Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm 2020

06/10/2020 - 02:47 PM
1. Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước
 
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) bùng phát và lan rộng khắp toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu gần như “chạm đáy” vào quý II. Đến thời điểm giữa tháng 9, khi các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch Covid-19, dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm 4,5%, điều chỉnh tăng 1,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 6 năm 2020. Số liệu về tình hình lao động việc làm cho thấy, tình trạng thất nghiệp quý III đã có dấu hiệu giảm nhiệt so với quý II tại một số quốc gia trên thế giới, như Canada, Mỹ, Trung Quốc với tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8 năm 2020 tương ứng là 10,2%; 8,4%; 5,9%, tuy nhiên vẫn còn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước[1].
 
Trong nước, tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp đã làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm 2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, so với quý trước, nền kinh tế đang cho thấy sự phục hồi trở lại. Trong quý III, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19 đều có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. So với quý trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14,4%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 28,2%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 161,3%. Tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III năm 2020 cũng được cải thiện so với quý trước, tuy nhiên các chỉ số về lao động, việc làm và thu nhập của người lao động quý III và 9 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
 
2. Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động việc làm
 
Cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19
 
Tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40,0% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27,0%.
 
Lực lượng lao động[2] tăng trở lại sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020 nhưng vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước
 
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2020 là 54,6 triệu người, tăng 1,4 triệu người so với quý trước nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020, thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên vẫn chưa thể khôi phục về trạng thái của cùng kỳ năm trước.
 
Hình 1: Lực lượng lao động quý II và quý III các năm giai đoạn 2011-2020
 
Đơn vị: Nghìn người
Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm 2020
Tính chung 9 tháng năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,4 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước và giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn. Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động 9 tháng đầu năm tăng 1,0%. Nếu lực lượng lao động 9 tháng năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,8 triệu lao động. Nói cách khác, dịch Covid-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,8 triệu người.
 
Lực lượng lao động quý III năm 2020 phục hồi nhanh hơn ở khu vực nông thôn và lao động nữ. Cụ thể, so với quý trước, lực lượng lao động tại khu vực nông thôn tăng 3,0%, cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với mức tăng của khu vực thành thị; lực lượng lao động nữ tăng 4,1%, cao hơn 2,6 điểm phần trăm so với mức tăng của lực lượng lao động nam.
 
Tính chung 9 tháng năm 2020, lao động tại khu vực nông thôn và lao động nữ vẫn là những nhóm chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất bởi tác động của dịch Covid-19 với mức giảm của lực lượng lao động thuộc hai nhóm này so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 3,2% và 2,3%.
 
Hình 2: Tốc độ tăng/giảm của lực lượng lao động
 
Đơn vị: %
 
 Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm 2020  1
 
Lao động trong một số ngành dịch vụ như vận tải kho bãi, lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi và giải trí bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19
 
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III năm 2020 là 53,3 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với quý trước và giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị tăng 471,0 nghìn người so với quý trước và giảm 77,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; ở khu vực nông thôn, số người có việc làm tăng hơn 1,0 triệu người so với quý trước và giảm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
 
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm 9 tháng năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm giảm mạnh ở khu vực nông thôn, giảm gần 1,2 triệu người; lao động nam giảm 608,nghìn người và lao động nữ giảm 734,1 nghìn người.
 
Tính đến tháng 9 năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn như: ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí (88,6%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi (79,7%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (72,7%), công nghiệp chế biến chế tạo (70,1%), bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô và xe máy (68,5%), giáo dục đào tạo (68,5%), hoạt động kinh doanh bất động sản (67,8%).
 
Lao động có việc làm tăng so với quý trước chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức; tốc độ tăng của lao động phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức
 
Số lao động có việc làm phi chính thức[3] quý III năm 2020 là 20,7 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với quý trước và tăng 149 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, tốc độ tăng lao động có việc làm phi chính thức cao hơn so với tốc độ tăng của lao động có việc làm chính thức (tương ứng là 5,8% và 0,8%). Điều này cho thấy sự phục hồi của thị trường lao động hiện nay còn thiếu tính bền vững do lao động phi chính thức được coi là bộ phận lao động phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi, khó tiếp cận với các chế độ phúc lợi và bảo hiểm xã hội.
 
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý III năm 2020 là 57,0%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,0 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn cao hơn 13,4 điểm phần trăm so với khu vực thành thị, tương ứng là 62,9% và 49,5%.
 
Tính chung 9 tháng năm 2020, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước là 56,0%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành có tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức cao như: dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,8%); bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy (72,2%); nghệ thuật vui chơi và giải trí (70,0%).
 
Dịch Covid-19 làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm ở cả ba khu vực kinh tế
 
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2020 là 1,3 triệu người, giảm 81,4 nghìn người so với quý trước, tuy nhiên vẫn cao hơn 560,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý III năm 2020 là 2,79%, giảm 0,29 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn là 3,20%, cao hơn tỷ lệ này ở khu vực thành thị 1,20 điểm phần trăm.
 
