Bảo đảm an toàn nợ công tạo dư địa cho chính sách tài khóa

24/03/2021 - 03:39 PM

Với chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội cùng bước đi chủ động và tích cực của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tạo nền tảng từng bước cơ cấu lại nợ công hợp lý và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế; hệ thống thể chế, chính sách về quản lý và kiểm soát nợ công từng bước được hoàn thiện… Thực hiện thành công việc bảo đảm an toàn nợ công cho giai đoạn 2016-2020, tạo dư địa cho chính sách tài khóa có nguồn lực tài chính.

Bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công

Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam lớn, khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ thì việc huy động từ các nguồn vốn vay nợ trong và ngoài nước là cần thiết và có vai trò hết sức quan trọng. Để thực hiện công tác quản lý nợ công, Việt Nam đã xây dựng hình thành được một hệ thống thể chế và chính sách quản lý nợ công như: Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, các Thông tư, các văn bản quy định và hướng dẫn của các Bộ, Ngành… qua đó đã tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc vay nợ trong nước và nước ngoài, việc sử dụng và trả nợ các khoản vay, đồng thời trên cơ sở các quy định mang tính pháp lý để xác định phạm vi quản lý nợ Nhà nước từ đó hình thành quy trình vay và trả nợ, làm căn cứ cho việc quản lý nợ. Đến nay, công tác quản lý nợ công đã có quy mô huy động nợ công tăng nhanh, phục vụ nhu cầu bù đắp bội chi NSNN và đầu tư cho phát triển.

Bảo đảm an toàn nợ công tạo dư địa cho chính sách tài khóa

                                                                                          Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nhìn lại năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm qua (giai đoạn 2016-2020), việc huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ, xử lý rủi ro và thực hiện các nghiệp vụ quản lý nợ công đã có bước chuyển biến tích cực, góp phần giảm dư nợ công từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,8% GDP cuối năm 2020; nợ Chính phủ giảm từ mức 52,7% năm 2016 xuống khoảng 49,6% GDP, làm tăng dư địa cho chính sách tài khóa.

Tốc độ tăng quy mô nợ công giảm từ mức bình quân 18,1%/năm giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 6,6%/năm giai đoạn 2016-2020; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đạt 22,4% số thu NSNN năm 2020, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ năm 2020 là 13,94 năm, đảm bảo duy trì trong giới hạn nợ được Quốc hội cho phép và đảm bảo an ninh tài chính Quốc gia.

Vay nước ngoài của Chính phủ vẫn chủ yếu là các khoản ODA, vay ưu đãi (chiếm 98% nợ nước ngoài Chính phủ). Trong năm 2020 rút vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài ước đạt 2.150 triệu USD (tương đương khoảng 49.775 tỷ đồng, đạt 46,3% kế hoạch cả năm), trong đó cấp phát khoảng 1.256 triệu USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 894 triệu USD.

Việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn làm ảnh hưởng tới cam kết với các nhà đầu tư, đưa Việt Nam từ một nước nghèo vay nợ nhiều trở thành một nước được các tổ chức quốc tế đánh giá có mức nợ nước ngoài bền vững, trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm bị gánh nặng về nợ. Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được hãng S&P tiếp tục duy trì ở mức BB, triển vọng ổn định. Moody’s cũng giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam. Tháng 4/2020, Fitch đã quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ tích cực sang ổn định. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nợ công còn đối mặt với những khó khăn, thách thức như: Danh mục nợ vẫn tiềm ẩn rủi ro; các khoản vay ưu đãi bắt đầu áp dụng điều khoản trả nợ nhanh; vay ODA giảm dần, tiến đến kết thúc, gây thiếu hụt nguồn vốn ưu đãi cho đầu tư phát triển; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có xu hướng tăng; kỳ hạn trái phiếu Chính phủ chưa đa dạng; công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương còn hạn chế; quản lý nợ nước ngoài của Quốc gia còn khó khăn.

Bảo đảm an toàn nợ công tạo dư địa cho chính sách tài khóa 1

                                                                                          Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bước sang năm 2021- năm đầu tiên Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (giai đoạn 2021-2030), Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1130/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2020-2022 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020. Theo Chương trình, trong giai đoạn 2020-2022 tổng mức vay của Chính phủ khoảng 1.546,3 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.420,4 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 125,9 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu huy động vốn của Chính phủ từ các nguồn trong nước khoảng 75-80% nhiệm vụ vay hàng năm, từ các nguồn nước ngoài khoảng 20-25%.

Bên cạnh đó, duy trì kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân hàng năm khoảng từ 6-8 năm. Chủ động bố trí nguồn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế của Chính phủ; đảm bảo chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN hàng năm không quá 25%...

Giải pháp bảm đảm an toàn trong quản lý nợ công thời gian tới

Để đáp ứng nhu cầu cân đối NSNN và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, quản lý nợ công cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, tiếp tục triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TW của Trung ương, từng bước cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh hướng dẫn, áp dụng Luật Quản lý nợ công trong thực tiễn; đồng thời triển khai thực hiện công cụ quản lý nợ chủ động.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, thể chế và chính sách quản lý nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của Quốc gia, đảm bảo đồng bộ, ổn định, phù hợp với yêu cầu đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường vốn trong nước và tăng cường khả năng chủ động tiếp cận, tham gia thị trường vốn quốc tế.

Ba là, tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay, chủ động huy động nguồn vay ưu đãi ở mức độ hợp lý, tiếp tục hài hòa hóa thủ tục, hạn chế việc Chính phủ vay thương mại nước ngoài và bảo lãnh cho các doanh nghiệp.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay và trả nợ công, vay trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia.

Năm là, tổ chức thực hiện thanh toán trả nợ, đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để phát sinh nợ quá hạn làm ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế. Đồng thời, chủ động sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính để giảm thiểu các rủi ro đối với danh mục nợ công.

Sáu là, phát triển thị trường vốn trong nước để tăng khả năng huy động bằng đồng Việt Nam, đặc biệt là phát triển cơ sở các nhà đầu tư, đa dạng hóa kỳ hạn, nâng cao tính thanh khoản để trái phiếu Chính phủ trở thành đường cong lãi suất chuẩn cho các công cụ nợ.

Bảy là, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu nợ, dự báo, phân tích, đánh giá và đưa ra cảnh báo mức độ rủi ro đối với danh mục nợ công và nợ nước ngoài của Quốc gia. Đồng thời, chủ động đề xuất phương án xử lý đối với các rủi ro tiềm tàng của danh mục nợ./.

Minh Thư

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top