Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé: Chú trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với bảo tồn và đa dạng sinh học

04/05/2021 - 10:29 PM

Những năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Điện Biên, Huyện ủy, HĐND - UBND huyện Mường Nhé; Các cơ quan ban, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR, bảo tồn đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học trong Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (KBTTN), nhờ vậy, những cánh rừng ở huyện Mường Nhé ngày càng xanh tươi, tính đa dạng sinh học ngày càng phong phú.                 Đồng chí Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé cho biết: Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa phận của 5 xã biên giới: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Theo Quyết định số 543/QĐ-UBND, ngày 16/04/2009 của UBND tỉnh Điện Biên, KBTTN Mường Nhé có diện tích 45.581 ha, chiếm 26,3% tổng diện tích tự nhiên của huyện Mường Nhé, với trên 110 km đường biên giới tiếp giáp hai nước Lào và Trung Quốc.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại cuộc họp làm việc vớiBan QL KBTTN Mường Nhé về tình hình quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng

KBTTN Mường Nhé có vị trí quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn Sông Đà, nơi cung cấp và điều tiết nguồn n­ư­ớc t­­ưới tiêu, sinh hoạt cho các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, đặc biệt là các công trình thủy điện: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà. Do đó, rừng và đất rừng KBTTN Mường Nhé có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc phòng.

Nhận thức được tầm quan trọng đó những năm qua, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện quản lý theo Quyết định phê duyệt 3 loại rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé; tổ chức xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực lâm nghiệp, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tổ công tác tuần tra bảo vệ rừng do Trạm Quản lý bảo vệ rừng đặc dụng phối hợp với các nhóm nhận khoán.

Trên cơ sở đó: Đất lâm nghiệp của KBTTN Mường Nhé được bảo vệ toàn vẹn, diện tích rừng tự nhiên của rừng đặc dụng không ngừng tăng lên trong những năm qua. Cụ thể: Năm 2015 là 31.144,44 ha rừng; tính đến 31/12/2020 diện tích có rừng là 34.280,39 ha, diện tích rừng tăng 3.135,95 ha tương đương tăng 6,94 % độ che phủ rừng. Nâng tỷ lệ che phủ rừng KBTTN Mường Nhé từ  69,01% năm 2015 lên 75,95% năm 2020.

Nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng tổ chức hoạt động tuần tra bảo vệ rừng

Mặt khác, nhờ thực hiện có hiệu quả chính sách khoán bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với cộng đồng bản vùng đệm đã góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng, tạo động lực để nhân dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về vai trò KBTTN Mường Nhé trong cuộc sống; tạo dựng được niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng của đơn vị, hằng năm đơn vị đều thực hiện khoán bảo vệ rừng đối với các bản vùng đệm; tính trong năm 2021 thu hút được trên 1.862 hộ gia đình tham gia là thành viên các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng.

Ban QL KBTTN Mường Nhé tổ chức lớp tập huấn về công tác bảo vệ rừng cho người dân

Trao đổi về công tác Bảo tồn và đa dạng sinh học, ông Diệp Văn Chính cho biết: KBTTN Mường Nhé được đánh giá là khu bảo tồn thuộc loại lớn của Việt Nam, có tính đa dạng sinh học cao và hệ sinh thái rừng phong phú, trở thành địa điểm du lịch khám phá thiên nhiên hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Những năm qua, Ban QL KBTTN Mường Nhé đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với nhiều đoàn nghiên cứu trong nước, nước ngoài như: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH SAKAS (Hoa Kỳ), Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga... đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Phát hiện 02 loài thực vật mới, quý hiếm thuộc Sách đỏ Việt Nam năm 2007 để bổ sung vào danh mục thực vật rừng KBTTN Mường Nhé.

Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các nhóm nhận khoán trên địa bàn xã Sín Thầu

Theo kết quả thống kê, tại KBTTN Mường Nhé có tổng số 210 loài chim thuộc 13 bộ và 46 họ; 28 loài bò sát ếch, nhái thuộc 02 lớp, 02 bộ và 10 họ đã được ghi nhận trong đợt khảo sát; Trong đó, có 9 loài hiện mới được xác định tới giống; Tiến hành chụp ảnh 81 loài chim, quay phim 31 loài, 26 loài bò sát, ếch, nhái làm tư liệu cho Khu bảo tồn thiên nhiên; Thực hiện thu thập 320 mẫu vật các loài chim và 244 mẫu vật các loài bò sát, ếch, nhái thông thường.

Ngoài ra, Ban QL KBTTN Mường Nhé còn thống kê được có 198 loài bướm thuộc 11 họ, 103 giống. Trong đó, có 03 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và IUCN; 01 loài có thể là loài hoặc phân loài mới trong khoa học. Kết quả nghiên cứu sơ bộ về các loài thú nhỏ và lưỡng cư: Ghi nhận thêm 10 loài thú nhỏ, 11 loài bò sát và 17 loài lưỡng cư trong Khu bảo tồn…

Cán bộ khoa học của Khu bảo tồn cùng với các chuyên gia nước ngoài xử lý mẫu vật phẩm
tại Khu BTNT Mường Nhé

Những năm qua, Ban QL KBTTN Mường Nhé mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR. Đặc biệt, địa bàn đơn vị được giao quản lý rộng, trải dài trên 5 xã biên giới, địa hình phức tạp, nguy cơ cao và mất an toàn về an ninh trật tự, biên chế công chức kiểm lâm thiếu so với quy định. Song, Ban QL KBTTN Mường Nhé vẫn quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được cấp trên giao phó, giữ vững sự bình yên và màu xanh cho những cánh rừng./.

                                                                                                     Trọng Nghĩa

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top