Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Sơn La: Nơi trao gửi niềm tin

29/05/2021 - 12:00 PM

Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Sơn La tiền thân là Viện Điều dưỡng tỉnh Sơn La được thành lập từ năm 1966. Trên chặng đường 55 xây dựng, trải qua các lần thay đổi tên gọi và địa điểm, trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù là lúc chiến tranh ác liệt hay thời bao cấp thiếu thốn, các thế hệ cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện luôn tận tụy với nghề, hết lòng vì người bệnh, đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cán bộ y tế Bệnh viện hướng dẫn, chăm sóc, dặn dò tận tình chu đáo người bệnh

Kế thừa truyền thống vượt khó đi lên của các thế hệ đi trước, giai đoạn hiện nay, Bệnh viện PHCN tỉnh Sơn La tranh thủ sự quan tâm của Tỉnh và Ngành y tế, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Mặc dù mô hình bệnh tật đa dạng hơn, nhiều ca diễn biến phức tạp nhất là với các nhóm bệnh tai biến mạch máu não, bệnh tim mạch, bệnh thần kinh cơ - xương - khớp nhưng hiệu quả điều trị ngày một nâng lên, giúp người khuyết tật tự chăm sóc bản thân, giảm đi gánh nặng cho xã hội, gia đình và người thân.

Các trang thiết bị hiện đại được đầu tư giúp quá trình điều trị được hiệu quả hơn

Bệnh viện PHCN tỉnh Sơn La có quy mô 200 giường bệnh, gồm 4 phòng chức năng và 13 khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Các phòng, khoa chuyên môn của bệnh viện được trang bị máy móc, thiết bị y tế khá hiện đại nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, PHCN cho người bệnh như: Xoa bóp, sóng ngắn, siêu âm, điện xung, điện phân, hồng ngoại, tử ngoại, điện từ trường, tập vận động toàn thân, laze nội mạch, hoạt động trị liệu và ngôn ngữ trị liệu…
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua, Bệnh viện rất quan tâm đến công tác đào tạo. 3 năm gần đây, Bệnh viện cử đi đào tạo 2 thạc sĩ, bác sĩ học CKI PHCN, 01 bác sĩ CKI chẩn đoán hình ảnh, 01 bác sĩ học Y học cổ truyền, 1 bác sĩ học định hướng PHCN, 3 cử nhân và 3 cao đẳng học PHCN... Ngoài ra, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, các cán bộ, bác sĩ nhân viên của Bệnh viện được trao đổi về chuyên môn kỹ thuật mới trong lĩnh vực vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu với các tình nguyện viên ở các nước có nền y học cao.

Tạo sân chơi lành mạnh khuyến khích đội ngũ điều dưỡng – kỹ thuật viên
không ngừng rèn luyện nâng cao kỹ năng chuyên môn

Hiện nay, đội ngũ nhân lực của Bệnh viện có 129 người trong đó, có 28 bác sĩ, 54 điều dưỡng, 13 kỹ thuật viên, 5 dược sĩ…, trình độ đội ngũ ngày một nâng cao đủ để đáp ứng yêu cầu triển khai các kỹ thuật PHCN theo phân cấp quy định của Bộ Y tế. Thành công hơn, Bệnh viện đã tiếp nhận thành công nhiều đợt chuyển giao kỹ thuật từ tuyến Trung ương (Trung tâm PHCN của Bệnh viện Bạch Mai), nổi bật là kỹ thuật tiêm potocxin chẩn đoán và điều trị tổn thương tuỷ sống; kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn tiến tới kích thích xuyên sọ bằng dòng điện một chiều để PHCN sau đột quỵ não…

Tận tình, kiễn nhẫn giúp người bệnh phục hồi

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, Ban lãnh đạo Bệnh viện đẩy mạnh phong trào thi đua học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường công tác giáo dục tư tưởng cho cán bộ, bác sĩ nhân viên phải luôn coi người bệnh như người nhà của mình có thái độ ân cần, niềm nở, nhiệt tình và chu đáo. Bên cạnh đó, Bệnh viện công khai số máy đường dây nóng và số máy trực (tại vị trí dễ nhìn nhất), sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của người bệnh 24/24h, bố trí các hòm thư góp ý tại các khoa phòng, có lịch tiếp công dân cụ thể theo tháng (công khai) và phát phiếu khảo sát sự hài lòng của người bệnh tới từng bệnh nhân.

Người bệnh thoải mái như khi được người nhà chăm sóc

Song song với công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện còn thực hiện tốt các nội dung của chương trình Mục tiêu Quốc gia về PHCN giai đoạn 2014 – 2020 và chương trình Mục tiêu Y tế - dân số giai đoạn 2016 – 2020. Thông qua các chương trình này người khuyết tật trong toàn tỉnh có cơ hội tiếp cận với PHCN giúp họ tái hoà nhập cuộc sống. Cụ thể, Bệnh viện đã tổ chức thành công 12 lớp tập huấn về quản lý sức khoẻ, PHCN cho người khuyết tật tại cộng đồng; triển khai điều tra, khảo sát, thu thập thông tin quản lý sức khoẻ cho người khuyết tật tại các hộ gia đình là trên 14 nghìn người; cấp 1.621 loại dụng cụ cho người khuyết tật đạt 12,46% tổng số người khuyết tật trong tỉnh (vượt 4,46% so với chỉ tiêu giao).

Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia PHCN (giai đoạn 2014 -2020),
Bệnh viện cấp xe lăn cho người khuyết tật trong cộng đồng giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống

Nhờ những nỗ lực không ngừng, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người bệnh biết đến chức năng nhiệm vụ của bệnh viện, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ngày một tăng. Riêng năm 2020, dù ảnh hưởng của dịch Covid - 19 song các chỉ tiêu chính (như: tổng số lượt khám, số bệnh nhân điều trị nội trú, công suất sử dụng giường) của Bệnh viện vẫn đạt 95 - 100% kế hoạch được giao. Đặc biệt, chất lượng điều trị ngày một nâng cao (ngày điều trị nội trú bình quân giảm từ 21 ngày xuống còn 18,61 ngày), góp phần giúp người khuyết tật tự chăm sóc bản thân, giảm đi gánh nặng cho xã hội, gia đình.

55 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Bệnh viện vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai, hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ y tế, UBND tỉnh; nhiều tập thể được công nhận tập thể xuất sắc, chiến sĩ thi đua các cấp. Thời gian tới với mục tiêu trở thành “Nơi trao gửi niềm tin”, Bệnh viện PHCN Sơn La mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Sở Y tế, sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để bệnh viện ngày càng phát triển, giúp đỡ được nhiều người bệnh, người khuyết tật hơn nữa./.

Đình Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top