Gần một nửa số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 49,3%, giảm 26,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,9%, tăng 17,6 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 24,8%, tăng 8,5 điểm phần trăm. Như vậy, tình trạng thiếu việc làm hiện nay không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mà đang tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
 
Tỷ lệ lao động thiếu việc làm quý III năm 2020 ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,80% (tăng 0,76 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng là 2,14% (tăng 1,75 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước) và ở khu vực dịch vụ là 1,85% (tăng 1,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
 
Đối với lao động trong độ tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2020 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 3,20%; sơ cấp là 2,54%; trung cấp là 1,71%; cao đẳng là 1,59%; từ đại học trở lên là 1,15%.
 
         Thu nhập của người lao động trong quý III năm 2020 đã được cải thiện so với quý II năm 2020 nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước
 
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2020 là 5,5 triệu đồng, tăng 258 nghìn đồng so với quý trước và giảm 115 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần so với lao động nữ (tương ứng là 6,3 triệu đồng và 4,6 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 7,0 triệu đồng và 4,8 triệu đồng).
 
Trong 9 tháng năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 83 nghìn đồng). Thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành đều giảm; trong đó, giảm nhiều nhất ở các ngành: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 6,5%), dịch vụ lưu trú ăn uống (giảm 5,9%), vận tải kho bãi (giảm 4,9%). Bên cạnh đó, một số ngành có thu nhập tăng như thông tin truyền thông (tăng 1,7%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 3,3%).
 
Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức[4] trong 9 tháng năm 2020 là 5,5 triệu đồng, thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức (8,4 triệu đồng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức giảm 1,9%, thu nhập của lao động phi chính chính thức giảm 0,8%.
 
Hình 3: Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế
 
Đơn vị: Triệu đồng/tháng
Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm 2020  2
Lao động có thâm niên làm việc càng cao thì mức giảm thu nhập càng thấp. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập 9 tháng năm 2020 của nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 năm trở lên có tốc độ giảm thấp nhất (giảm 0,6%), trong khi nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 tháng đến dưới 3 năm giảm 3,8%, nhóm lao động có thời gian làm việc dưới 3 tháng giảm 42,6%. Điều này cho thấy, lao động mới tham gia thị trường lao động là nhóm dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới tình hình lao động việc làm.
 
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị giảm so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020
 
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là hơn 1,2 triệu người, giảm 63,0 nghìn người so với quý trước và tăng 148,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2020 là 2,50%, giảm 0,23 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 4,0%, giảm 0,46 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,89 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý III cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
 
Hình 4: Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động
quý III các năm giai đoạn 2011-2020 chia theo thành thị, nông thôn
 
Đơn vị: %
Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm 2020  3
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2020 là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
Gần một nửa lao động thất nghiệp trong độ tuổi cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 tính đến tháng 9 năm 2020. Tỷ lệ này của nhóm lao động thất nghiệp không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 61,7%, cao hơn 23,2 điểm phần trăm so với nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật (38,5%). Điều này cho thấy khi nền kinh tế gặp cú sốc, lao động không có trình độ dễ bị tổn thương hơn nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
 
Số thanh niên từ 15-24 tuổi thất nghiệp trong 9 tháng năm 2020 là 437,4 nghìn người, chiếm 35,4% tổng số người thất nghiệp (giảm 7,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong 9 tháng năm 2020 là 7,07%, tăng 0,45 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,7%, tăng 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
Hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ; việc tận dụng nhóm lao động này trở nên hạn chế hơn trong bối cảnh dịch Covid-19
 
Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay.
 
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng lực lượng lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế. Đây là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế - xã hội.
 
Kết quả Điều tra lao động việc làm hàng quý giai đoạn 2018-2019 cho thấy, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam dao động ở mức 4,0%. Tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta từ tháng 1 năm 2020, chiếm 4,6% vào quý I năm 2020 và tăng lên mức 5,8% vào quý II năm 2020. Bước sang quý III năm 2020, khi các hoạt động kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm xuống còn 5,3%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với quý trước nhưng vẫn tăng hơn 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 5,2%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng hơn 700 nghìn người.
 
Hình 5: Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng các quý, giai đoạn 2018-2020
 
Đơn vị: %
 
Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm 2020  4
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng 9 tháng năm 2020 của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn (5,7% so với 5,0%), của lao động nữ cao hơn lao động nam (5,6% so với 4,9%). Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi (56,9%), trong khi đó lực lượng lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 36,9%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ và trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện, việc tận dụng nhóm lao động này càng trở nên hạn chế.
 
