Biến động thị trường ô tô Việt Nam

29/05/2020 - 08:19 AM
Trong quý I/2020, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 bùng phát toàn cầu, cùng với nhiều chuyển biến tại thị trường bán lẻ trong nước và thế giới, thị trường ô tô Việt Nam đã ghi nhận nhiều biến động so với thời điểm cuối năm 2019. Ảnh hưởng này cũng khiến cho các dự báo về doanh số, doanh thu, sản xuất, thị hiếu… của thị trường ô tô trong năm 2020 không còn phù hợp và ít nhiều giảm tính chính xác.
  
Thị trường tiêu thụ kém lạc quan với doanh số sụt giảm

Trong nhiều năm trở lại đây, chưa có khi nào thị trường bán lẻ của Việt Nam cũng như thế giới lại có nhiều biến động khó lường như giai đoạn đầu năm 2020, khi việc kiểm soát dịch bệnh cần phải được thắt chặt khiến cho chuỗi giá trị toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hoạt động mua bán, trao đổi ô tô trong giai đoạn này cũng không nằm ngoại lệ khi thị trường liên tục ghi nhận doanh số ảm đạm với mức tăng trưởng âm.

Trong 3 tháng đầu năm, dù dịch bệnh chưa có dấu hiệu ảnh hưởng đáng kể đến thị trường ô tô nhưng doanh số bán hàng đã có sự giảm sút mạnh do sau Tết nguyên đán xu hướng mua sắm chưa tăng trở lại. Các báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, quý I/2020, các thành viên của VAMA tiêu thụ được khoảng 52,5 nghìn xe, giảm khoảng 33% so vời cùng kỳ năm 2019 (78,9 nghìn xe).

Riêng trong tháng 1, mức tiêu thụ giảm mạnh đến 52% khi chỉ có khoảng 15,7 nghìn xe được bán ra so với 33,1 nghìn xe bán ra trong tháng 12/2019; trong đó bao gồm 12,8 nghìn xe du lịch (giảm 48%), 2,7 nghìn xe thương mại (giảm 65%) và 223 xe chuyên dụng (giảm 41%) so với tháng trước; tương ứng giảm 53% xe ô tô du lịch, giảm 52% xe thương mại và giảm 33% xe chuyên dụng so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng cuối của quý I, mặc thì thị trường tiêu thụ ô tô ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ đạt 19,1 nghìn xe, tăng 8% so với tháng 2/2020 nhưng vẫn giảm đến 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó bao gồm 13,07 xe du lịch (tăng 5%), 5,7 nghìn xe thương mại (tăng 18%) và 372 xe chuyên dụng (tăng 12%) so với tháng 2/2020.

 
Biến động thị trường ô tô Việt Nam
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bên cạnh đó, Thành Công Motor là nhà cung cấp và tiêu thụ ô tô lớn nằm ngoài VAMA cũng báo cáo doanh số tiêu thụ ô tô quý I/2020 chỉ đạt 15,3 nghìn xe, bằng 91,48% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể 3 tháng đầu năm đơn vị này tiêu thụ được lần lượt tháng 1 được 6,8 nghìn xe, tháng 2 giảm mạnh còn 3,9 nghìn xe, tháng 3 tăng 17% so với tháng trước đạt 5,08 nghìn xe.

Các số liệu đều cho thấy trong tháng 3, thị trường tiêu thụ có sự phục hồi và tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng rất khiêm tốn của tháng 3 không đđể thay đổi thị trường ô tô vốn đã suy giảm sau tết lại phải tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh. Đứng đầu về doanh số tiêu thụ là Công ty Cổ phần Trường Hải (Thaco) với doanh số cả quý I đạt 16,1 nghìn xe, trong đó Thaco KIA có doanh số bán hàng cao nhất đạt 5,6 nghìn xe, tiếp theo là Thaco Mazda và Thaco Truck lần lượt với 4,88 và 4,84 nghìn xe. Tuy nhiên sức tiêu thụ của Thaco vẫn giảm đến 29% so với cùng kỳ năm trước. Vị trí thứ hai thuộc về Thành Công Motor với 15,3 nghìn xe (giảm 8,52%), tiếp đó là Toyota với 13,7 nghìn xe (giảm 28%); Mitsubishi, Honda, Ford khiêm tốn với doanh số từ 3 nghìn đến trên 5 nghìn xe. Một số dòng xe thuộc các hãng Mekong (Fiat, Ssangyong, PMC), GMV (Chevrolet), Mercedes-Benz Vietnam không có doanh số bán ra trong 3 tháng đầu năm 2020. Riêng dòng xe của Hino ghi nhận mức tăng 88% so với cùng kỳ năm trước dù doanh số bán ra trong quý I nhưng cũng chỉ đạt 606 xe (chưa bao gồm chassis xe buýt); hay Daewoo Bus tăng đến 106%, cũng chỉ đạt 35 xe so với 17 xe cùng kỳ năm trước.

Mặc dù sức mua yếu đi nhưng thị trường ô tô vẫn chưa có xu hướng mới, do đó thị hiếu của người tiêu dùng chưa có gì thay đổi. VAMA đã thống kê, Toyota dù không đứng đầu bảng về doanh số tiêu thụ trong tháng của tất cả các thương hiệu nhưng vẫn có 2 dòng xe nằm trong top 10 dòng xe tiêu thụ nhiều nhất quý I, trong đó phải kể đến Toyota Vios tiếp tục giữ danh hiệu “vua doanh số” khi được người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn với doanh số 6.359 xe được bán ra; Toyota Fortuner ở vị trí thứ 7 với 1.874 xe. Thành Công Motor chiếm 4 vị trí trong danh sách top 10 với vị trí thứ 2 và 3 thuộc về Huyndai Accent và Huyndai i10 với doanh số lần lượt là 4.440 xe và 3.860 xe; Huyndai SantaFe đứng thứ 8 với 570 xe; Huyndai Tucson bán được 589 xe, đứng thứ 9. Ngoài ra, vị trí 4, 5, 6 thuộc về Mitsubishi Xpander với 3.001 xe; Mazda3 với 2.053 xe và Ford Range với 1.899 xe; đứng thứ 10 là sự góp mặt của Kia Cerato với 1.656 xe.

