Bảo vệ môi trường Bắt đầu từ những việc nhỏ

12/02/2020 - 02:32 PM
Nhiều năm trở lại đây, kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh đã đồng thời kéo theo vấn đề bảo vệ môi trường trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước với những dự án lớn cấp tỉnh, cấp quốc gia hay thế giới mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng từ những hành động nhỏ nhất trong cuộc sống thường ngày. Bởi, khi toàn xã hội chung tay bảo vệ môi trường dù chỉ từ những hành động nhỏ nhưng lại có thể đem lại những ý nghĩa và tác dụng vô cùng lớn lao.
 
Phân loại rác tái chế

Sự tăng trưởng và phát triển của xã hội với tốc độ nhanh chóng đã khiến cho rác thải sinh hoạt của con người sinh ra ngày càng nhiều hơn, đồng nghĩa với việc tác động môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn. Tại một số quốc gia trên thế giới, việc phân loại rác trong sinh hoạt đã trở thành điều hiển nhiên trong cuộc sống mỗi ngày và được coi là một phần văn hóa đã đi sâu vào ý thức của các tầng lớp nhân dân. Điển hình là nước Đức, người dân nơi đây coi việc phân loại rác thải sinh hoạt là một phần nghĩa vụ bản thân với môi trường, nhờ đó, Đức có tỷ lệ tái chế rác thải sinh hoạt lên tới 65%, còn Thụy Điển, cũng nhờ ý thức người dân trong phân loại rác thải mà Thụy Điển trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tái sử dụng rác thải sinh hoạt hàng ngày với tỷ lệ 99%. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia vẫn chưa xây dựng được thói quen phân loại rác, đa số rác thải được đem đốt, thải ra biển, chôn vùi dưới đất hoặc xử lý bằng hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến môi trường, đe dọa tới sức khỏe con người.

Tại Việt Nam, mặc dù phân loại rác đã được triển khai tại một số tỉnh, thành phố nhưng đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả cao và chưa hình thành được thói quen tự giác trong nhân dân. Do yếu và thiếu ngay từ khâu phân loại nên tỷ lệ phế liệu trong rác thải nhựa và nilon ở Việt Nam rất cao, dẫn đến phế liệu của Việt Nam rất khó bán được, lại gây thêm khó khăn và tốn kém cho khâu xử lý. Để bảo vệ môi trường, mỗi người dân cần có trách nhiệm phối kết hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị doanh nghiệp thu gom tiến hành phân loại rác thải ngay từ trong gia đình mình. Điều này sẽ làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các khu tập trung chôn lấp rác và có thể thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ các rác thải tái chế và tái sử dụng được. Do vậy hiện nay, các Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) luôn khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhất là tại các hộ gia đình để việc xử lý, chôn lấp rác thải được dễ dàng hơn. Với người dân nông thôn, trước đây luôn có thói quen đốt rác, nay với sự tuyên truyền của các ngành, các cấp, cũng đang dần dần thay đổi cách xử lý rác.

 
Nói không với rác thải nhựa

Các nhà khoa học đã chứng minh nhựa là loại rác thải để lại hậu quả lâu dài nhất đối với môi trường. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường do lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngày một gia tăng gây ra nhiều tác động tiêu cực. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1 kg túi nilon mỗi tháng. Riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nilon. Điều đáng lo ngại là để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và nilon phải cần quãng thời gian hàng trăm năm, thậm chí có loại mất hàng nghìn năm. Trong khi đó, chất thải nhựa khi đốt sẽ tạo ra khí thải tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; ô nhiễm từ rác thải nhựa có thể gây ra những thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái như ảnh hưởng đến dòng chảy của các dòng sông, gây phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học, đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước.

 
Bảo vệ môi trường Bắt đầu từ những việc nhỏ
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Nhận thức rõ vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chính sách, chiến lược để kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, quản lý chất thải rắn; thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, trong đó chú trọng giảm thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác thải nhựa cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Do lĩnh vực tái chế chất thải nhựa của Việt Nam vẫn chưa phát triển, chưa có năng lực xử lý đáp ứng được khối lượng chất thải nhựa được thải ra mỗi ngày nên việc hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa và nilon từ chính người dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy lùi nguy cơ “ô nhiễm trắng” do chất thải nhựa gây ra. Vì vậy, mỗi người dân đều cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần, các sản phẩm được làm từ nguyên vật liệu dễ phân hủy, thân thiện với môi trường như mây, tre, cói, giấy…

Nâng cao ý thức xả thải

Tại một số quốc gia, điển hình như Singapore, ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh nơi công cộng cũng như chấp hành pháp luật của người dân rất cao; trên các con đường, hè phố của quốc gia này hầu như không có một mẩu giấy, rác, người dân tuyệt đối không hút thuốc lá nơi công cộng bởi sẽ phải chịu chế tài phạt rất cao. Trong khi đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia nổi tiếng về sạch sẽ, tại các nơi công công không hề có nhiều thùng rác do người dân đều có ý thức đem rác về nhà rồi phân loại trước khi thải ra môi trường. Đó là điều mà Việt Nam cần học hỏi, bởi Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng các loại rác thải được đổ tràn lan ra ruộng đồng, hệ thống kênh mương, ao hồ, sông suối, thậm chí ở vỉa hè và lòng đường cả ở khu vực nông thôn và thành thị. Đặc biệt vào thời điểm đầu năm, khi các lễ hội văn hóa diễn ra trên phạm vi cả nước thì vấn đề về ý thức xả rác của người dân cũng như du khách hành hương tới các địa điểm danh lam thắng cảnh luôn được nhắc đến thường xuyên.

Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn của sự kiện Giờ Trái đất 2019 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 30/3/2019), Việt Nam đã tiết kiệm được 492 nghìn kwh sản lượng điện, tương đương với số tiền khoảng 917 triệu đồng. Tương ứng trong khoảng thời gian đó, Việt Nam đã tiết kiệm được khoảng 200 tấn than đá dùng đốt trong nhà máy nhiệt điện than để sản xuất ra sản lượng điện trên (trung bình 1 tấn than đá cho lượng điện 2.460 kwh); đồng thời hạn chế được khoảng trên 60 tấn tro xỉ thải ra môi trường chưa kể đến khí thải và nước thải trong quá trình đốt than (cứ đốt 10 tấn than đá sẽ thải ra 3,3 tấn tro xỉ) và các chất thải ra môi trường trong quá trình khai thác nguyên liệu làm chất đốt. Những con số trên đã cho thấy hiệu quả bảo vệ môi trường khi cộng đồng cùng chung tay thực hiện chỉ bằng những hành động nhỏ nhất như tắt công tắc điện khi không sử dụng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng để tránh những tác động tiêu cực đến môi trường.

Bên cạnh đó, hằng năm Việt Nam đều phải đối mặt với vấn đề cháy rừng xảy ra trên cả nước, vừa làm tiêu hao tài nguyên thiên nhiên đất nước, gây thiệt hại kinh tế đáng kể, đe dọa đến tài sản, tính mạng con người, vừa làm mất dần đi lá phổi xanh lọc khí CO2, cung cấp oxi, góp phần gây thêm ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước, mặt đất, làm mất cân bằng hệ sinh thái, hủy diệt các thảm động thực vật trong tự nhiên. Một trong các nguyên nhân chính gây ra vấn nạn này là do người dân đốt nương rẫy, đốt lửa hun tổ ong lấy mật, vô ý bỏ lại các vật liệu dễ cháy, dễ bắt lửa. Chính vì vậy, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng là một trong những vấn đề mấu chốt, lâu dài để có một môi trường xanh, sạch, bền vững.

 
Lan tỏa trách nhiệm bảo vệ môi trường
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Trong hơn 10 năm tham gia Giờ Trái đất, điều mà các cấp lãnh đạo và người dân Việt Nam hy vọng không chỉ là tiết kiệm được một lượng năng lượng nhất định trong sự kiện đó mà mục tiêu lớn hơn đó là cùng lan tỏa ý thức trách nhiệm, kêu gọi người dân, cộng đồng và xã hội, các doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ cùng thực hiện tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Giống như mỗi hạt cát đều có vai trò quan trọng để hình thành nên sa mạc, mỗi cá nhân đơn lẻ chỉ bằng những hành động nhỏ của bản thân, lan tỏa đến người thân, cộng đồng xã hội chắc chắn sẽ đem lại những hiệu quả lớn lao trong việc bảo vệ môi trường, cũng như bảo vệ tương lai của đất nước, của nhân loại. Để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đất nước cũng như cả hành tinh xanh trái đất, mỗi cá nhân cần chung tay từ những việc nhỏ trong chính cuộc sống thường ngày như: Giữ gìn cây xanh; sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên; rút các phích điện khỏi ổ cắm; sử dụng năng lượng sạch; thực hiện nguyên tắc 3R (reduce, reuese and recycle) giảm sử dụng - tái sử dụng - tái chế; sử dụng sản phẩm địa phương để tiết kiệm năng lượng vận chuyển; tiết kiệm giấy để bảo vệ rừng; giảm sử dụng túi nilon; tận dụng năng lượng mặt trời… Song song với nâng cao ý thức bản thân, kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở, tạo thói quen, nề nếp sinh hoạt có ý thức bảo vệ môi trường đến mỗi người thân trong cả gia đình, cơ quan, trường học… Bên cạnh đó, cần tăng cường lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường vào trong giáo dục học đường, để ý thức bảo vệ môi trường sẽ được bồi đắp cho các thế hệ tương lai, để bảo vệ môi trường sẽ trở thành một nét văn hóa, hiện hữu hiển nhiên trong cuộc sống mỗi ngày của mỗi thế hệ./.
 
 
 
Điều 53, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định, hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường như: “Thu gom và chuyển chất thải sinh hoạt đến đúng nơi do tổ chức giữ gìn vệ sinh môi trường tại địa bàn quy định; xả nước thải vào hệ thống thu gom nước thải; không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn và tác nhân khác vượt quá tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của cộng đồng dân cư xung quanh; tham gia hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư; có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn đối với khu vực sinh hoạt của con người; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hương ước, bản cam kết bảo vệ môi trường”.
 
 
Thu Hiền
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top