Hình 6: Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động và lao động
không sử dụng hết tiềm năng 
9 tháng năm 2020
 
Đơn vị: %
Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm 2020  5
Một phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát nhanh cho biết phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động; các doanh nghiệp vận tải hàng không, du lịch và dịch vụ lưu trú có tỷ lệ lao động bị cắt giảm cao nhất
 
Dịch Covid-19 tác động mạnh tới hoạt động của các doanh nghiệp làm cho 33,4% doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động 9 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp cắt giảm lao động so với cùng kỳ năm trước là 36,4%.
 
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nhóm phải cắt giảm lao động nhiều nhất, với lao động bình quân 9 tháng giảm khoảng 10,0% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, tỷ lệ cắt giảm lao động của nhóm doanh nghiệp lớn ở mức 4,5%.
 
Tính chung 9 tháng năm 2020, những ngành có số lao động sụt giảm đáng kể như: ngành vận tải hàng không và ngành du lịch[5] giảm 30,4%; ngành dịch vụ lưu trú giảm 29,9%; ngành hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí giảm 17,4%; ngành ăn uống giảm 15,4%; ngành xây dựng[6] giảm 14,1%.       
 
Trong số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp được khảo sát tính đến thời điểm 10/9/2020, có 7,8% lao động bị giảm lương, 5,0% lao động giãn việc/nghỉ luân phiên và 2,4% lao động tạm nghỉ việc. Tỷ lệ lao động bị giảm lương trong các doanh nghiệp thuộc ngành vận tải hàng không là cao nhất, 99,5%; ngành du lịch là 43,2%; ngành dịch vụ lưu trú là 27,8%.
 
Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát, 66,6% doanh nghiệp đã và đang áp dụng các giải pháp để ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Trong đó, giải pháp đào tạo nâng cao trình độ người lao động đã được 25,8% doanh nghiệp lựa chọn áp dụng, cao thứ hai chỉ sau giải pháp tìm thị trường tiêu thụ mới (41,4%). Ngoài ra, khi được hỏi về các kỳ vọng đối với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong thời gian tới, khoảng 10% doanh nghiệp cho rằng “hỗ trợ về đào tạo nghề cho người lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19” là một trong ba giải pháp mà Chính phủ cần ưu tiên triển khai nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.
 
Tính đến thời điểm khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp đã được nhận hỗ trợ trên tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát là 17,9%; trong đó, 4,0% doanh nghiệp nhận được các hỗ trợ liên quan đến chính sách lao động và bảo hiểm xã hội.
 
3. Kết luận và khuyến nghị
 
Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 01 năm 2020 đến nay đã tác động đến lao động, việc làm và thu nhập của 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên. Trong quý III năm 2020, tình hình lao động, việc làm cải thiện so với quý trước nhưng vẫn suy giảm so với cùng kỳ năm trước.
 
Lực lượng lao động tăng trở lại sau khi ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục vào quý II năm 2020 cho thấy thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi, cung cấp nguồn nhân lực dồi dào cho cơ hội sản xuất kinh doanh và phục hồi kinh tế.
 
Lao động có việc làm tăng so với quý trước (tăng 1,5 triệu người) và tăng chủ yếu ở nhóm lao động phi chính thức. Số người thiếu việc làm cũng tăng lên đáng kể. Tình trạng thiếu việc làm không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản như các quý trước mà còn tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
 
Thu nhập của người lao động quý III năm 2020 đã cải thiện so với quý trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2020, thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức.
 
Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng cao nhất trong vòng 10 năm qua đã làm chậm khả năng khai thác nguồn nhân lực dồi dào cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.
 
Kết quả Điều tra lao động việc làm quý III năm 2020 cho thấy người lao động vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Đây là những đối tượng quan trọng góp phần vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới; do vậy, các chính sách cần tiếp tục tập trung vào các đối tượng này nhằm củng cố niềm tin, tạo động lực và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, khuyến nghị tập trung thực hiện:
 
(1) Tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả. Tập trung hỗ trợ cho các nhóm lao động, bao gồm lao động phi chính thức và lao động chính thức trong các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh.
 
(2) Nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phi chính thức nhằm giúp họ tìm kiếm việc làm và đóng góp sức lao động trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
 
(3) Đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục hồi hoạt động kinh tế của tất cả các ngành, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19. Trong đó, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại các doanh nghiệp. 

TỔNG CỤC THỐNG KÊ
  
[1] Nguồn: Trading Economics, cập nhật ngày 29/9/2020.
 
[2] Lực lượng lao động bao gồm những người có việc làm và thất nghiệp.
 
[3] Lao động có việc làm phi chính thức bao gồm những người làm việc trong khu vực phi nông, lâm nghiệp và thủy sản và lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có đăng ký kinh doanh,thuộc một trong bốn nhóm sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức; (iii) người làm công ăn lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
 
[4] Không tính những lao động làm việc trong các hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản. Thu nhập bình quân trong 9 tháng năm 2020 của lao động thuộc nhóm này là: 2,9 triệu đồng/tháng.
 
[5] Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch.
 
[6] Ngành xây dựng bao gồm các ngành xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng và hoạt động xây dựng chuyên dụng.
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top