Nguồn cung giảm và sản xuất đình trệ

Trong tháng 3, ghi nhận nguồn cung xe ô tô nguyên chiếc đang trong tình trạng ảm đạm do diễn biến khó lường của dịch bệnh trong nước và đặc biệt là trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thực thi các chính sách thắt chặt giao thông cũng như giao thương quốc tế nhằm kiểm soát dịch bệnh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô đã nhập khẩu trên 22,5 nghìn ô tô nguyên chiếc, trị giá 497 triệu USD, chỉ bằng 56,9% về lượng và 56,7% về trị giá so với quý I/2019; giá trị trung bình của mỗi xe nhập khẩu vào Việt Nam trong quý là 22,06 nghìn USD/xe. Riêng trong tháng 1 đầu năm doanh nghiệp nhập khoảng 3,9 nghìn chiếc với trị giá 106 triệu USD, giảm tới 66,3% về lượng và giảm 61,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam vẫn là Thái Lan, Indonesia chiếm tới hơn 80% tổng lượng xe nhập khẩu, còn lại là xe có xuất xứ từ Nga, Mehico, Trung Quốc, Belarus…

Trong cùng hoàn cảnh, tình hình sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước cũng không có dấu hiệu khả quan. Trong quý I/2020, sản lượng xe lắp ráp trong nước xuất xưởng chỉ đạt 33,1 nghìn chiếc, giảm 28,3% so với quý I/2019. Ngoài yếu tố sức mua giảm, việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước của Việt Nam suy giảm còn do phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung linh kiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu; chủ yếu là từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia… Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong quý I vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 907 triệu USD linh kiện và phụ tùng ô tô, giảm 12,03% so với cùng kỳ năm trước; trong tháng 3, diễn biến dịch bệnh trở nên xấu hơn ở hầu hết các quốc gia nhập khẩu khiến cho nhiều nhà máy sản xuất phải đóng cửa, trị giá linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã giảm đến 37,5%.

Trong tháng 3 và 4/2020, thực hiện cách ly xã hội, hàng loạt các nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam đã tạm thời đóng cửa, ngưng các hoạt động sản xuất. Nhà máy Ford tại Hải Dương chuyên lắp ráp các dòng EcoSport, Tourneo, Transit tạm ngưng hoạt động từ ngày 26/3; Toyota tại Vĩnh Phúc tạm ngưng từ ngày 30/3; 2 nhà máy của Honda ở Vĩnh Phúc và Hà Nam tạm ngưng hoạt động từ ngày 01/4, Huyndai ở Hàn Quốc đóng cửa hàng loạt nhà máy vào cuối tháng 02/2020 đã khiến Thành Công Motor cũng phải tạm ngưng hoạt động từ ngày 01/4 do không thể nhập khẩu được linh kiện chính của một số mẫu xe Huyndai lắp ráp tại Việt Nam. Từ ngày 5-6/4, các hãng xe Nissan, Mercedes cũng tạm ngưng sản xuất. Nhà máy VinFast đặt tại Hải Phòng là hãng xe đầu tiên và duy nhất mang thương hiệu Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Đồng thời, trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh các biện pháp nhằm kiểm soát dịch bệnh, theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các showroom ô tô trên cả nước đều phải đóng cửa thực hiện cách ly xã hội, nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh. Do đó, doanh số tiêu thụ ô tô giảm mạnh hơn nữa. Để cứu vãn tình hình, hàng loạt đại lý ô tô đã thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá sâu để kích cầu tiêu dùng. Trong nửa cuối tháng 3 và đầu tháng 4, hàng loạt hãng ô tô đã ghi nhận mức giảm giá sâu. Trong đó phải kể đến Toyota tiếp tục áp dụng hình thức hỗ trợ một phần phí trước bạ cho các mẫu xe Altis, Innova, Fortuner; các ưu đãi giảm giá của hàng có thể lên đến 80-90 triệu đồng trừ thẳng vào giá xe hoặc áp dụng với phụ kiện cùng giá trị. Trong khi đó, Honda giảm trừ các mẫu CR-V, Civic từ 60 triệu đồng lên đến 100 triệu đồng. Giảm trừ nhiều nhất phải kể đến Ford với mức giảm mạnh lên đến gần 270 triệu đồng cho mẫu Explorer để xả hàng tồn. Các dòng xe Huyndai, Nissan, Mitsubishi, Kia, Mazda, Subaru, Chevrolet VinFast, thậm chí Volkswagen cũng không đứng ngoài cuộc đua giảm giá.

Bên cạnh đó, dù đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội, các showroom ô tô vẫn có nhân viên trực bên trong để hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục mua hàng trực tuyến và các thủ tục liên quan. Ngoài ra, thị trường ô tô cũng có căn cứ để kỳ vọng vào xu hướng mua xe cá nhân sẽ tăng khi người dùng có tâm lý hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng, phương tiện không có che chắn như xe máy để phòng tránh dịch bệnh. Do vậy, thị trường tiêu thụ ô tô của Việt Nam tính đến thời điểm thực hiện Chỉ thị của Chính phủ vẫn chưa lâm vào tình trạng đóng băng hoàn toàn và vẫn có khả năng cố trụ chờ đợi sức mua khởi sắc hơn./.

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh
 Đại học Công nghiệp Hà Nội

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top